Giải pháp nào phòng, chống nạn bạo hành nhân viên y tế?

VH- LTS: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) là dịp để chúng ta bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam đã hết lòng vì người bệnh. Thế nhưng có một thực tế đau lòng là nhiều y, bác sĩ vừa chữa bệnh vừa lo sợ vì... bạo hành.

Vấn đề tuy không mới nhưng đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động, nhất là sau việc hai bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bị chồng của sản phụ hành hung dã man sau khi trực tiếp mổ đẻ cho sản phụ này.

Làm thế nào không để y, bác sĩ tiếp tục bị hành hung là mối quan tâm chung của xã hội và cũng là cách thiết thực trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc năm nay.

Giải pháp nào phòng, chống nạn bạo hành nhân viên y tế? - Anh 1

 Bệnh viện Sản – Nhi Yên Bái, nơi vừa xảy ra vụ hành hung hai bác sĩ

Ngày càng manh động

Mặc dù đã có quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc đảm bảo an ninh bệnh viện ký kết năm 2013, tuy nhiên sau nhiều vụ xảy ra thì ngày 27.12.2017, lần đầu tiên Bộ Y tế đã có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) về việc hỗ trợ điều tra vụ việc bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình bị hành hung (khoảng 21 giờ đêm ngày 25.12.2017). Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong vụ việc đánh nhân viên cấp cứu, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu phạm tội); xử lý nghiêm các đối tượng hành hung bác sĩ và nhân viên y tế tại Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình và công bố kết luận điều tra cho công luận. Hiện tại, tình trạng sức khỏe bác sĩ Nghĩa đã dần ổn định, nhưng đang phải tập thở bằng miệng vì xương sống mũi bị gãy. Lãnh đạo Công an huyện Đông Hưng (Thái Bình) cũng cho biết, nam thanh niên đấm gãy mũi bác sĩ đã bị bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự.

Các vụ việc bạo hành bác sĩ liên tục được đưa lên các phương tiên thông tin đại chúng nhưng dấu hiệu vẫn chưa dừng mà liên tiếp xuất hiện các vụ việc nhân viên y tế bị hành hung. 9 tháng tù giam cho đối tượng Cấn Ngọc Giang, Thạch Thất, Hà Nội do ném cốc thủy tinh vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội là vụ án thứ hai hành hung bác sĩ tại Hà Nội được đưa ra tòa. Và chưa có một thống kê chính xác trên toàn quốc xem trong tổng số các vụ việc bác sĩ bị hành hung thì có bao nhiêu đối tượng bị đưa ra tòa, bao nhiêu đối tượng phải lĩnh án...

Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân của Việt Nam quy định “nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ”. Tuy nhiên, luật này không ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành nhân viên y tế. Đa số các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước gần như chưa có biện pháp hiệu quả đề phòng cũng như bảo vệ nhân viên y tế khỏi sự bạo hành. Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số bức xúc: Không có ngành nào mà người bị đánh chửi lại vẫn phải nhẫn nhịn quay sang phục vụ người đánh chửi mình như ngành y tế, như các bác sĩ ở Việt Nam. Hiện tại, các quy định khám chữa bệnh, các văn bản y tế lại hầu như buộc nhân viên y tế phải điều trị cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào. Bác sĩ không chỉ không có quyền từ chối khám chữa bệnh với bất cứ ai, cho dù đối tượng đó vừa đe dọa, xúc phạm mình mà còn phải đối xử thân thiện, hòa nhã.

Một trong những nguyên nhân mà đối tượng bạo hành không được đưa ra xét xử là do liên quan tới tình tiết tổn hại 11% sức khỏe mới được hình sự hóa. Vì vậy, những đối tượng này đa số chỉ bị xử phạt hành chính, gây bức xúc cho nhân viên y tế. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung Điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình” Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình” sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần coi hành vi hành hung bác sĩ là hành vi chống người thi hành công vụ để đối tượng phạm tội được xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

 Thủ tướng Chính phủ: Xử lý nghiêm!

