Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Trường học vùng lũ Tây Nghệ An: Vẫn còn gian nan lắm

Thứ Sáu 07/09/2018 | 09:19 GMT+7

VH-  Sau cơn bão số 3, số 4, tuyến đường Mường Xén - Tà Cạ - Mường Típ - Mường Ải, huyện vùng cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An sạt lở, giao thông bị chia cắt. Mặc dù được huyện Kỳ Sơn tích cực chỉ đạo khắc phục để sớm thông xe, tuy nhiên sự tàn phá của đợt lũ vừa qua vô cùng nặng nề không thể khắc phục một sớm một chiều, đồng nghĩa với việc đi lại của người dân, cán bộ, giáo viên vẫn còn lắm gian nan.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường tiểu học Mường Típ 1 gian nan đến điểm trường

 Vượt qua chặng đường gian nan, hiểm trở, chúng tôi đến điểm trường Tiểu học Mường Típ 1, huyện Kỳ Sơn mới thấy được sự hoang tàn, ngổn ngang của ngôi trường miền biên ải sau lũ. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Mường Típ 1 cho biết: “Năm học mới đã đến, tuy nhiên đường đến trường của chúng tôi và học sinh còn rất gian nan. Con đường độc đạo từ Mường Xén qua Tà Cạ, để vào Mường Típ, Mường Ải chạy dọc theo dòng sông Nậm Típ, khi lũ về cuồn cuộn đã phá hủy, cắt đứt hoàn toàn. Có những đoạn hơn nửa quả đồi sạt hết xuống sông, chúng tôi phải trèo lên tận đỉnh để vượt qua. Đường đến trường lại bị cắt đứt, nhiều đoạn xóa sổ hoàn toàn. Chúng tôi phải đi bộ đến trường, không dám đi lẻ mà hẹn nhau thành từng nhóm, có đoạn phải bám lấy nhau, buộc dây đi qua đoạn suối nước chảy xiết”.

Mười năm trước, cô Hiền, người con gái quê ở TP Vinh đã bật khóc khi đến nhận công tác tại trường Mường Típ 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi không sóng điện thoại, không điện, trước mắt chỉ núi, một bên là sông, qua bên kia sông đã là nước bạn Lào. Rồi cô đã quen với những con đường rừng cheo leo, để lên tận rẫy đưa học trò về đi học. Cô tìm thấy niềm vui khi học sinh biết đọc, biết viết. Năm học này, vào đến trường, cô lại khóc vì thương học trò, vì sự tàn phá kinh khủng của lũ quét đã gây ra.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền hiện dạy tại điểm bản Na Mỳ, nằm ngay ở mép suối. Nhưng sau 2 trận lũ, lớp học, gian nhà ở tạm của giáo viên và cả nhà văn hóa cộng đồng đều bị nước lũ đánh sập, cuốn trôi. Các cô chuyển sang ở hết tại điểm chính ở bản Văng Phao. Không điện, không nước sạch, thiếu thực phẩm. Bữa cơm của các cô những ngày này chỉ là cá khô và măng rừng. Cô Hiền chia sẻ: “Chúng tôi đã từng trải qua những đợt lũ lịch sử của năm 2011 nhưng chưa năm nào lũ lại dồn dập như năm này. Thầy cô lao động cật lực, nhưng cứ vừa dọn dẹp xong thì bùn đất từ trên núi theo nước lũ lại tống xuống đầy sân trường lớp học. Phụ huynh vùng lũ đã khó khăn nay lại thiếu thốn hơn, lo cho con đến trường là một gánh nặng lớn, điều duy nhất mà chúng tôi sợ là học trò không đến trường học”.

Năm học 2018-2019, điểm Na Mỳ có tất cả 31 cháu, số học sinh lớp 1, 2, 3 sẽ được bố trí học tạm ở phòng học của mầm non. Còn số lớp 4, 5 sẽ chuyển sang điểm trường chính tại bản Văng Phao cách đó 2km. Nhưng hiện tại, quãng đường từ Na Mỳ sang Văng Phao cũng bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn cho học sinh đi học. Thầy Nguyễn Quốc Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ cho biết: Bằng nỗ lực, các thầy cô giáo đều đã có mặt ở các điểm trường, đón học sinh, tổ chức dạy học. Thiếu em nào sẽ đến nhà vận động, khuyến khích các em đi học. Những nơi còn nguy hiểm, thì nhà trường chấp nhận để học sinh mất một số buổi học đầu năm. Nhưng khi giao thông, lớp học ổn định, sẽ ngay lập tức bước vào dạy học, và dạy bù những buổi vắng trước đó.

Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: “Mặc dù các trường bị thiệt hại do mưa lũ đã tích cực ổn định cơ sở vật chất cho ngày khai giảng, tuy vậy sau khai giảng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt giao thông bị chia cắt khó khăn cho học sinh tới trường; khó khăn để vận chuyển trang thiết bị dạy và học, lương thực thực phẩm cho học sinh dân tộc bán trú vào các trường này...”.

Trong các trận lũ lụt liên tiếp của cơn bão số 3 và số 4, ngành giáo dục Kỳ Sơn bị thiệt hại khoảng 6 tỉ đồng. Nhiều điểm trường bị cuốn trôi, nhiều nhà công vụ của giáo viên, nhà bán trú của học sinh bị xóa sổ. Đây là những khó khăn chồng chất mà ngành GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đang phải đối mặt. Các trường học vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn đang rất cần sự động viên chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

PHẠM NGÂN

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top