Quy định mới về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe: “Trăm dâu đổ đầu tằm”

VH- Với những người đang công tác trong ngành Y ở nước ta thì sự ra đời của Nghị định 111-2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, bên cạnh sự vui mừng với những đổi mới trong nhận thức của các nhà quản lý nhà nước về ngành sức khỏe và đào tạo nhân lực ngành sức khỏe thì cũng xuất hiện những băn khoăn không nhỏ.

Theo quy định tại Nghị định này, số lượng tối đa đối tượng học viên mà mỗi giảng viên chỉ được giảng không quá 5 học viên sau đại học, 10 học viên đại học, 15 học viên cao đẳng, trung cấp. Nếu vậy, số học viên còn lại mà chúng tôi đã và đang giảng cho đến nay (15-25 học viên sau đại học, 20-30/50 sinh viên đại học mỗi lúc giảng thực hành) sẽ được giảng/học thực hành vào lúc nào/ở đâu/ai dạy?
Chỉ có hai cách sau đây để trả lời câu hỏi trên: Hoặc tăng gấp đôi gấp ba số lượng giảng viên (GV) cơ hữu của cơ sở giáo dục (trong khi nhà nước đang ráo riết đề nghị giảm biên chế công viên chức) hoặc tăng cường mời gấp 3-5 lần số giảng viên kiêm nhiệm/thỉnh giảng tại các cơ sở thực hành (trong khi kinh phí đều phải dựa vào tiền học phí của học viên, sinh viên, theo qui định của Nghị định này).
Như vậy, điều tất yếu là, để được học các bài giảng mà các thầy cô đã cố gắng hết sức giảng dạy trong điều kiện không đủ “tiêu chuẩn... chuẩn” cho đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực (20.11.2017), HSSV đại học, cao đẳng, trung cấp từ nay sẽ phải đóng học phí cao gấp 3-4 thậm chí gấp 5 lần hiện nay. Điều gì sẽ xảy ra với các cơ sở đào tạo ngành sức khỏe, với người học, với các gia đình có con học ngành sức khỏe đây? Ai sẽ trả lời câu hỏi lớn này? Học hay không học? Dạy “đủ” đúng “chuẩn” mới của Nhà nước hay dạy “thừa” như trước đây?
Mong muốn làm tốt là một nhẽ, nhưng “đốt cháy giai đoạn” và “nhập ngoại” chưa cần xem xét thực tại và thực tiễn, sẽ có nguy cơ dẫn đến sự rối loạn.
Theo qui định mới, chúng ta dễ dàng suy ra hệ luỵ sau: Thứ nhất, có 1/3 đến 2/3 học trò sẽ không được thầy dạy vì thầy đã... “dạy đủ cơ số chuẩn” (khoảng 1/3 lượng học viên, theo qui định mới). Số còn lại không được học, sẽ thành thầy thuốc không đảm bảo chất lượng hay cho “trở về làm ruộng, học cày cho xong”? Thứ hai, để giải quyết đám học trò có nguy cơ... “không được dạy” kia, cần nâng cơ số giảng viên cơ hữu lên gấp 3 số giảng viên hiện nay (dù là cơ hữu hay kiêm nhiệm/thỉnh giảng), thì lấy kinh phí đâu để chi trả? Theo nội dung quy định của Nghị định mới, việc chi trả này dựa vào học phí. Vậy là “trăm dâu đổ đầu tằm”. Sắp tới, các gia đình muốn có con em trở thành nhân viên y tế “cứu... mạng người, phúc đẳng hà sa” dù là điều dưỡng hay bác sĩ hay thầy thuốc sau đại học, thì sẽ phải chuẩn bị tinh thần đóng học phí ít nhất gấp 3 lần hiện nay.
Với mức học phí như hiện nay thì các gia đình nông thôn và cán bộ, viên chức (chiếm hơn 1/2 đến 2/3 dân số toàn quốc) đã bạc mặt, thậm chí nhiều nhà mà tôi biết đã phải gạt nước mắt khuyên con cất giấy gọi nhập học làm kỷ niệm, vì cả 2 con cùng đậu đại học, “bội thực niềm vui”, vì chỉ một “niềm vui” cũng đã vượt xa khả năng chi trả của bố mẹ. Theo qui luật “chọn lọc tự nhiên”, sẽ chỉ con em những gia đình giàu có mới đủ tiền cho con ăn học thành thầy thuốc. Dễ dàng hình dung ra họ sẽ phục vụ ai và phục vụ dân thường, dân nghèo (không đủ tiền học thành thầy thuốc) ra sao...! Họa chăng trong số con em dân nghèo sẽ có những người “dũng cảm” kiếm tiền bằng... mọi giá để thành thầy thuốc. Liệu họ có thì giờ để học tốt hay không? Và sau khi đã thành thầy thuốc “mọi giá” thì họ sẽ phải “bù giá” bằng gì? Liệu có còn bản lĩnh và tư chất của “mẹ hiền”?
Vậy thì chúng ta đã có thể hình dung ra “cơ cấu” thành phần đội ngũ thầy thuốc tương lai nước nhà sau một giai đoạn thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 111-2017.


PGS.TS Nguyễn Văn Bàng
 

Ý kiến bạn đọc