Giải pháp nào phòng, chống nạn bạo hành nhân viên y tế? - Anh 2

Thủ tướng chúc mừng các thầy thuốc BV Chợ Rẫy nhân dịp Ngày Thầy thuốc VN

 Tại buổi thăm, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền các địa phương, ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của thầy thuốc và nhân viên của ngành y tế. Các cơ quan chức năng, nhất là ngành công an điều tra, xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho các cán bộ ngành y tế; đặc biệt, một số vụ như vừa xảy ra ở Yên Bái. Thủ tướng cũng lưu ý việc quản trị BV, bảo đảm an ninh, an toàn trong bệnh viện, không để xảy ra những vụ việc không đáng có, trong đó sớm khắc phục một số tiêu cực trong một số BV như độc quyền cung cấp dịch vụ hậu cần BV (xe cứu thương, xe taxi, dịch vụ ăn uống, dịch vụ an ninh…).

Thủ tướng nhấn mạnh: Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam ngày 27.2 là dịp để bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam; mong muốn ngành y tế Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, khắc phục những hạn chế về y đức, giảm tải BV, lạm dụng thuốc kháng sinh, xét nghiệm; cải cách hành chính, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý thuốc.

 Vì sao?

Có thể nói có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an toàn trật tự bệnh viện như cơ sở pháp luật chưa đủ mạnh; chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc. Nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh, chưa đầy đủ. Chưa có quy định cụ thể các chế tài mà lực lượng bảo vệ được áp dụng, giải quyết các xung đột xảy ra và mức độ xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của đương sự chưa đủ sức răn đe… Tuy nhiên vấn đề cốt lõi vẫn là thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh đây được xem là giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn những sự việc đáng tiếc nói trên.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, môi trường làm việc của đội ngũ y bác sĩ hiện nay không còn an toàn. Để giải quyết mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân với y bác sĩ cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là ở các khoa cấp cứu. Ngoài ra cần phải có sự kết nối giữa nhân viên y tế đối với người nhà bệnh nhân trong quá trình chăm sóc điều trị để tránh các hiểu lầm, xung đột đáng tiếc.

Môi trường bệnh viện là môi trường nhạy cảm có tác động đến dư luận xã hội. Sự manh động và xuống cấp về đạo đức lối sống của một số đối tượng, nhất là lợi dụng các sự cố tai biến y khoa không mong muốn để trục lợi. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên y tế trong nắm bắt tâm lý, thái độ ứng xử của cán bộ y tế chưa cao. Ngoài ra vấn đề y đức của một bộ phân nhân viên y tế xuống cấp cũng là nguyên nhân dẫn đến các sự cố nói trên.

 Cán bộ y tế hầu như ai cũng hiền lành, kể cả khi bị bạo hành cũng nhẫn nhịn. Nhưng tôi cho rằng sự nhẫn nhịn đó có thể là mảnh đất màu mỡ cho cái ác tiếp tục tái diễn và một số cơ quan thực thi pháp luật nương vào đó để xử lý xuê xoa. Pháp luật phải nghiêm minh, xử lý phải triệt để đối với các hành vi bạo hành cán bộ y tế. Đây là yêu cầu bức thiết nhất trong lúc này của cán bộ ngành Y.

(Bác sĩ TRƯƠNG HỒNG SƠN, Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam)

 ​Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2010 đến tháng 5.2017 cả nước đã xảy ra hơn 22 vụ hành hung nhân viên y tế, truy sát người bệnh tại giường bệnh và tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng thực hiện hành hung hết sức manh động và bất ngờ. Ngoài việc hành hung đội ngũ y bác sĩ, người bệnh các đối tượng này còn đập phá máy móc thiết bị của bệnh viện gây thiệt hại tài sản.

Chỉ riêng trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 25 vụ hành hung trong bệnh viện đã được cơ quan công an thụ lý. Đặc biệt tính chất, hành vi của các đối tượng ngày càng manh động, cho thấy mức độ đáng báo động của vấn nạn bạo hành đối với các y bác sĩ trong quá trình làm việc.

Q.Hoa- N. Hiếu


  

 

 

Ý kiến bạn đọc