Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

"80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam: Khởi nguồn và Khát vọng"- Bài 3: Ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới

Thứ Sáu 03/03/2023 | 23:10 GMT+7

VHO- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trên một diễn đàn quan trọng từng kể, ông đã được nghe những người Mỹ nói rằng, họ đã phát hiện bí mật quan trọng nhất mang đến chiến thắng cho nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, chính là bí mật về văn hoá Việt. Những giá trị văn hoá được tạo nên từ những nghệ sĩ- chiến sĩ can trường, dũng cảm bước trên con đường chính nghĩa mà Đảng, Nhà nước đã định hướng, với dấu mốc quan trọng là bản Đề cương về văn hoá Việt Nam.

Bìa tạp chí Tiên Phong số 1, tháng 11.1945, toàn văn Đề cương về văn hoá Việt Nam, in trên tạp chí Tiên Phong. Ảnh: T.L

Sức sống của bản đề cương từ khởi nguồn cho đến hôm nay đã nhiều lần khẳng định, sức mạnh Việt Nam được tạo nên chính từ cội nguồn văn hoá, và qua mỗi thời kỳ lịch sử đều khẳng định sứ mệnh là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi.

Điểm tựa từ Đề cương về văn hoá Việt Nam

Trong bài phát biểu tại Lễ kỉ niệm 40 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã giải thích cụ thể về lí do và mục đích của việc đề ra các nguyên tắc “Dân tộc hoá, Khoa học hoá và Đại chúng hoá”. Trả lời câu hỏi “Vì sao phải Dân tộc hóa?”, theo đồng chí Trường Chinh, gần 100 năm thống trị, thực dân Pháp đã du nhập vào Việt Nam những nhân tố tiêu cực, phản động của văn hóa tư sản và đế quốc. Chúng đề cao sự giàu mạnh của thực dân, ca tụng chính sách thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, gieo rắc vào đầu óc người Việt Nam tinh thần nô lệ, lệ thuộc, sùng bái văn hóa Pháp, chạy theo cuộc sống hưởng lạc, đồi trụy, xa rời và miệt thị truyền thống văn hóa, nảy sinh tâm lý tự ti dân tộc, giảm sút tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mục đích của nguyên tắc “Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có đầy lòng tự hào, dũng cảm đứng lên tiếp nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng Tổ quốc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam”.

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, tháng 11 năm 1946. Ảnh:T.L

Cội nguồn văn hoá kết tinh và tạo nên nguồn mạch yêu nước sâu thẳm, khơi dậy niềm tin và khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Từ tám  thập kỷ trước, sớm nhìn thấy những nguy cơ nếu một nền văn hoá, văn nghệ cứ mải miết chạy theo những trào lưu, xu thế thời thượng mà lãng quên cốt cách, bản sắc của mình, Đảng ta đã vạch ra đường lối phát triển đúng đắn để từ đó cho đến sau này, đội ngũ văn nghệ sĩ, tri thức, hàng ngũ tinh hoa Việt đều thấm nhuần tư tưởng giữ gìn văn hoá chính là giữ gìn hồn cốt dân tộc. “Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 không chỉ là dịp để chúng ta cùng nhớ lại một sự kiện, một giai đoạn lịch sử mà qua đó, một lần nữa khẳng định chân lý của một con đường. Con đường ấy đã cuốn hút văn nghệ sĩ ở mọi lứa tuổi, thành phần, ở mọi miền đất nước cùng bước vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là khát vọng độc lập- tự do”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Đồng chí Trường Chinh xem Triển lãm tranh cổ động, năm 1973. Ảnh: T.L

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong suốt chiều dài phát triển, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn là người khởi xướng các cuộc duy tân của đất nước, kể từ Đề cương về văn hoá Việt Nam. “Có thể thấy, nguồn mạch yêu nước là nguồn mạch ẩn chứa rất sâu trong mỗi con người Việt Nam. Tư tưởng đổi mới cũng có trong mỗi chúng ta. Vì thế, chúng ta mới có những khát vọng xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa tân dân chủ. Suốt trong hành trình đó, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn có tư duy đổi mới, hành động đổi mới, dựa trên thực tiễn đổi mới”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đất nước đang mở rộng cánh cửa để hội nhập mạnh mẽ với toàn cầu, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Cùng với sự cấp thiết phải khơi thông các nguồn lực, việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa cần luôn dựa trên nền tảng, điểm tựa truyền thống, trong đó có điểm tựa cốt lõi từ Đề cương về văn hoá Việt Nam. Theo các chuyên gia văn hoá, nếu chúng ta đặt mình vào thời điểm 80 năm về trước, khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời với mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tân dân chủ có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, chúng ta mới thấy được tầm nhìn xa của bản Đề cương, trong đó có tầm nhìn về sức mạnh mềm văn hóa.

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, Đảng ta tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đầu tư cho văn hoá, vì văn hoá

“Những vấn đề được đặt ra ở Đại hội XIII về văn hóa cũng cho thấy sự tương đồng với Đề cương về văn hóa Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần luôn tựa vào điểm tựa, phát huy tư tưởng cốt lõi của đề cương trong sự nghiệp phát triển văn hóa hôm nay…”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Phát huy sức mạnh nội sinh từ văn hoá

Tự hào là quê hương, nơi sinh ra và nuôi dưỡng đồng chí Trường Chinh- người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh khẳng định, vận dụng tư tưởng của Đề cương về văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo có ý nghĩa lớn lao trong việc tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên quê hương cách mạng.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa gắn với sự tồn vong của dân tộc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”

“Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là một văn kiện lịch sử, một di sản văn hóa vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ. Đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt với tầm nhìn chiến lược của Ðảng đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cách mạng còn chưa giành được chính quyền về tay nhân dân. Mặc dù chỉ ngắn gọn, xúc tích khoảng 1.500 từ, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến, đặt nền móng cho tư duy lý luận của Đảng về văn hoá và ngày càng được bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh”, đồng chí Lê Quốc Chỉnh khẳng định.

