Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Đã đến lúc các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực phải tự soi mình

VHO- Đóng góp dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội nghệ thuật chuyên ngành đã chia sẻ với Văn Hóa nhiều ý kiến sát thực, từ góc nhìn của những người trong cuộc.

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Đã đến lúc các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực phải tự soi mình - Anh 1

Hoan nghênh và đồng thuận với dự thảo

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hoan nghênh và đồng thuận với việc Bộ VHTTDL xây dựng Dự thảo về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Quy tắc sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao trách nhiệm, giá trị đạo đức, văn hóa của nghệ sĩ trước công chúng, trong xã hội và trong hoạt động nghề nghiệp. Đây sẽ là những khuyến cáo quan trọng để giới nghệ sĩ cũng như những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật ứng xử theo đúng chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp và trong ứng xử đối với công chúng, đối với xã hội nói chung.

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Đã đến lúc các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực phải tự soi mình - Anh 2

Mặc dù Quy tắc không đề cập đến nội dung chế tài nhưng cần nghiên cứu về tính ràng buộc đối với các đối tượng khác nhau, gồm các nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước, trong các lực lượng vũ trang... Động thái của các cơ quan quản lý văn hóa, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tiếng nói của văn nghệ sĩ đích thực trước những sản phẩm, phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực của những cá nhân mượn danh nghệ sĩ làm ảnh hưởng đến uy tín của giới văn học nghệ thuật, cần được đưa vào quy chế như những ý kiến phản biện.

Quy tắc cần được áp dụng đối với mọi thành phần nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, như biểu diễn, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, các cuộc thi người đẹp, các hoạt động từ thiện… trong và ngoài công lập. Quy tắc sẽ góp phần chấn chỉnh những hiện tượng sai trái và khuyến khích những nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả, cống hiến cho công chúng những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, xây dựng hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng.

(PGS.TS, nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam)

“Nghệ sĩ nhìn vào các quy tắc để hoàn thiện chính mình...”

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Đã đến lúc các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực phải tự soi mình - Anh 3

Thực trạng showbiz Việt thời gian qua xuất hiện quá nhiều nghệ sĩ ứng xử “lệch chuẩn” như các hiện tượng quảng cáo thổi phồng, sai sự thật; câu chuyện làm từ thiện không minh bạch; phát ngôn thiếu chuẩn mực ... Những hiện tượng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và niềm tin của công chúng đối với giới nghệ sĩ, chính vì vậy Bộ VHTTDL xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là việc làm rất cần thiết. Căn cứ vào các nội dung tại Quy tắc, các nghệ sĩ có thể dễ dàng soi chiếu những hành động, việc làm, điều chỉnh hành vi sao cho chuẩn mực hơn. Ví dụ như khi tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, quy tắc nêu rõ cần “Công khai, minh bạch, kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân”.

Đạo đức là yếu tố quan trọng nhất trong tính cách, giá trị của mỗi con người, là hệ thống các quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội, cần phải có một quá trình giáo dục thấu đáo, bền bỉ chứ không thể chỉ thông qua một vài bộ quy tắc, quy chuẩn mà có thể điều chỉnh ngay được. Tất nhiên, động thái ra đời bộ Quy tắc này sẽ giúp nghệ sĩ cẩn trọng hơn trong phát ngôn, hành xử… Tôi quan tâm nhiều đến việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý nhà nước để làm sao tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, để Quy tắc ứng xử này giúp những người hoạt động nghệ thuật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội xác định các chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức, nhằm thống nhất về nhận thức, hành động, lan toả các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

(NSND TRỊNH THÚY MÙI, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Đối tượng cần được mở rộng hơn

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Đã đến lúc các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực phải tự soi mình - Anh 4

Những hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực, ứng xử thiếu văn hóa hay quảng cáo không đúng sự thật không chỉ xuất hiện ở giới những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, việc Bộ VHTTDL xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã thể hiện sự tiên phong nhằm nhắc nhở và điều chỉnh các hành vi với những đối tượng của ngành văn hóa nghệ thuật. Qua đó, khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật, nhất là với những nghệ sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội để hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Trong phần giải thích từ ngữ có nêu: “Lĩnh vực nghệ thuật gồm nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh”, tôi cho rằng cần mở rộng hơn với cụm từ “nghệ thuật biểu diễn” vì như vậy sẽ chỉ được hiểu là bộ phận nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn trong khi trong giới nghệ thuật như ca múa nhạc, sân khấu thì còn có nhiều đối tượng khác như lực lượng sáng tác, đạo diễn…

