Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Cách giải thích của Bộ GD&ĐT về SGK cho thấy: Sẽ không chấm dứt hết tình trạng lãng phí?

Thứ Hai 24/09/2018 | 10:13 GMT+7

VH-  Sau thời gian dài để mặc cho dư luận bức xúc về tình trạng lãng phí sách giáo khoa (SGK) khi sách hiện nay chỉ sử dụng được một lần, mới đây, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng “trấn an dư luận”. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng cách giải thích này chưa thuyết phục, thậm chí cho thấy sẽ không có chuyện chấm dứt tình trạng lãng phí do việc SGK.

 Bộ sách của học sinh lớp 1 ngoài SGK còn có rất nhiều Vở bài tập

1. Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa đưa ra giải thích: “Khi biên soạn SGK hiện hành, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)… Tuy không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn ngay từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên thì các em sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí như dư luận phản ánh”.

Cũng theo giải thích này, Thứ trưởng Độ cho rằng, “SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội. Trong sách giáo viên có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần… Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài”.

2. Với cách “giải trình” như vậy, thoạt nghe các phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm vì cho rằng từ nay sẽ không còn có tình trạng lãng phí, tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng để... Tuy nhiên, vấn đề chưa hẳn đã phải như lời nói. Bởi thực tế hiện nay hầu hết các trường đều có tủ sách dùng chung, nghĩa là huy động SGK từ học sinh lên lớp để lại cho học sinh lớp sau có hoàn cảnh khó khăn dùng bộ SGK này.

TP.HCM hằng năm đều có chương trình vận động SGK cũ, phối hợp cùng với Công viên Văn hóa Đầm Sen thực hiện “Sách trao tay, tặng ngay vé cổng”, mỗi năm có hàng ngàn bộ sách được trao tận tay cho học sinh nghèo tại các huyện ngoại thành TP.HCM và các tỉnh… Do đó, việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo “Các trường cần xây dựng tủ sách dùng chung để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách. SGK cần được luân chuyển sử dụng trong nhiều năm”, và nhiều nhà trường lâu nay đã và đang thực hiện rất tốt. Đương nhiên đâu đó có những trường hợp học sinh sử dụng không kỹ mà viết, vẽ vào sách, làm rách… nên mới phải bỏ quyển SGK đó. Còn lại phần lớn sau kết thúc mỗi năm học, các trường đều kêu gọi học sinh tặng lại SGK cho thư viện trường, bởi vì như Bộ GD&ĐT có giải thích: “Phiên bản SGK hiện nay là phiên bản đã được sử dụng ổn định từ nhiều năm nay”, cụ thể là từ năm học 2002-2003 đến nay.

 Trao SGK cũ cho học sinh nghèo là việc làm truyền thống của các trường học trong nhiều năm qua

3. Điều này có nghĩa là SGK về cơ bản không có cải cách, ít nhất là trong khoảng 15 năm qua. Nói như vậy để thấy có hay không hàng trăm tỉ đồng của phụ huynh lãng phí vào “đống giấy vụn” nào mỗi năm? Xin thưa đó không phải là SGK mà chính là Vở bài tập - một bộ sách hiểu nôm na là sách thực hành cho bộ SGK. Chính sách Vở bài tập này mới ngốn hàng trăm tỉ, thậm chí còn hơn thế nữa mỗi năm vì khi dùng bộ Vở bài tập này, học sinh sẽ phải viết, làm bài tập, trả lời câu hỏi trực tiếp vào đó. Chính vì thế khi dùng chung hết năm thì đương nhiên không thể nào tái sử dụng được.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ ở môn Toán và Tiếng Việt mà gần như môn nào cũng có sách Vở bài tập để học sinh thực hành, các em ghi trực tiếp câu trả lời, bài giải vào đây. Giá tiền mỗi quyển sách Vở bài tập xấp xỉ với quyển SGK cùng môn học.

