Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành nền tảng tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật

Thứ Sáu 03/03/2023 | 11:02 GMT+7

VHO- Ngày 1.3 tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua”. Tọa đàm do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.

 Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT

Tham dự tọa đàm có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông. Cùng dự có lãnh đạo đại diện Ban, bộ, ngành, các hội VHNT trung ương và Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT.

Không để chính sách cho văn hóa chỉ “ở trên bàn giấy”

Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, những tư tưởng chỉ đạo cơ bản nêu trong Đề cương về văn hóa năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Theo ông, có 2 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới để triển khai chính sách của Đảng ta về văn hóa. Cụ thể, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa từ đó dẫn đến hành động, không để chính sách chỉ “ở trên bàn giấy”. Ông Nguyễn Hồng Vinh đề nghị, trong hành động, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ VHTTDL cần rà soát lại các chính sách, chỉ thị, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa, các chương trình quốc gia về văn hóa… còn vướng mắc ở đâu, vì sao những văn bản đã đầy đủ nhưng thực hiện còn chưa hiệu quả? “Cần có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Cần chương trình cụ thể về đào tạo cán bộ văn hóa, các trường đào tạo nhân lực lao động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật phải có chương trình giáo dục cụ thể; chương trình giáo dục đạo đức công dân đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đi vào thực chất chưa. Chúng ta phải giải đáp được câu hỏi này”, ông Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ.

Đồng quan điểm này, nguyên Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ, PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng: “Để chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 thì chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo: Công tác tư tưởng phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ, với cơ chế chính sách trong thực hiện chương trình quốc gia có mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2045”. Từ mô hình thành công về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ XII và XIII, ông Đào Duy Quát kiến nghị Trung ương Đảng thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045.

Cốt lõi của Đề cương trở thành nền tảng lý luận của Đảng về VHNT

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cùng với Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” tổ chức ngày 27.2 vừa qua, cuộc tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua” được tổ chức là những hoạt động quan trọng, thiết thực, khái quát được toàn diện 80 năm khởi nguồn và phát triển của Đề cương về văn hóa Việt Nam - cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay Chính phủ đã phân công Bộ VHTTDL xây dựng chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Theo đó, để xây dựng được một chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn 2045 cần thấy rõ cơ sở khoa học xuyên suốt của Đề cương về văn hóa Việt Nam dựa trên thế giới quan, nhân sinh quan chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và quan điểm lịch sử cụ thể.

 

Phát biểu tổng kết và chỉ đạo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia cách mạng; cống hiến tài năng, trí tuệ và cả máu của mình để góp phần quan trọng làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.”Qua lắng nghe ý kiến của quý vị đại biểu, có thể khẳng định, những nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành nền tảng tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật suốt 80 năm qua. Những quan điểm căn bản của Đề cương về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong văn hóa; về mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị và kinh tế; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đặc biệt là 3 nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển. “Tôi mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà với thiên chức cao quý, bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, khẳng định vị trí, vai trò và có những đóng góp xứng đáng, to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu. 

 Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của VHNT Việt Nam

Ngày 2.3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam” nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo nền tảng lý luận quan trọng để hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương soi rọi, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều thành tựu giá trị, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa dân tộc, hiện thực và nhân văn; phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, hội nhập quốc tế vào văn minh nhân loại bằng bản sắc độc đáo và những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Các ý kiến đóng góp tại tọa đàm giúp nhận thức sâu sắc hơn những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận thực tiễn của Đề cương trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. THANH MAI

 

 THÚY HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top