Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường(Bài 1): Bao giờ cho tới ngày xưa?

Thứ Tư 14/03/2018 | 09:37 GMT+7

VH- Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do chính Bộ GD&ĐT phát động đến nay đã tròn 10 năm. Mặc dù chưa thể đánh giá hết hiệu quả của phong trào mang lại, nhưng có một điều dường như ai cũng thấy rõ là trong hai năm gần đây đã xuất hiện hàng loạt vụ việc bạo lực, thiếu văn hóa ứng xử xảy ra ngay tại môi trường giáo dục khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Tại sao nhiều hành vi thiếu văn hóa lại xảy ra trong những mái trường… thân thiện như vậy.

 Nơi cô giáo bị học sinh bóp cổ khiến dư luận vô cùng lo lắng về môi trường giáo dục hiện nay Ảnh: L.S

Vậy thực trạng môi trường văn hoá trong trường học ngày nay như thế nào? Một nhà nghiên cứu xã hội học đánh giá môi trường văn hoá trong trường học đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Có quá nhiều hành vi thiếu văn hoá của học sinh và của cả giáo viên. Và đây là sự xuống cấp đáng sợ nhất.

Rất nhiều người đồng tình với ý kiến này khi cho rằng văn hoá ứng xử học đường đang bị xem nhẹ, nói cách khác là chưa có sự quan tâm rốt ráo.

Trong khi đó, nhà trường chỉ chăm chăm tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống cho học sinh. Thực tế cho thấy trong môi trường học đường, nơi văn hoá được coi trọng, được xây dựng và phát huy lại đang diễn ra những điều thiếu văn hoá. Không hiếm những hiện tượng trò gặp thầy không chào, coi thường thầy, chửi thầy, đánh thầy, thậm chí học sinh và cả phụ huynh vào trường đánh học sinh, sỉ nhục giáo viên...

 ​Bộ GD&ĐT xin đừng lảng tránh

Không ai có thể phủ nhận được mục đích, ý nghĩa của Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Và cũng không một ai có thể nghi ngờ về giá trị của phong trào này. Thế nhưng, đã tròn 10 năm trôi qua, phong trào đó gần như không thể đẩy lùi, ngăn chặn được “nạn” bạo lực trong học đường; ứng xử thiếu văn hóa trong môi trường giáo dục lại đang có dấu hiệu gia tăng; có không ít thầy cô thu tiền của phụhuynh học sinh một cách bất minh rồi phải tra tay vào còng…

Trước những thực tế nhói lòng đó, chúng ta cần phải nhìn nhận lại phong trào trên để mnh dn soi vào sự thật, rằng nó có đang diễn ra một cách hình thức hay không hoặc ở một khía cạnh nào đó đang "tan vụn" trước sự lãng quên của nhiều người. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải có tiếng nói chính thức về vấn đề này, xin đừng lảng tránh. NGUYỄN HÒA

Theo kết quả nghiên cứu trên 3.000 học sinh ở 30 trường THCS, THPT tại TP Hà Nội mới đây cho thấy, có tới khoảng 80% số học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực trong trường học ít nhất một lần; 71% cho biết bị bạo lực trong vòng sáu tháng trước thời điểm khảo sát. Học sinh lứa tuổi vị thành niên dễ bị cuốn theo bạn bè vào những hành vi bạo lực từ những mâu thuẫn nhỏ. Do đó, các em đã vi phạm chuẩn mực đạo đức, nội quy trường học và cả quy định của pháp luật.

Khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” luôn được treo trang trọng ở các nhà trường. Nhưng ngày nay dường như khẩu hiệu đó cũng chỉ là… khẩu hiệu, không hoặc chưa trở thành tâm niệm hay kiến thức cơ bản của các thế hệ học sinh. Nhiều người thầy nuối tiếc, ngày xưa, không bao giờ có cảnh học trò vô lễ với thầy. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), học sinh tôn kính thầy nhất mực, biết ơn người dạy bảo mình vào đời. Mỗi khi muốn hỏi thầy hoặc trao đổi vấn đề gì phải thưa gửi lễ phép đàng hoàng. Đứng trước mặt thầy phải chỉnh tề, nhã nhặn, gặp thầy phải cúi chào từ xa, khoanh hai tay trước ngực khi nào thầy trả lời mới được ngẩng lên. Nhưng ngày nay nhiều học sinh xuyên tạc, làm giảm sự kính trọng các nghi lễ, thiếu tôn trọng thầy cô, coi thường việc học.

Một cán bộ quản lý giáo dục lâu năm đã chua chát nhận xét, trong môi trường giáo dục hai mối quan hệ chính là quan hệ giữa thầy và trò và quan hệ giữa các trò với nhau. Trong đó mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ cốt lõi nhất để xây dựng môi trường giáo dục. Thế nhưng học sinh bây giờ và người nhà của họ nhiều khi coi nhà trường là cái chợ kiến thức mà thầy cô là những người bán. Và đã là có sự bán mua thì sự kính trọng bị giảm sút là điều dễ hiểu.

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt sự việc xảy ra liên quan đến bạo lực trong các trường học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong nhà trường. Các sự vụ không chỉ dừng lại ở mức giải quyết mâu thuẫn, gây rối, đánh nhau giữa các học sinh mà còn có sự tham gia của… người lớn. Môi trường giáo dục đang thật sự bất ổn.

Sự việc cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh diễn ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là bài học lớn về văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục ở cả bốn đối tượng bao gồm cán bộ quản lý - hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ sai phạm và trách nhiệm của từng cá nhân để có bước xử lý cuối cùng. Song qua đây có thể thấy rằng chỉ vì không suy nghĩ chín chắn trước khi hành động mà những người lớn trong câu chuyện này đã gây ra một “vết thương” lớn trong lòng con trẻ, là bài học ứng xử đớn đau, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, đi ngược với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là vốn quý bao đời nay của dân tộc. 

 ​ Công an mời ông Võ Hòa Thuận đến làm việc

Liên quan đến vụ cô giáo B.T.C.N phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh tại Trường Tiểu học Bình Chánh, ngày 13.3, Công an huyện Bến Lức (Long An) đã mời ông Võ Hòa Thuận cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Diễm, ngụ ấp 6, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức đến làm việc. Cơ quan công an còn mời ông Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh và ông Phạm Hữu Vốn, đại diện Hội Cha mẹ học sinh đến để làm rõ vụ việc. Được biết, được sự động viên của lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục, ngày 12.3, cô B.T.C.N. đã trở lại trường tiếp tục công việc dạy học. Hiện nay, cô N. và gia đình chưa gửi đơn tố cáo hành vi có dấu hiệu làm nhục giáo viên của một số phụ huynh.THÙY TRANG

 

 QUỐC HÙNG, THÙY TRANG

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top