“Sinh thuận tự nhiên” : Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TƯ nói gì?

VH- Trước trào lưu về việc phổ biến sinh con “thuận tự nhiên”, vừa phản khoa học, vừa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con, Báo Văn Hoá đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Vũ Quang, Khoa Sản bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) về vấn đề này.

“Sinh thuận tự nhiên” : Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TƯ nói gì? - Anh 1

P.V: Thưa bác sĩ, hiện nay một số sản phụ đang theo đuổi phương pháp “sinh con thuận tự nhiên”, bác sĩ có thể đánh giá về việc này như thế nào?

- Bác sĩ Trần Vũ Quang: Cách đây ít lâu, có bà mẹ ở Hưng Yên tự khoe mình đẻ tại nhà thành công, không cắt dây rốn em bé… nhưng đây chỉ là một sự may mắn, nếu áp dụng trên một diện rộng với số lượng người tham gia đông thì hậu quả chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. Trong thực tế, nếu sinh đẻ ở nhà mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế,  các bà mẹ sẽ phải đối mặt với các biến chứng vỡ tử cung, băng huyết hoặc một trong năm tai biến sản khoa gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ và em bé…

Bác sĩ có thể giải thích về cụm từ “sinh con thuận tự nhiên” là như thế nào?

Trong y văn không có khái niệm “sinh con thuận tự nhiên” mà chỉ có khái niệm đẻ thường và đẻ mổ, có thể là du nhập từ nước ngoài và Việt hoá, do đó đây không phải là một phương pháp khoa học mà chỉ là trào lưu theo hiệu ứng đám đông. Nếu coi đây là một từ khóa mới thì thuận tự nhiên đang được các sản phụ hiểu là sinh con sử dụng sữa mẹ hoàn toàn, không tiêm vắc xin, không cắt dây rốn mà để nguyên đánh rau trực tiếp sau khi sinh. Theo lý thuyết này, quan điểm “Thuận theo tự nhiên” cho rằng việc không cắt bánh rau để cung cấp cho em bé những kháng thể, thêm máu, hạn chế tình trạng vàng da… nhưng tôi khẳng định rằng điều này không có ý nghĩa gì cả. Các nhà khoa học thế giới khuyến cáo, muốn cho trẻ được lượng máu tốt sau khi sinh thì có thể chậm cắt dây rốn trong vòng từ 30 đến 60 giây. Còn nếu để dây rốn lưu trong vòng 6 đến 10 ngày để tự nhiên rụng thì nguy cơ thứ nhất là trẻ bị nhiễm khuẩn huyết mà điều trị nhiễm khuẩn huyết là điều trị cực kỳ nguy hiểm phải điều trị hồi sức tích cực gây ra tử vong cho trẻ trong thời gian rất nhanh; hoặc có thể lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con; hoặc nhau thai sẽ bị hoại tử gây mùi hôi thối, nhiễm trùng…

Vậy trào lưu này du nhập về Việt Nam như thế nào?

Theo tôi được biết, phong trào này phát triển từ một hội trên diễn đàn xã hội cổ súy theo kiểu sinh đẻ thuận tự nhiên. Hội này thường lên chia sẻ những bài viết viết, những trường hợp cá biệt thành những luồng tư duy tiêu cực. Chẳng hạn, từ những tai biến từ việc tiêm vắc xin phòng bệnh, hay những tai biến sản khoa khiến các bà mẹ có tâm lý hoang mang, muốn bảo vệ con mình. Hoặc chia sẻ những bài viết về khuyến cáo sử dụng 100% sữa mẹ, những bài viết tự sinh con ở nhà tại các nước phát triển.  Đặc biệt là, những bài viết này được truyền tải từ những người không được chứng nhận, không được cấp phép của Bộ Y tế mà chỉ là có những chứng chỉ từ các khoá học online về dinh dưỡng của nước ngoài.

Vậy, theo nguyên bản “sinh con thuận theo tự nhiên” ở nước ngoài là như thế nào, thưa bác sĩ?

Chúng ta đang bị một số thành phần cá nhân không có kiến thức về mặt chuyên môn y tế mà chỉ tiếp thu kiến thức ở nước ngoài một cách thụ động và tiêu cực, đồng thời suy diễn những phát triển y học của thế giới thành một cái khác biến tướng để áp dụng ở Việt Nam. Ví dụ, ở nước ngoài có những bài báo chia sẻ về các bà mẹ sinh con tại nhà hoặc đẻ dưới nước nhưng các trường hợp này là hiếm và cơ sở y tế nhân viên y tế theo dõi thai kỳ cho sản phụ đó phải cực kỳ cẩn thận, có sự thống nhất giữa người nhà và cơ sở y tế, kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ chuyên môn. Trong quá trình chuyển dạ tại nhà đều phải có chuyên gia bác sĩ bên cạnh để nếu xảy ra quá trình chuyển biến thì có thể xử trí ngay được. Còn nguồn nước tạo ra môi trường sinh em bé phải cực kỳ sạch nguồn nước này có thể vừa tắm vừa uống được, tức là độ an toàn, độ vô trung của nguồn nước phải được đảm bảo. Nhưng ở Việt Nam thì đẻ tại nhà không được phép của cơ sở y tế, không có cán bộ y tế hay người nhà không có kiến thức về y tế.

Còn phiên bản gốc không cắt dây rốn, giữ bánh nhau thai của người mẹ xuất phát từ từ tục lệ của một bộ tộc ở New Zealand. Bộ tộc này tôn thờ tôn thờ và trân trọng ý nghĩa của việc chuyển dạ khi sinh ra một em bé, họ muốn để nguyên bánh rau của người mẹ. Nhưng ở xã hội của chúng ta không còn là một bộ tộc nữa nên không thể áp dụng hay tôn thờ hoá như thế.

Xin cám ơn bác sĩ!

Quỳnh Hoa (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc