Tránh tình trạng “vào đại học như chui qua cái ống”

VH- Sau khi Báo Văn Hóa đăng bài “Hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học: Ý thức học tập kém và còn gì nữa?”, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho biết:

Sự sàng lọc trong quá trình đào tạo là khó tránh khỏi vì loại những sinh viên không đủ tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng đào tạo; thứ nữa cũng có tác dụng răn đe để số sinh viên còn lại phải cố gắng hơn, có ý thức hơn trong học tập. Ngoài ra, tránh được tình trạng “vào đại học như chui qua cái ống”, cứ thi đỗ là đương nhiên được học sau đó ra trường và có bằng tốt nghiệp dù nhiều sinh viên không chịu học hành gì. Đó là việc các trường nên làm.
Tuy nhiên khi có một số lượng khá lớn sinh viên bị buộc thôi học hằng năm thì cũng phải tìm nguyên nhân, từ đó mới có thể khắc phục tận gốc. Chẳng hạn tại một số trường, có thể chương trình học quá nặng vượt quá tầm tiếp thu của sinh viên thì phải xem lại. Thứ hai là không khí học tập tại các trường như thế nào, có đủ hấp dẫn sinh viên hay không, rồi đội ngũ tư vấn (nếu có) đã làm tốt công việc của mình chưa? Ngoài ra, còn cần xem lại các điều kiện của quá trình đào tạo có thuận lợi không, có gì trở ngại không?
Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng các điều kiện đầu vào đại học hiện nay khá “thoáng”, kể cả điểm đầu vào nên đã xảy ra tình trạng trên?
- Theo thống kê thì nhiều trường có điểm đầu vào khá cao như ĐHBK Hà Nội chẳng hạn vẫn có số lượng lớn sinh viên bị buộc thôi học. Do đó khó có thể nói rằng có nhiều sinh viên bị buộc thôi học là do điểm đầu vào “thoáng”.
Tôi cho rằng, những năm gần đây mặt bằng kiến thức phổ thông của học sinh chưa có gì biến động, riêng thi cử ngày càng nghiêm túc hơn, công bằng hơn. Bởi vậy nếu nói rằng hiện tượng có nhiều sinh viên bị buộc thôi học là do đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ thì có vẻ chưa chính xác. Về ý kiến cho rằng ngoài điểm chuẩn thì các điều kiện khác để trúng tuyển đại học dường như khá “thoáng”, theo tôi biết thì vài năm gần đây, việc tuyển sinh chủ yếu dựa trên cơ sở điểm của cuộc thi quốc gia chứ chưa hẳn căn cứ vào thái độ học tập. Đối với những học sinh vì lý do cá nhân, gia đình hay vì các lý do khác mà không muốn theo học nữa thì khó can thiệp. Khi đã trúng tuyển vào trường nào đó thì không phải sinh viên muốn học thế nào cũng được mà phải có ý thức học tập nghiêm túc, còn phía nhà trường phải lo nội dung, chương trình, phương pháp, điều kiện hỗ trợ, kể cả không khí học tập như thế nào để cho sinh viên có thể học tập tốt.
Trước đây số lượng sinh viên bị buộc thôi học không được công bố rộng rãi như vài năm gần đây nên dư luận bị sốc khi biết thông tin?
- Đúng là trong những năm gần đây tôi không nắm được số liệu sinh viên bị buộc thôi học nhưng tôi cho rằng, đó chỉ là việc công khai hóa dữ liệu mà thôi, còn chúng ta đang nói về thực chất của hiện tượng số liệu sinh viên bị buộc thôi học gây sốc. Vấn đề là các trường phải xác định nguyên nhân nào từ phía sinh viên, nguyên nhân nào từ phía nhà trường, từ đó mới khắc phục được. Và không thể có nguyên nhân chung chung cho tất cả các trường mà từng trường phải tìm ra nguyên nhân. Còn đương nhiên là sinh viên nào có ý thức học tập kém, có thái độ học tập không tốt thì phải có hình thức xử lý thích hợp để răn đe.