4. Thế tại sao trong cách giải thích của mình, Bộ GD&ĐT lại lờ đi, không nhắc đến chuyện lãng phí sách Vở bài tập, trong khi trong dư luận và các phụ huynh đang đồng nhất hai khái niệm “SGK” và “Vở bài tập”, chứ không phân biệt rạch ròi giữa hai loại sách này. Cho nên các phụ huynh bức xúc chuyện lãng phí SGK cũng chính là đang nói đến sách Vở bài tập. Việc này không hiểu Bộ GD&ĐT thật sự không biết dư luận đang nói đến sự lãng phí nào, hay Bộ cố tình không muốn nhắc đến? Như vậy, trong khi Bộ GD&ĐT chỉ nói sẽ chấn chỉnh để “hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK”, thì lại không nói sẽ có giải pháp như thế nào với bộ sách Vở bài tập này, mà lại còn “bật đèn xanh” rằng “Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập”. Như vậy, những lãng phí mà các gia đình phải chịu như trước nay vẫn không giảm bớt, vì thực tế vẫn duy trì bộ sách Vở bài tập, điều này cho thấy bộ phận biên soạn cố tình thiết kế Vở bài tập chỉ để dùng 1 lần là có căn cứ.

Ngoài việc quá lãng phí vì ghi một lần rồi bỏ trong bộ sách Vở bài tập, nhiều chuyên gia cho rằng với cách in sẵn số dòng để trả lời các bài toán như vậy trong Vở bài tập, sẽ khiến học sinh thiếu tư duy sáng tạo, chỉ trả lời một cách học vẹt vì học sinh buộc phải ghi phần lời giải và phép toán đúng như số dòng mà Vở bài tập đã in sẵn, thậm chí nếu có kết quả đúng nhưng không “khớp” với số dòng in sẵn cũng bị coi là làm sai phương pháp.

 ​Có tình trạng độc quyền trong xuất bản SGK

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cạnh tranh trên thị trường phải bình đẳng, tránh ưu thế của các đơn vị thuộc cơ quan quản lý nhà nước, phải tách biệt hoạt động quản lý ra khỏi hoạt động kinh doanh. Theo ông Thắng, cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho các nhóm tác giả, NXB khác có thể cạnh tranh công khai bình đẳng trong việc tổ chức biên soạn và phát hành SGK mới giải quyết dứt điểm được độc quyền và lợi ích nhóm. Đây cũng là một đề xuất có cơ sở, còn việc triển khai như thế nào sẽ do ngành giáo dục, các nhà xuất bản, ngoài ra còn do điều tiết của xã hội và thị trường. Cũng theo ông Thắng, chúng ta đang có tình trạng độc quyền về xuất bản, phát hành SGK. Tất cả các khâu đều do một đơn vị đó là NXB Giáo dục Việt Nam hoặc các thành viên của NXB thực hiện. Nhà trường, các địa phương cũng không có nhiều sự lựa chọn. Chủ trương sử dụng nhiều SGK mục tiêu cũng là để xã hội hóa trong việc phát hành SGK, đồng thời để nâng chất lượng, hạ giá thành SGK, người dân sẽ được hưởng lợi.

 

 ​Luôn độc chiếm in, phát hành SGK

Được biết, ngay ngày 20.9, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra quy trình xuất bản, in ấn, phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Báo cáo của NXB này cho thấy, năm học 2018-2019, tính đến ngày 24.8 đã phát hành được 110,9 triệu bản SGK, đạt 106,7% kế hoạch, vượt 5% so với cùng kỳ của năm 2017. Năm 2016, số lượng SGK phát hành của NXB chiếm tới 56,4% ngành xuất bản.

Năm 2017, con số này là 50,4%, chưa kể các loại ấn phẩm khác. Chỉ tính năm 2016, số đầu SGK mà NXB Giáo dục Việt Nam in là 424 đầu sách với gần 189 triệu bản, chỉ chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm tới 56,4% số bản sách trong toàn ngành. Năm 2017, Nxb in 675 đầu SGK và phát hành gần 160 triệu bản, chiếm 2,2% về số đầu sách và 50,4% bản sách trong toàn ngành xuất bản, nói cách khác NXB Giáo dục Việt Nam luôn độc chiếm in và phát hành SGK.

Thuỳ Trang- Quốc Hùng


 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top