Nhiều trường không biết mình được…​tự chủ đến mức nào?

VH- Tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 25.12, nhiều đại biểu cho rằng trong lần sửa đổi sắp tới Luật Giáo dục ĐH cần có những cơ chế thoáng hơn về tự chủ.

Trong đó cần giải quyết nút thắt về hai vấn đề quan trọng nhất đối với tự chủ là: Tài chính và nhân sự.

Tính đến nay cả nước đã có 23 trường ĐH áp dụng cơ chế tự chủ. Thế nhưng, đại diện nhiều trường cho biết, các cơ chế, quy định liên quan đến việc tự chủ còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những hạn chế về quyền tự chủ trong việc tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chương trình đào tạo.

Nhiều trường không biết mình được…​tự chủ đến mức nào? - Anh 1

 Lãnh đạo nhiều trường đang thực hiện tự chủ cho rằng gặp nhiều vướng mắc khi áp dụng cơ chế này

Tự chủ mà nửa vời là không được

Là trường đầu tiên được giao cơ chế tự chủ ĐH, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay, bên cạnh một số cơ chế khá thoáng, nhanh thì trường vẫn gặp rất nhiều vướng mắc trong thực tế. Chính sách thuế chưa rõ ràng để các trường có thể huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho các hoạt động của trường. “Chúng tôi nghĩ, muốn tự chủ tốt thì phải có nguồn lực từ bên ngoài chứ không thể chỉ dựa vào nguồn thu học phí. Nhưng các quy định hiện nay chưa có điều khoản nào rõ ràng để cho các trường có một hành lang pháp lý huy động nguồn vốn từ bên ngoài”, TS Nguyệt nói.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM (là một trong các đơn vị được Chính phủ giao thực hiện tự chủ), nhấn mạnh trường đang gặp vướng lớn nhất là về nhân sự. Theo GS Quỳ: “Chỉ tiêu viên chức rất hạn hẹp do vậy trường ưu tiên cho việc tuyển dụng giáo viên, còn tuyển dụng các vị trí khác như chuyên viên, kỹ thuật thông thường thì đưa vào dạng hợp đồng lao động, theo đó có thể linh động thay đổi được nội dung công việc, yêu cầu đối với các vị trí ấy… Nhưng sự thực là vừa qua khi thực hiện thanh tra cơ chế dân chủ, các cơ quan kiểm tra quy định tất cả việc tuyển dụng phải theo một cơ chế chung nên chúng tôi bị gặp khó khăn. Do đó, việc tuyển dụng nhân sự nên cho tự chủ ở chỗ nhà trường có quyền đánh giá năng lực cán bộ - giảng viên, có được cơ chế ký kết hợp đồng mềm dẻo và cho phép chúng tôi được tự do sử dụng người tài". Cũng theo GS Quỳ, mới đây trường có thảo luận để ký kết với hai chuyên gia nước ngoài làm giảng viên cơ hữu của trường. Khi bàn về vấn đề lương, nếu như ngày xưa trường có thể quyết một cách rất mạnh dạn thì đến bây giờ lại rất e dè là vì nếu tự ý ký hợp đồng như vậy thì có vi phạm vào cái gì không, thực sự không biết trường đã được tự chủ đến mức ấy chưa?…

Nhiều đại biểu cho rằng, để quá trình tự chủ trong các trường ĐH thời gian tới được thể hiện đúng thực chất thì cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cần có những cơ chế thoáng hơn để các trường được linh động trong việc tuyển dụng, chi trả lương cho giảng viên, cán bộ thì mới thu hút được nhân tài. Quan trọng nhất vẫn phải nâng cao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH áp dụng mô hình tự chủ. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, để các trường ĐH thực hiện tự chủ hiệu quả, cần tìm cách thoát khỏi tư duy muốn quản, bao cấp: “Luật Giáo dục ĐH cần quy định ngay cả trường ĐH công lập khi tự chủ thì nhà nước cũng chỉ quản lý khoảng 50%, phần còn lại phải chia cổ phiếu cho người lao động. Khi người lao động cảm nhận được mình là chủ của ngôi trường thì họ mới cố gắng phấn đấu và họ làm nhiều thì phải được hưởng nhiều. Tự chủ mà nửa vời thì không được. Cái vướng nằm ở chỗ tư duy, bước chuyển tư duy còn chưa theo kịp”.

Nhiều cơ quan chủ quản vẫn chưa nắm rõ

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mặt hạn chế hiện nay là nhận thức về vấn đề tự chủ của cơ quan quản lý nhà nước lẫn cơ sở ĐH còn chưa đầy đủ, thống nhất. Nhiều đơn vị nhận thức rằng tự chủ ĐH là quyền đương nhiên mà cơ sở ĐH phải được hưởng mà không thấy rằng trường ĐH có được tự chủ hay không và mức độ tự chủ đến đâu thì phải phụ thuộc vào năng lực tự chủ của nhà trường. Về phía các các cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề tự chủ ĐH hiện chủ yếu được tiếp cận từ góc độ tài chính mà chưa chú trọng đến việc thực hiện các nội dung khác như tổ chức, nhân sự và học thuật. Cơ chế, chính sách pháp luật về thực hiện tự chủ ĐH không nhất quán, đồng bộ. Bất cập lớn nhất trong các văn bản pháp luật hiện nay là không cụ thể hóa được nội dung tự chủ ĐH là gì. Luật Giáo dục ĐH và các văn bản liên quan hầu như không có các điều khoản quy định về vấn đề này. Việc giao thí điểm tự chủ toàn diện cho các trường hiện nay mới chủ yếu dựa trên đề án của từng trường mà chưa dựa trên căn cứ đánh giá thống nhất, trong khi năng lực tự chủ của các cơ sở giáo dục không đồng đều, chưa gắn tự chủ với đổi mới quản trị và trách nhiệm giải trình.

Chia sẻ những vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: “Các cơ sở ĐH đã được tự chủ thì cố gắng tự chủ trọn vẹn, tức là cơ quan chủ quản cần tạo điều kiện cho các trường. Nhưng trước đó các trường phải đảm bảo đủ năng lực vì thực tế cho thấy bản thân một số trường còn giới hạn nhất định. Riêng nội dung công khai báo cáo tài chính các trường vẫn chưa thực hiện rõ ràng, bên cạnh đó còn do một số điều kiện hạn chế của môi trường giáo dục VN. Ông Phan Thanh Bình cho biết Ủy ban, Bộ GD&ĐT và các thành viên tổ soạn thảo tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo lần 3. 

Thùy Trang

 

Ý kiến bạn đọc