Nỗ lực đưa thư viện tiếp cận với học sinh

VH- Nhằm phát triển văn hóa đọc cho học sinh và người dân, trong thời gian qua Thư viện tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền, triển lãm trưng bày tại chỗ và phối hợp đưa sách tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt là học sinh và đồng bào Khmer các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Nỗ lực đưa thư viện tiếp cận với học sinh - Anh 1

 Học sinh tham quan và đọc sách tại Thư viện tỉnh Kiên Giang

Đa dạng các hình thức đưa sách đến cộng đồng

Bà Trần Kim Chi, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang cho hay, bên cạnh các hoạt động thường xuyên tại Thư viện thì trong thời gian qua Thư viện đã tổ chức được nhiều chương trình đưa sách đến tận cơ sở, trong đó chú trọng các địa bàn vùng xa, khu vực người dân ít có điều kiện tiếp cận với sách báo. Theo đó, Thư viện đã tổ chức giới thiệu và phục vụ sách lưu động tại các huyện An biên, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Giồng Riềng, Hòn Đất, Hà Tiên, trong đó có nhiều sách bằng chữ Khmer phục vụ học sinh và người dân tại khu vực có đông đồng bào Khmer như Lễ hội Ok om bok tại huyện Gò Quao và lễ hội Nghinh Ông tại huyện Kiên Hải, thu hút hơn 3.000 lượt bạn đọc đến tham quan và đọc sách. Tại lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các gắn với Ngày Thơ Việt Nam tại Hà Tiên vừa qua, hoạt động triển lãm sách đã thu hút hơn 4.500 lượt bạn đọc. Song song đó, Thư viện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển lãm “Sách – Tri thức và Văn hóa” tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang, trưng bày 3.000 bản sách về Đảng, về Bác Hồ, sách lịch sử, văn học, cùng với chương trình giới thiệu sách bằng hình thức sân khấu hóa đã thu hút gần 2.500 lượt bạn đọc đến tham quan và đọc sách…

Ở các điểm trường, Thư viện đã phối hợp với Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh tại TP Rạch Giá, Trường THPT Vĩnh Thuận tại huyện Vĩnh Thuận và Trường Kinh tế - kỹ thuật Kiên Giang tổ chức trưng bày và tuyên truyền giới thiệu sách cho thiếu nhi, học sinh nghe về biển đảo, về Bác Hồ, thu hút hơn 3.000 học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó còn tổ chức các hoạt động chuyên đề đọc sách, cuộc thi, trả lời câu hỏi “Em yêu biển đảo Việt Nam”, tham gia đố vui kiến thức và tô màu tranh vẽ…

Nỗ lực đưa thư viện tiếp cận với học sinh - Anh 2

  Học sinh tham quan và đọc sách tại Thư viện tỉnh Kiên Giang

Mang sách vươn xa tới học sinh ngoài huyện đảo

Chia sẻ hiệu quả mang lại từ các hoạt động, bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang cho biết, từ khi triển khai đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng của Chính phủ, cũng như thực hiện các chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL với các Bộ, ngành khác trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã giai đoạn 2013-2020, tại các trường học, khu vực xây dựng nông thôn mới…, phong trào phát triển văn hóa đọc trong người dân đã phát triển rõ nét. “Khi Thư viện mang sách, báo đến các lễ hội cũng như vùng đồng bào dân tộc thì người dân ủng hộ nồng nhiệt, chuyền tay nhau đọc từng quyển sách, báo trong sự háo hức. Qua việc tổ chức các sân chơi, hội thi, ngày đọc đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình, kiến thức và những kinh nghiệm trong sách, báo đã giúp người dân áp dụng vào thực tiễn. Thói quen đọc sách để tìm hiểu kiến thức đã hình thành trong bộ phận lớn người dân”, bà Lê Thị Thanh Thủy vui mừng và cho biết thêm vào đầu tháng 4.2018 này Thư viện sẽ thực hiện chuyên đề giới thiệu sách đến học sinh huyện đảo Phú Quốc.

Trong năm 2017, Thư viện đã bổ sung được trên 7.000 bản sách, nâng tổng số sách hiện có lên gần 102.000 bản. Nguồn bổ sung vốn tài liệu chủ yếu từ nguồn sách biếu tặng từcác tác giả, các nhàxuất bản, các dựán của Nhànước…. Thư viện cũng đã cấp trên 600 bản sách cho các trường học và cơ sở trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cấp sách cho xã nông thôn mới; phối hợp tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời trong thư viện và tặng sách cho Hội Khuyến học của 11 xã thuộc huyện Gò Quao…

Theo Thư viện tỉnh Kiên Giang, từ khi trụ sở Thư viện mới đưa vào hoạt động đầu năm 2018 đã thu hút đông đảo độc giả đến tham quan và đọc sách nhờ cơ sở khang trang và rộng rãi. Song do chưa trang bị đầy đủ công nghệ thông tin nên thay vì độc giả có thể đọc sách qua hệ thống kết nối với thư viện điện tử, thư viện số thì phải trực tiếp đến thư viện nên đôi khi mất nhiều thời gian. Mặt khác, biên chế nhân sự hiện còn thiếu vì thế Thư viện gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động đưa sách lưu động đến những địa bàn xa.

 Bài: THÙY TRANG; ảnh: T.V.K.G

 

 

Ý kiến bạn đọc