Sinh viên đang thiếu kênh hỗ trợ pháp lý, bày tỏ tâm tư
Hiện nay 70% sinh viên của các trường ĐH tại TP.HCM là từ các tỉnh xa về. Khi các em rời khu vực nông thôn chuyển vào thành thị, xung quanh cuộc sống có quá nhiều hoạt động, kể cả các hoạt động xấu nên đôi khi các em bị cuốn vào các hoạt động đó mà lơ là trong học tập, không điều khiển được bản thân, trong khi gia đình thì ở xa không giám sát được con em mình.
Mặc dù các trường đều có kênh thông tin liên lạc giữa gia đình và nhà trường, tuy nhiên chúng ta hiểu rằng khi sinh viên bước vào môi trường ĐH, CĐ là các em đã đủ 18 tuổi rồi, vì thế mà cũng không thể đối xử với các em như học sinh phổ thông được. Các trường ĐH cũng phải dung hòa giữa việc giáo dục, đào tạo, để cho các em tự ý thức quản lý chính bản thân mình.
Thêm một yếu tố khách quan là hiện nay quy mô sinh viên ở một trường quá đông, trong khi chúng ta chỉ mới quan tâm đến tỷ lệ giảng viên trên sinh viên chứ chưa quan tâm đến tỷ lệ cố vấn học tập và tỷ lệ giáo viên chủ nhiệm trên sinh viên, đặc biệt là cũng chưa quan tâm đến tỷ lệ những người làm công tác hỗ trợ, tư vấn pháp lý, tâm sinh lý cho sinh viên. Điều này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Sinh viên không có nơi để giãi bày hoàn cảnh, tư tưởng, tâm lý khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, trong khi môi trường xung quanh các em đầy cạm bẫy, chỉ cần bản thân không nỗ lực, lơ là một chút thì sẽ rơi vào cám dỗ, quên mất nhiệm vụ học tập của mình.
(TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tăng cường thêm kênh liên lạc với phụ huynh
Có một trường hợp xảy ra ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cách đây không lâu. Một sinh viên ở tỉnh Quy Nhơn vào học ngành Xây dựng ở trường, đến năm thứ 2 thì bị cảnh báo học vụ nên trường đã gửi tin nhắn báo với gia đình. Theo quy định, chỉ cần sinh viên này vi phạm thêm một lần nữa thì sẽ bị buộc thôi học. Người cha của em sinh viên này hay tin đã tức tốc vào trường. Khi tìm hiểu mới phát hiện cậu con trai vì mê đánh bi-da độ đến mức bỏ học. Người cha này đã quyết định bỏ hết công việc ở quê nhà (ông là giám đốc một công ty xây dựng ở Quy Nhơn), vào TP.HCM lo chuyện học cho con. Hằng ngày ông dẫn con đến trường. Khi cậu con trai vào lớp học thì ông bắc ghế ngồi bên ngoài đợi và canh giữ không cho con trốn học. Người cha này kiên nhẫn như vậy đến 2 năm sau thì con trai tốt nghiệp ra trường, bây giờ có công ăn việc làm rất đàng hoàng... Đây là một trường hợp rất hiếm hoi vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện và chịu kiên nhẫn như người cha này, mặt khác, có nhiều sinh viên cố tình ghi sai thông tin gia đình để nhà trường không liên lạc được, đến khi biết thì sự việc đã muộn không cứu vãn được nữa.
Trước đây nhà trường làm theo quy định chung là tuân thủ bảo mật cá nhân của sinh viên, nghĩa là chỉ có cá nhân sinh viên có mã số sinh viên và mật khẩu thì mới đọc được điểm số của mình. Tuy nhiên, trước tình trạng này, thời gian tới có lẽ nhà trường phải chia sẻ thông tin này với phụ huynh, bởi vì để tự giác thì sinh viên không có ý thức.
(PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)


T.Trang (ghi) 


Quốc Hùng (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc