Lần đầu tiên nghệ thuật chèo đến với học sinh TP.HCM

VHO- Đây là một trong những hoạt động sân khấu hóa, khởi động Tuần lễ bộ môn Ngữ văn năm học 2018-2019 với chuyên đề “Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc qua nghệ thuật truyền thống chèo”.

Lần đầu tiên nghệ thuật chèo đến với học sinh TP.HCM - Anh 1

 Các học sinh hào hứng xem một phân đoạn trong vở

Không gian sân trường được thiết kế đầy ắp chất liệu của loại hình nghệ thuật truyền thống này với các phông màn, nhạc cụ, áp phích được in chuyên nghiệp từ ngoài cổng trường giới thiệu các nhân vật trong vở chèo do học sinh khối 8 đảm nhận. Sự đầu tư và chăm chút chu đáo cho buổi biểu diễn của các thầy trò nhà trường đã thật sự tạo được hiệu ứng lôi cuốn các khán giả học sinh lần đầu được trải nghiệm loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo mà đối với các em còn khá xa lạ.

Chương trình được khởi đầu bằng hàng loạt câu hỏi đố vui xoay quanh kiến thức về chèo, như: Chèo xuất hiện nhiều ở đâu? Gắn với loại hình sinh hoạt nào? Kể tên một số vở chèo nổi tiếng mà em biết? Nội dung phản ánh các vở chèo này là gì? Diễn chèo có khác biệt gì so với diễn kịch? Nơi diễn của chèo cổ thường ở đâu? Nhạc cụ chủ yếu sử dụng trong các vở chèo?… Các câu hỏi lần lượt được học sinh hào hứng trả lời khá chính xác, kèm theo đó là các thắc mắc, trao đổi của các em để có thêm kiến thức về loại hình nghệ thuật mà trước đó các em chỉ được biết qua sách vở.

Tiếp theo đó, nghệ sĩ Bùi Sĩ Hà, Trưởng nhóm nghệ thuật Sông Đào, Nam Định, cố vấn nghệ thuật đồng thời là đạo diễn chương trình giới thiệu với học sinh về nguồn gốc xuất xứ của loại hình nghệ thuật chèo. Nghệ sĩ Bùi Sĩ Hà cho biết, chèo vốn là loại hình nghệ thuật xuất xứ từ các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Người dân Nam Bộ thường ít có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này, vì thế ngay khi nhà trường đặt vấn đề muốn đưa chèo vào trường học, thì nhóm rất tâm đắc và cùng với các học sinh tập luyện suốt hai tháng qua để các em thuần thục kịch bản, biết được kỹ thuật luyến láy, diễn xuất chuyên nghiệp như các nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Lần đầu tiên nghệ thuật chèo đến với học sinh TP.HCM - Anh 2

Ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ, Quan Âm Thị Kính là một trong những vở chèo kinh điển được đưa vào giảng dạy chương trình sách giáo khoa bậc THCS. Qua việc thưởng thức một trích đoạn chèo trên sân khấu nhằm giúp học sinh cảm nhận rõ hơn về bài học ở trong sách giáo khoa. Từ đó, góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình cảm, thái độ trân quý đối với bộ môn nghệ thuật chèo, đồng thời, hình thành ý thức giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc. “Tôi rất hài lòng vì tập thể giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn đã mang loại hình nghệ thuật sân khấu chèo từ trong sách Ngữ văn ra đời thực để cụ thể hóa bài học trở nên sinh động. Với thành công bước đầu này, nhà trường đang khuyến khích các thầy cô, học sinh phát huy cách dạy và học theo chuyên đề, trong đó chú trọng đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống tiếp cận với học sinh, trước mắt là giáo dục các con biết về chèo, đồng thời muốn giới thiệu loại hình nghệ thuật độc đáo đến học sinh và giáo viên”, ông Phạm Đăng Khoa nói.

Buổi diễn khép lại bằng những câu hỏi giao lưu giữa khán giả và các “nghệ sĩ học sinh”, giúp học sinh toàn trường có cái nhìn rõ nét hơn về chèo, qua đó thêm tự hào và yêu quý truyền thống văn hóa của dân tộc. Một phụ huynh tham dự chương trình bày tỏ, hát chèo không dễ, nhưng cách học sinh đã tập luyện để có thể múa hát như những diễn viên thực thụ, điều đó khiến những phụ huynh như chúng tôi rất xúc động và tự hào. Mong rằng trong thời gian tới nhà trường tiếp tục nghiên cứu và có sự sáng tạo trong việc giảng dạy, để học sinh được trải nghiệm với nhiều hình thức học tập thú vị. Bởi thực tế hiện nay học sinh nói chung, đặc biệt là lứa tuổi học sinh cấp 2 cần được giáo dục nhiều hơn các loại hình giải trí mang tính giáo dục cao như vậy. 

Thuỳ Trang

 

Ý kiến bạn đọc