Nhận diện dòng chảy chưa bao giờ đứt đoạn, từ các khái niệm “dân tộc, khoa học, đại chúng” trong Đề cương về văn hoá Việt Nam tới quan điểm “văn hóa như một nguồn lực nội sinh phát triển bền vững đất nước” cũng chính là khẳng định sức sống của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại. PGS.TS Trần Thị An (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, dường như có một sự tương đồng giữa tính chất của thời điểm biên soạn Đề cương và bối cảnh hiện nay. Đất nước đang đứng trước những vận hội mới; vận hội đó đang một lần nữa yêu cầu nhận chân vai trò của văn hóa, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa thực hiện những trọng trách của mình đối với sự phát triển của đất nước. Trước làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng, trước áp lực mạnh mẽ của kinh tế thị trường và tác động của những biến đổi trên thế giới đến sự phát triển đất nước, việc kiên định dựa trên ba trụ cột “dân tộc - đại chúng - khoa học” trong kiến tạo nguồn lực nội sinh và bản sắc văn hóa dân tộc nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người dân luôn là một vấn đề có ý nghĩa thời sự.

Thấu hiểu điều quan trọng nhất dành cho sự phát triển văn hoá trong giai đoạn hiện nay, liên tục trong thời gian qua, nhiều chương trình lớn, tầm vóc về văn hoá đã được Đảng ta tổ chức

GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, trước nhiều gian nan thử thách, chính sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt đã tạo sức mạnh để chúng ta vững vàng vượt qua và hoàn toàn không bị khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Hơn thế, người Việt Nam còn ứng xử thông minh, văn hóa hóa, Việt Nam hóa những tư tưởng từ bên ngoài để tạo nên nhiều thành tựu to lớn.

Nỗi lo mai một bản sắc văn hoá ở thời kỳ nào cũng vậy, luôn hiện hữu rõ nét.  PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên thường trực Uỷ ban văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu, trên thế giới, người ta đang lo ngại trào lưu “Mỹ hóa”, ăn kiểu Mỹ - ăn đồ ăn nhanh, uống kiểu Mỹ - uống đồ uống có gas, nói tiếng Mỹ - Anh, xem phim Mỹ, nghe nhạc Mỹ… Đó là dấu hiệu tiêu biểu nhất của quá trình toàn cầu hóa. Các quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam thực sự phải khẳng định bản lĩnh để chống lại nguy cơ bị đồng hoá, nguy cơ bị hoà tan trong quá trình trình toàn cầu hóa dữ dội này.  Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nếu chúng ta không trân trọng cội nguồn, thiếu bản lĩnh văn hóa, không hiểu rõ bản sắc văn hóa của đất nước mình thì chúng ta sẽ không tự tin trong quá trình hội nhập quốc tế.

Từ Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 cho đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”

“Chỉ khi chúng ta tự tin trong quá trình hội nhập quốc tế thì chúng ta mới có thể giới thiệu văn hóa, những sản phẩm, ký ức, tâm hồn, giá trị của dân tộc mình ra thế giới, thay vì chỉ tiếp thu những giá trị văn hóa từ thế giới đưa vào…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Thấu hiểu điều quan trọng nhất dành cho sự phát triển văn hoá trong giai đoạn hiện nay, liên tục trong thời gian qua, Đảng ta đã tổ chức nhiều chương trình lớn mang tầm vóc quốc gia về văn hoá. Từ Đề cương về  văn hoá năm 1943 cho đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, chúng ta nhận thấy rằng, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp để dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ở đó, văn hoá Việt Nam luôn giữ vững bản lĩnh, cốt cách, tinh thần dân tộc.

Khát vọng cống hiến, chấn hưng văn hóa

Nhìn lại 80 năm kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, thế hệ hôm nay tiếp tục nghiên cứu, khẳng định tầm vóc vượt thời đại của một văn kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cách mạng và con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Từ nền tảng nguồn lực nội sinh đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa gắn với sự tồn vong của dân tộc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn giành sự quan tâm, đồng hành cùng đội ngũ văn nghệ sĩ trong các chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc

Nhìn nhận giá trị của bản đề cương năm 1943 trong suốt mạch nguồn phát triển của nền văn hoá dân tộc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, với tư tưởng bằng văn hoá, từ văn hoá, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cùng các văn kiện của Đảng sau này đã khẳng định, bản chất cốt lõi của văn hóa chính là “một mặt trận”, là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, là “sức mạnh nội sinh”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước” như … Vì vậy, việc tiếp tục tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là trung tâm của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia là điều vô cùng cấp thiết. Rõ ràng, đó cũng không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà cần phải là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để từ đó, nền tảng văn hoá truyền thống sẽ được củng cố và khơi nguồn cho những niềm tin, khát vọng cống hiến, chấn hưng văn hoá dân tộc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành gặp mặt đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đầu Xuân Quý Mão 2023

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hóa đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”. Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023): Khởi nguồn và động lực phát triển"

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, ở vào những bước ngoặt mang tính quyết định, sức mạnh của văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy, góp phần quan trọng đưa đất nước ta phát triển đi lên. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: “Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc đến những thắng lợi vẻ vang…”.

Chương trình nghệ thuật "80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam- Những dấu ấn lịch sử"

Tám thập kỷ đã trôi qua, song tính chất soi đường của Bản đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị, qua từng thời kỳ được Đảng ta kế thừa, bổ sung và phát triển. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

PHƯƠNG ANH- TRẦN HUẤN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top