Đà Nẵng: Học sinh hào hứng với ngoại ngữ “khó học”

VH- Sau hai năm triển khai Dự án tiếng Đức, Đề án tiếng Hàn tại các trường phổ thông trên địa bàn Q.Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), cho đến nay những học sinh theo chương trình này đều tỏ rõ sự yêu thích với hai ngoại ngữ được đánh giá là “khó học” này.

Đến năm 2017, Đề án tiếng Hàn có 60 học sinh Trường Nguyễn Văn Linh và 41 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương tham gia. Dự án tiếng Đức gồm 60 học sinh Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật và 57 học sinh THCS Trần Quý Cáp. Sau thời gian e ngại ban đầu vì lo lắng hai môn ngoại ngữ này sẽ là “quá sức” so với học sinh, cho đến nay, tất cả học sinh cũng như phụ huynh, giáo viên đều đánh giá sự đổi mới này là đúng đắn và cần thiết, góp phần bổ sung thêm khả năng tiếp xúc xã hội và tri thức khi các em ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo ông Trần Văn Phi, Phó chủ tịch Q.Cẩm Lệ: Trong hai năm triển khai đưa tiếng Hàn và tiếng Đức vào giảng dạy, số lượng học sinh đăng ký theo hai ngoại ngữ này không hề giảm, tiếng Đức có 170 học sinh, tiếng Hàn thì rất đông. Những học sinh ngoại ngữ có chiều hướng mạnh dạn và tiếp cận hơn trong vấn đề giao tiếp xã hội.
Thầy Nguyễn Thanh Long, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh cho biết: Khi tiếp nhận thông tin sẽ triển khai dạy và học môn tiếng Hàn tại trường, các thầy cô giáo, đặc biệt là các giáo viên ngoại ngữ trong trường đều mừng, lo lẫn lộn. Xác định đây là cơ hội để giúp các em học sinh cũng như chính các thầy cô trong trường được giao lưu, tiếp xúc với nền văn hóa Hàn Quốc, nhưng cũng là áp lực lớn cho tất cả mọi người vì công việc sẽ nhiều hơn, sẽ phải quan tâm sâu sát tới học sinh hơn, vì đây là một thứ tiếng hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ đối với các em. Nếu học khó, các em nản chí thì dự án này coi như thất bại. Hiện tại đây là môn ngoại ngữ được các em rất yêu thích và ham học hỏi, nhà trường lại có thêm một ngôn ngữ mới. Trường cũng thực hiện theo đúng kế hoạch về việc xét tuyển đối với những học sinh đăng ký học lớp tiếng Hàn, tiếng Đức, đảm bảo số lượng học sinh của các lớp thí điểm (30 học sinh/1 lớp).
Với các phụ huynh, hầu như ai cũng lo lắng việc học của các em trở nên nặng nề khi học thêm ngoại ngữ mới. Nhằm giúp phụ huynh vượt qua những vướng mắc về tâm lý trong thời gian mới tiếp cận, các trường đã tuyên truyền tổ chức tư vấn cho các bậc cha mẹ trước khi nhận hồ sơ tuyển sinh.
Anh Hồ Quốc Việt, phụ huynh học sinh Trường Trần Quý Cáp (Q. Cẩm Lệ) chia sẻ: Sau khi con thông báo sẽ học thêm tiếng Đức ở trường, cả hai vợ chồng tôi đều rất “hoang mang” vì tiếng Đức là một ngoại ngữ khó lại chưa được phổ biến như tiếng Anh. Cho đến thời điểm này thì mọi việc đều trôi chảy, thấy con ham thích ngoại ngữ hơn, các thầy cô giáo cũng rất nhiệt tình khiến cho cha mẹ và học sinh có động lực để theo đuổi. Mong rằng sau khi học xong cấp 2, môn tiếng Đức vẫn “theo” học sinh lên cấp 3 để các em ngày càng có nhiều nền tảng kiến thức mới.
Bà Sabine Frevert, giáo viên tiếng Đức trường Trần Quý Cáp vui mừng đánh giá về kết quả học tập của các em học sinh đã đạt được trong thời gian qua: “Tôi đã bắt đầu với 60 em học sinh lớp 6, cho đến giờ tôi đã có hơn 170 em học sinh khối lớp 6, lớp 7 và lớp 8. Hơn 100 em học sinh đậu kiểm tra kỳ thi A1 với kết quả tốt. Học sinh của chúng tôi không chỉ có kiến thức tốt về tiếng Đức mà còn có thể giao tiếp được với nhiều đoàn khách Đức đã đến Đà Nẵng. Nhiều cơ quan nước ngoài đến Đà Nẵng đã rất bất ngờ khi thấy các em học sinh có thể giao tiếng bằng tiếng Đức một cách trôi chảy.
Học sinh không chỉ học về ngôn ngữ Đức mà còn được truyền đạt về nền văn hóa, nếp sinh hoạt thông thường, những lễ hội truyền thống tại Đức. Việc tự học của các em và những hoạt động ngoại khóa đóng vai trò rất quan trọng”.
Bà Sabine Frevert cũng đề cập đến những khó khăn khi tại Đà Nẵng có quá ít giáo viên tiếng Đức, trong khi các em học sinh cần được đặt nền móng ngay từ bây giờ nếu muốn hội nhập quốc tế trong tương lai.
Cùng chia sẻ về những mong muốn để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Hàn Quốc, anh Bang Sejin, một tình nguyện viên dạy tiếng Hàn Quốc cho biết: Một trong những điều kiện cơ bản để giảng dạy là phải có máy projector, tuy nhiên các phòng học lớp 6 chưa có máy chiếu, lớp 7, 8 có nhưng rất hạn chế; học sinh ở các lớp học cũng quá đông (khoảng hơn 40 học sinh), gấp đôi số lượng chuẩn cho một lớp học tiếng Hàn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, vì nếu đông học sinh giáo viên sẽ không bao quát, đồng thời các em khó tập trung hơn vào bài giảng. 


Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc