ĐH tư thục là doanh nghiệp?

VH- Tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về Đại học tư thục” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22.1 tại TP.HCM vừa qua, nội dung giáo dục có phải là một dịch vụ và trường ĐH tư thục có phải là doanh nghiệp… đã được các chuyên gia tranh luận sôi nổi.

ĐH tư thục là doanh nghiệp? - Anh 1

 Liệu còn tồn tại quan hệ thầy – trò khi trường là doanh nghiệp?

Không thể đồng nghĩa nhà trường với doanh nghiệp

Theo PGS.TS, Luật sư Chu Hồng Thanh, chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thời gian qua mặc dù có một số trường ĐH tư thục bước đầu xây dựng được thương hiệu tốt, nhưng nhìn vào cả hệ thống, thì bức tranh chung về ĐH tư thục không mấy sáng sủa, đang gặp nhiều thử thách. Đầu tiên đó là thử thách nằm ngay trong nhận thức chính sách về ĐH tư thục, đó là cách nhìn định kiến và thiếu thiện cảm của xã hội và nhà nước đối với khu vực giáo dục ĐH tư thục. Hai là kiểu hoạt động có tính “chụp giật” của chính các trường tư thục. Ông Chu Hồng Thanh nhấn mạnh, dù là công lập hay tư thục thì vẫn phải phân biệt rõ nhà trường và doanh nghiệp: “Nếu nhà trường đồng nghĩa với doanh nghiệp, tôi cho rằng không thể được. Nhà trường là đơn vị sự nghiệp, còn doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh. Cho nên, trong Luật hiện hành có một ý nêu ra rõ là ít nhất phải dành 25% để đầu tư phát triển. Chuyện vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận thì bàn sau. Nhà trường phải liên tục được đầu tư để phát triển lâu dài, trong khi doanh nghiệp có thể đến một lúc nào đó thì thôi sứ mệnh đó nhưng nhà trường thì phải phát triển dài lâu”.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trương Quang Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho rằng: “Trường phải là môi trường sư phạm, mà ở đó người thầy được tôn vinh, người học được tôn trọng, quan hệ ở đó là quan hệ là thầy – trò, đồng nghiệp. Trong khi đó, tại Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này, chúng ta đang quy định quyền lực của các nhà góp vốn, các cổ đông, thì môi trường ở đó là quan hệ giữa chủ và người làm thuê, là quan hệ kinh doanh - khách hàng chứ không phải quan hệ của giáo dục đào tạo, ranh giới giữa trường và doanh nghiệp không thể xóa bỏ”.

Trường ĐH phải minh bạch thông tin hơn cả doanh nghiệp

Trong khi đó theo TS Phạm Thị Ly, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, cho rằng: “Trong thời đại kinh tế tri thức, giáo dục ĐH là một dịch vụ là quan niệm được chấp nhận nhiều trên thế giới. Một khi chúng ta quan niệm giáo dục ĐH là một dịch vụ thì việc xem xét trường ĐH có phải là doanh nghiệp hay không có thể tìm được câu trả lời. Thật ra, giáo dục ĐH là một dịch vụ, cho nên về bản chất các trường ĐH tư là doanh nghiệp là một thực tế, dù chúng ta không nhìn nhận thì thực tế là như vậy”.

Theo một chuyên gia, các quy định nhằm kiểm soát trường tư là một vấn đề nhạy cảm mà các nhà làm chính sách luôn phải tìm kiếm một điểm cân bằng. Có một thực tế là những quy định quá chặt chẽ và chi tiết sẽ triệt tiêu năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng của các trường với một thị trường thay đổi từng giờ. Ví dụ như quy định về số lượng tiến sĩ cơ hữu để mở ngành, thoạt nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng trong thực tế nó sẽ trở thành rào cản không đáng có với những ngành như âm nhạc, nghệ thuật, thậm chí không phù hợp với định hướng có tính chất đổi mới, sáng tạo của trường. Chẳng hạn, với một trường xác định trọng tâm sứ mạng và nét khác biệt của mình là tập trung cho đào tạo khởi nghiệp, thì số giờ giảng dạy kiến thức hàn lâm có thể giảm mạnh, thay vào đó là giờ thảo luận nhóm, đi thực tế, mời giảng với những nhân vật là doanh nhân, chính trị gia, viên chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức xã hội, rất có thể họ không có bằng tiến sĩ, vì thế quy định cứng nhắc về bằng cấp giảng viên có thể sẽ xói mòn những sáng tạo và nỗ lực đổi mới của nhà trường.

TS Phạm Thị Ly cho rằng, có thể cân bằng việc giảm nhẹ các quy định ngặt nghèo của nhà nước nhằm tăng cường sự linh hoạt và khả năng đáp ứng của các trường, chính là sự minh bạch về thông tin. “Cách xử lý coi ĐH tư như một doanh nghiệp nhất quán với thực tiễn của nhiều nước và phù hợp với bối cảnh thực tế của Việt Nam. Tuy vậy, trường ĐH là một doanh nghiệp đặc biệt, vì dù được xác lập quyền sở hữu tư nhân, trong thực tế nó vẫn là một tổ chức có nhiều bên liên quan. Khả năng đóng góp hoặc gây tác hại của nó cũng gây ảnh hưởng tới xã hội. Vì thế nếu các công ty niêm yết phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về minh bạch thông tin thì các trường ĐH tư vì lợi nhuận cũng phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch hơn thế nữa”, TS Ly phân tích. 

Khánh Hân

 

 

Ý kiến bạn đọc