Văn hóa học đường trong bối cảnh hội nhập: Trường đại học cần kiến tạo bản sắc

VH- “Văn hóa học đường đại học (ĐH) Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập” là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học quốc tế do Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức mới đây đã nhận định, thực tế hiện nay việc tổ chức văn hóa học đường ĐH cho phù hợp vẫn là một vấn đề khó khăn, nan giải.

Văn hóa học đường trong bối cảnh hội nhập: Trường đại học cần kiến tạo bản sắc - Anh 1

 Theo các chuyên gia xây dựng văn hóa học đường ĐH cần chú ý đến sự phát triển cả trí tuệ tình cảm và nhân cách của sinh viên

 Thấy gì qua hành vi ứng xử học đường hiện nay?

PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nêu lên một thực tế, đó là hình ảnh nhiều sinh viên chưa biết ứng xử với môi trường công cộng xung quanh. Nhiều em vô tư xả rác bừa bãi trong lớp học, gây tiếng ồn quá mức, trang phục và tác phong khi đi học không lịch sự, dù những sinh viên này đã được nhắc nhở nhiều lần. Ở một góc nhìn khá thẳng thắn, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đúc kết triết lý giáo dục từ những câu chuyện đau lòng đã diễn ra trong thời gian qua. Theo ông, những người “chuột chạy cùng sào”, có điểm thi thấp nhất thì vào sư phạm hoặc vào sư phạm cốt để được miễn học phí. Vậy mà 4 năm sau, những giáo sinh này ra trường phải lãnh trách nhiệm trở thành hình mẫu lý tưởng cho học trò ở mọi phương diện. Việc quá đề cao vai trò của người thầy dẫn đến hệ quả là một bộ phận giáo viên ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng như cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước lau bảng, cô giáo không nói chuyện với học sinh suốt 3 tháng… Như một phản ứng ngược lại, quan hệ kinh tế thị trường và quá trình dân chủ hóa dẫn đến sự cố học sinh ở Bến Tre bóp cổ cô giáo, học sinh lớp 12 đâm thầy giáo ở Quảng Bình, phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi ở Long An…

Nhà trường phải là nơi xây dựng những chuẩn mực văn hóa

Theo các chuyên gia, trước ngưỡng cửa của cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng văn hóa học đường ĐH cần đặc biệt chú ý hơn đến sự phát triển cả trí tuệ, tình cảm và nhân cách của sinh viên. Người thầy ở ĐH cần tham gia vào việc rèn luyện phẩm chất của sinh viên qua cách thức, phương pháp hướng dẫn trong nội dung khoa học và qua chính nhân cách của người thầy. Bằng cách này, giáo dục bậc cao cả trong lớp học và các hoạt động sinh viên, có thể cân bằng giữa việc giúp sinh viên khám phá tri thức và tạo nên sự biến đổi trong con người sinh viên.

GS.TS Ngô Văn Lệ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng, mỗi trường ĐH trong quá trình hình thành và phát triển đã xây dựng cho mình những chuẩn mực, hình thành những nét văn hóa riêng. Giáo dục truyền thống cho các thế hệ sinh viên là truyền lửa các giá trị văn hóa, mà thầy và trò của một trường tạo dựng trong quá trình phát triển. Khi các trường ĐH ra đời ở các nước, hình thành văn hóa ĐH, không chỉ làm thay đổi diện mạo hệ thống giáo dục của một quốc gia, mà còn làm thay đổi sức mạnh của giáo dục (văn hóa) trong sự phát triển của đất nước. Hệ thống giáo dục mạnh sẽ tác động đến mọi khía cạnh của đời sống làm cho quá trình giao lưu với bên ngoài gia tăng, dẫn đến hình thành những giá trị mới.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trường ĐH không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn cung cấp cho người học những chuẩn mực văn hóa, giúp người học không chỉ có đủ kỹ năng tiếp nhận mà còn vận dụng được trong cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, khi giáo dục ĐH mở rộng đón các luồng gió mới rất khác nhau, cần thiết phải đặt trong mối tương quan với các vấn đề khác, mà giáo dục học đường (giáo dục văn hóa) như là một trọng tâm.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng khoa Văn hóa học - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng, một trong những điều kiện nổi bật để một trường ĐH phát triển và hội nhập là phải xây dựng cho trường có một “văn hóa mạnh” từ những yêu cầu cơ bản của một cộng đồng văn hóa nhìn từ góc độ văn hóa tổ chức, trong đó kiến tạo bản sắc là một trong những yêu cầu cơ bản đó. 

 Bài, ảnh: THÙY TRANG

 

Ý kiến bạn đọc