Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Về việc tu sửa công trình tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo: Cần giữ được thần thái oai hùng, hình tượng thân quen

Thứ Tư 29/09/2021 | 11:08 GMT+7

VHO- Được xây dựng vào năm 1967 tại công trường Mê Linh (quận 1, TP.HCM), kề cận công viên bến Bạch Đằng và sông Sài Gòn, công trình tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo hiện hữu cao gần 6m, đứng trên bệ tượng hình lăng trụ tam giác cao gần 10m, mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa.

 Công trình tượng đài Trần Hưng Đạo hiện đang xuống cấp khá nghiêm trọng, cần sớm tiến hành nghiên cứu, đánh giá và đưa ra phương án tu sửa khả thi

Qua thời gian, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo đã xuống cấp khá nghiêm trọng cần được sớm tiến hành nghiên cứu, đánh giá và đưa ra phương án tu sửa khả thi nhằm gìn giữ, bảo tồn công trình văn hóa đã in sâu trong đời sống tinh thần của người dân TP.HCM.

Vừa qua, trong quá trình triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng, UBND TP.HCM đã giao UBND quận 1 đề xuất phương án chỉnh trang công trường Mê Linh và tu sửa, tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Theo đó, UBND quận 1 đã trình lên UBND thành phố phương án tu sửa công trình tượng đài và đang tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh thiết kế, dự kiến trong nay mai sẽ công bố và mời người dân góp ý trước khi tu sửa. Trao đổi với Văn Hóa xung quanh những phương án tu sửa tượng đài này, GS.TS, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho biết, Hội đã nhận được đề nghị góp ý của Sở VHTT TP.HCM. Theo đó Hội đã thống nhất phương án tu sửa chống xuống cấp công trình tượng đài, cụ thể những phần bê tông bị bong tróc, hư hỏng sẽ được bóc ra rồi đắp lại theo mẫu cũ, một số phần cốt thép bị gỉ mục cũng được gia cố để đảm bảo an toàn cho tượng đài. Về màu sắc thì không thể sơn màu nào khác ngoài màu giả đồng. Điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên còn nhấn mạnh, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo hiện hữu được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, theo kỹ thuật trực tiếp đắp thẳng lên, một cách làm tượng đài khá phổ biến trước những năm 1975 nên chưa đạt về chuyên môn mỹ thuật, tỉ lệ tượng, hình khối… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì chưa thể xây mới, mà chỉ có phương án tu sửa tôn tạo là tối ưu.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Sử học Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển (TP.HCM) cho rằng, hình tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo hiện hữu đã in sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người dân thành phố. Từ dáng đứng oai hùng cho đến cử chỉ của ngài rất thân thuộc, thân quen trong ánh mắt người dân, và cũng đã ăn sâu trong đời sống tâm linh của cộng đồng, đặc biệt là tinh thần chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi dân tộc. Do đó, dưới nhiều góc độ, đây là công trình mang đầy đủ các giá trị về nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và cả tâm linh. Vì thế, không nên đặt vấn đề xây mới tượng đài mà cần tu sửa, thay thế chất liệu sao cho đáp ứng được tính an toàn, bền vững của tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo. “Tuy nhiên, quá trình tu sửa, tôn tạo cần kiểm soát độ cao của các hạng mục trong khuôn viên công trường Mê Linh như cây xanh, trụ đèn… để tránh việc che khuất tượng ngài. Hiện nay tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo dường như bị “bao vây” và “lọt thỏm” giữa các tòa nhà cao tầng xung quanh, vì thế chính quyền và cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, tính toán đến giải pháp tạo không gian cảnh quan để làm nổi bật sự oai dũng của tượng đài”, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân nhấn mạnh.

Là một người dân TP.HCM hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, anh Siu Quý chia sẻ, thành phố hiện có rất ít tượng đài xây dựng trước giải phóng còn được giữ lại. Với tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo tọa lạc bên sông Sài Gòn, anh Quý mong muốn cần phải được giữ lại để tôn vinh danh nhân lịch sử, anh hùng của dân tộc. Làm đẹp hơn cho một thành phố hiện đại nhưng cũng không mất đi nét truyền thống, bản sắc đặc trưng riêng, đặc biệt là không gian di sản ven sông. Theo đó, có thể “siêu âm” để nhẹ nhàng tu sửa những phần tượng bị hư hỏng, tránh “làm động” đến tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo mà người dân tôn kính hàng bao đời nay. Mong rằng sau khi tu sửa, vẫn giữ được thần thái, hình tượng quen thuộc của ngài, phù hợp với cảnh quan xung quanh chứ đừng khoác lên một chiếc áo mới lạ lẫm.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo được thiết kế là vị võ tướng oai hùng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Đây là tác phẩm thắng giải của tác giả trẻ Phạm Thông, khi ấy vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Sài Gòn. Công trình tượng đài là một minh chứng về sự phát triển năng động của TP.HCM, mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa, nơi tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM.

Trước đó, thông tin với báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, khi thành phố trở lại với trạng thái bình thường mới, cùng việc tiếp tục chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng và mở rộng công trường Mê Linh, thành phố cũng đã công bố phương án tu sửa tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo tại Sở Xây dựng, và mong muốn người dân, chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện phương án tôn tạo, vì đây là công trình văn hóa, lịch sử không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân thành phố. Ông Khuê nhấn mạnh, việc nâng cấp, chỉnh trang và mở rộng công trường Mê Linh nhằm tạo ra không gian văn hóa của thành phố. Trong đó, việc tu bổ, tu sửa tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo được triển khai với tinh thần hết sức thận trọng. Thành phố vẫn tiếp nhận và lắng nghe ý kiến của người dân để việc tu sửa tượng đài trở nên hoàn chỉnh, qua đó tạo ra điểm nhấn về sự phát triển của thành phố. 

Hội đã thống nhất phương án tu sửa chống xuống cấp công trình tượng đài, cụ thể những phần bê tông bị bong tróc, hư hỏng sẽ được bóc ra rồi đắp lại theo mẫu cũ, một số phần cốt thép bị gỉ mục cũng được gia cố để đảm bảo an toàn cho tượng đài. Về màu sắc thì không thể sơn màu nào khác ngoài màu giả đồng.

(GS.TS, nhà điêu khắc NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)

 

 Quá trình tu sửa, tôn tạo cần kiểm soát độ cao của các hạng mục trong khuôn viên công trường Mê Linh như cây xanh, trụ đèn… để tránh việc che khuất tượng ngài. Hiện nay tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo dường như bị “bao vây” và “lọt thỏm” giữa các tòa nhà cao tầng xung quanh.

Vì thế chính quyền và cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, tính toán đến giải pháp tạo không gian cảnh quan để làm nổi bật sự oai dũng của tượng đài.

(PGS.TS Sử học TÔN NỮ QUỲNH TRÂN)

 HOÀNG HẢI; ảnh: HẢI LONG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top