Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Ngày hội hiến máu nhân đạo: Đạp xe hơn 30 cây số để "gửi" giọt máu

Thứ Hai 12/03/2018 | 09:35 GMT+7

VH- Lễ hội Xuân hồng lần thứ XI - 2018 đã tiếp nhận hơn 10.200 đơn vị máu từ những người hiến máu tình nguyện. Hàng nghìn người đã tới tham dự ngày hội với tâm niệm mong muốn được chia sẻ với cộng đồng bằng những giọt máu của mình.

 Bà Lê Thị Hà (Thanh Oai, Hà Nội) tranh thủ cùng hai con mình đi hiến máu khi đang bận rộn mùa vụ

Khởi động từ ngày 3.3 tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), nhưng ngày hội chính thức của Lễ hội Xuân hồng 2018 (do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội tổ chức) diễn ra từ ngày 9 - 11.3 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”.

Gần 60 vẫn hiến máu

Đây là lần thứ XI lễ hội được diễn ra. Khác với những năm trước chỉ được tổ chức trong một ngày thì năm nay Lễ hội Xuân hồng đã diễn ra trong vòng một tuần tại các quận, huyện trên Thủ đô, trở thành lễ hội hiến máu tình nguyện lớn nhất dịp đầu năm. TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Mặc dù lượng máu dự trữ cho dịp Tết năm nay được chuẩn bị tốt nhưng nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện quá cao nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm máu sau Tết. Chính vì vậy, Lễ hội Xuân hồng vẫn là giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này”.

Ngay từ ngày khởi động đã thu hút hàng trăm cán bộ, lãnh đạo, thanh niên, HS-SV, thậm chí nhiều gia đình trên địa bàn của các quận, huyện tham gia. Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai cho biết đây là lần thứ ba ông tham gia hiến máu, nói “được chia sẻ với cộng đồng bằng những giọt máu của mình, tôi rất hạnh phúc”. Còn bà Lê Thị Hà (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai) dù đang bận rộn đi cấy nhưng cũng tranh thủ cùng hai con của mình đến hiến máu. Trên gương mặt rạng rỡ niềm vui, bà Hà cho biết đây là lần thứ 35 mình hiến máu. Lần đầu tiên cách đây 20 năm khi việc hiến máu nhân đạo chưa trở thành phong trào như hiện nay. “Khi đó, sợ mọi người không ủng hộ, nên tôi thường phải giấu mẹ chồng đi hiến máu. Các điểm hiến máu cũng không phổ biến và tổ chức thường xuyên như bây giờ nên có khi tôi phải đạp xe 30 cây số đến Bệnh viện Nhi hiến máu. Giờ vẫn đủ điều kiện sức khỏe nên tôi cố gắng tham gia hiến máu đều đặn ngay tại huyện và động viên các con cùng hiến máu”, bà Lê Thị Hà, năm nay đã gần 60 chia sẻ.

 Đông đảo bạn trẻ tới hiến máu tình nguyện tại Lễ hội Xuân hồng 2018

Cần thêm nhiều tấm lòng cao quý

Trong ngày chính hội diễn ra tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Thới Thị Ngọc Viên (học viên Học viện Cảnh sát) rất hào hứng khi thông tin cùng với 150 bạn cùng trường đến tham gia hiến máu. Ngọc Viên mới chỉ tham gia hiến máu lần thứ hai nhưng cũng cảm thấy tự hào vì mình có thế giúp được những người khác trong xã hội. Em khẳng định sẽ tiếp tục hiến máu tình nguyện trong các hoạt động hiến máu như Xuân hồng để giúp đỡ những người cần máu.

Cảm động trước tấm lòng, tình cảm và sự nhiệt tình của những người tình nguyện, chị Nông Thị Gấm (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bày tỏ: “Tôi rất xúc động và biết ơn khUi nhìn thấy hàng nghìn người đến hiến máu. Những người bệnh chúng tôi lại có thêm nguồn máu và được truyền máu mà không phải chờ đợi”. Chị Gấm năm nay 37 tuổi, bắt đầu điều trị bệnh Tan máu bẩm sinh từ khi mới 5 tuổi. Hơn 30 năm đi điều trị bệnh, chị đã phải truyền gần 1.000 đơn vị máu. Đã nhập viện một tuần qua tuy nhiên do chị cần nhóm máu O - nhóm máu thường thiếu nên chị cũng như nhiều người bệnh khác đang rất mong chờ và hy vọng ở Lễ hội Xuân hồng để được truyền máu.

Trải qua hơn 10 năm, số lượng máu được tiếp nhận từ Lễ hội Xuân hồng đã tiếp nhận hơn 60.000 đơn vị máu, giúp giải quyết 70% - 80% vấn đề khan hiếm máu điều trị cho người bệnh, các ca phẫu thuật… Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống, những ca phẫu thuật kỹ thuật cao như ghép tạng được thực hiện nhờ những giọt máu đào được hiến. Do đó, hành động hiến máu nhân đạo cần được nhân rộng trong mỗi gia đình và toàn xã hội, ở cả người hiến máu lần đầu và hiến máu nhắc lại để lượng máu hiến ngày càng nhiều hơn. 

V.Tuấn- T.Hằng

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top