Đặc biệt, dự thảo cũng đưa ra Quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, theo đó, nghệ sĩ có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng; có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín của người nghệ sĩ trước công chúng và xã hội. Tôi cho rằng có những nội dung trong dự thảo cụ thể nhưng lại có những nội dung có phần chung chung, tuy nhiên nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng thì không chỉ nghệ sĩ mà những người làm nghề khác trong xã hội cũng sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật, thậm chí nếu ở mức nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Dự thảo quy định nghệ sĩ khi tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường. Trên thực tế, những nghệ sĩ tham gia quảng cáo cũng không thể kiểm chứng được chất lượng cụ thể về công dụng, tính năng của sản phẩm mà họ quảng cáo, nếu quảng cáo sai với chất lượng thì chính đơn vị thuê quảng cáo phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nhưng rõ ràng, sự quyết liệt của dư luận xã hội, kèm theo sự ra đời Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ là những “barie” để mỗi người nghệ sĩ cẩn trọng hơn khi tham gia các hoạt động xã hội như quảng cáo, làm từ thiện…

(Nhạc sĩ ĐỨC TRỊNH, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Sự nhạy cảm và bắt tín hiệu rất kịp thời

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Đã đến lúc các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực phải tự soi mình - Anh 5

Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận sự nhạy cảm và bắt tín hiệu rất kịp thời từ dư luận xã hội khi Bộ VHTTDL soạn thảo dự thảo Quy tắc này. Về phía vai trò quản lý nhà nước, đây là một dự thảo rất kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh báo động về những hành vi ứng xử phản cảm xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật. “Những con sâu làm rầu nồi canh” khiến công chúng phiền lòng, nhất là khi những ứng xử phản cảm lại xuất hiện trong bối cảnh cả đất nước đang gồng mình trước đại dịch Covid-19. Trong đó, các hoạt động từ thiện, phát ngôn, quảng cáo sai sự thật... dù nhiều lúc thực hư chưa rõ ràng nhưng qua câu chuyện mà dư luận lên tiếng thì đã đến lúc các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực phải tự soi mình.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng phẳng, những cuộc tranh cãi ngày càng bất tận, hình ảnh các nghệ sĩ bị bôi xấu xuất hiện rất nhiều, nếu không có những phản hồi làm rõ thì tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài. Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc là giải pháp hết sức chuẩn xác nhằm ngăn chặn sự tiếp diễn của những việc làm, phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn. Đó cũng là cảnh báo để các nghệ sĩ ở từng lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ phải bảo trọng phẩm cách cá nhân của mình, tức là bảo trọng chính tài năng của mình. Những tai tiếng sẽ làm sụp đổ sự nghiệp của họ, xóa sạch những hình ảnh, biểu tượng đã tạo niềm tin yêu trong công chúng. Đôi khi chỉ một sa chân lỡ bước, nghệ sĩ có thể tạo nên những hành vi khiến xã hội lên án và không thể chấp nhận được.

Với mỹ thuật cũng đã xảy ra nhiều hiện tượng ứng xử lệch chuẩn. Đặc biệt, Quy tắc nêu lên trách nhiệm với cộng đồng của các nghệ sĩ, ở mảng nghệ thuật tạo hình có thể thấy rõ trách nhiệm của các họa sĩ trong đẩy lùi vấn nạn tranh giả, vốn tồn tại nhức nhối 3-4 thập kỷ nay. Trước tiên, các họa sĩ phải tự bảo trọng giá trị nghệ thuật của mình, không tiếp tay cho những kẻ làm hàng giả. Thực tế, nhiều nghệ sĩ vì lợi ích kinh tế đã tự nhân bản tác phẩm, vẽ nhái tranh của mình, khiến cho giá trị nguyên vẹn của tác phẩm đầu tiên không còn nữa. Điều này chỉ chính các nghệ sĩ biết được, nhưng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nền mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh những loại hình nghệ thuật đương đại ngày càng phát triển, sự xuất hiện mang tính phá cách của một số nghệ sĩ với nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật đường phố... cũng cần có những chuẩn mực phù hợp với văn hóa, thói quen thẩm mỹ của người Việt, tránh những màn trình diễn phản cảm. Hoặc sự xuất hiện lan tràn của những loạt tranh tường đang kéo lùi thẩm mỹ của người Việt hàng thập kỷ... cũng cần được đẩy lùi, như một cách thể hiện trách nhiệm của các nghệ sĩ với tạo lập những chuẩn mực thẩm mỹ trong cộng đồng.

Trên cơ sở khung quy tắc này, mỗi một loại hình nghệ thuật sẽ tự đưa ra những quy tắc riêng phù hợp với lĩnh vực của mình. Sau khi Quy tắc chính thức ban hành, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ triển khai rộng rãi trong hệ thống các hội mỹ thuật chuyên ngành tại các địa phương, đồng thời sẽ bổ sung những hướng dẫn để thực hiện quy tắc này một cách hiệu quả nhất.

(Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

 HIỀN LƯƠNG - PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc