Có phương án bảo tồn, phát huy di chỉ khảo cổ Làng Vạc

VHO- Di tích khảo cổ học Làng Vạc, thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thuộc nền Văn hóa Đông Sơn đã được vinh danh là di tích lịch sử cấp quốc gia. Lễ hội Làng Vạc mỗi năm tổ chức một lần là điểm nhấn du lịch của tỉnh Nghệ An.

Có phương án bảo tồn, phát huy di chỉ khảo cổ Làng Vạc - Anh 1

Một số cổ vật được tìm thấy ở di tích làng Vạc

UBND thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vừa tổ chức lễ hội Làng Vạc lần thứ 24 tại Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn. Trải qua 23 lần tổ chức, lễ hội Làng Vạc đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách. Lễ hội Làng Vạc thường niên được tổ chức tháng 2 âm lịch hằng năm nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống hiếu nghĩa của các thế hệ con cháu với tổ tiên, tăng cường mối đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đồng thời giữ gìn, bảo vệ Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Ban tổ chức lễ hội chia sẻ: “Đến Làng Vạc, phần nghi lễ thu hút hàng trăm người dân tham gia lễ rước Vạc đồng từ sân tổ chức lễ hội về đền thờ Làng Vạc để làm lễ đại tế. Một năm một lần, chiếc Vạc đồng mới được kênh lên trên kiệu bởi những chàng trai to khỏe được chọn trong làng. Những hiện vật của cha ông để lại được phát hiện và gìn giữ, tôi cảm thấy rất tự hào và trân quý. Hòa trong dòng người rước, tôi như được quay về với quá khứ oai hùng của dân tộc. Sau nghi lễ, Ban tổ chức sẽ tiến hành lễ tế dâng hương tại điện thờ, tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng và công ơn giữ nước của các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Có phương án bảo tồn, phát huy di chỉ khảo cổ Làng Vạc - Anh 2

Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội Làng Vạc

Làng Vạc là di chỉ khảo cổ học được các nhà khảo cổ học phát hiện và tiến hành khai quật qua các năm 1972, 1973, 1981 và 1990 với quy mô 20.000m2. Di chỉ khảo cổ Làng Vạc có niên đại khoảng 2.500 năm trước thuộc thời kỳ Vua Hùng dựng nước. Trên mảnh đất thiêng liêng này, cha ông ta đã tổ chức lao động, sản xuất, an cư lập nghiệp, đã sáng tạo ra những công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí tinh xảo, tạo dựng nên một nền văn minh rực rỡ. Trong số những hiện vật đồng thu được ở làng Vạc, đáng chú ý nhất là 5 trống đồng và hàng nghìn hiện vật như rìu đồng, đồ trang sức, tượng người, tượng voi, ngựa… Với những giá trị khảo cổ học to lớn đó, di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Qua nhiều cuộc khai quật với 347 ngôi mộ và 1.228 hiện vật bằng đồng, đá, thủy tinh và bằng sắt với những hoa văn thời kỳ văn hóa Đông Sơn, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước kết luận: Làng Vạc là trung tâm văn hóa Đông Sơn vĩ đại trên lưu vực sông Cả, là cái nôi của người Việt cổ cực kỳ quan trọng không những của nước ta mà của khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ về lễ hội Làng Vạc, Giám đốc Sở VHTT Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Sức ép của phát triển đang đè nặng lên các di sản khảo cổ học. Nhiều di sản dù đã xếp hạng nhưng chưa được quan tâm, bị xâm phạm, không phát huy được các giá trị, thậm chí bị xóa sổ trước khi kịp nghiên cứu, đánh giá. Thật may mắn khi xứ Nghệ là nơi có dấu ấn của nền văn minh Việt cổ thuộc thời đại Hùng Vương. Thời gian tới, để bảo vệ và phát huy di tích Làng Vạc, chúng tôi tiếp tục phối hợp với cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước thăm dò, khai quật, khảo cổ nhằm nhận diện đầy đủ về di tích; nghiên cứu, biên soạn, phát hành một số công trình chuyên biệt giới thiệu về di tích khảo cổ học Làng Vạc. Cùng với đó cần khoanh vùng bảo vệ hiện trạng quy hoạch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về di tích Làng Vạc”. 

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc