Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Về vụ BS Hoàng Công Lương bị truy cứu "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”: VKS “phán quyết” khiên cưỡng, không đúng đối tượng

Thứ Tư 21/03/2018 | 10:19 GMT+7

VH- Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hoà Bình vừa ra quyết định truy tố ba bị cáo trong vụ tai biến chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, trong đó BS Hoàng Công Lương với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, LS Nguyễn Văn Chiến (ảnh), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội. LS Chiến cho biết:

 Ngay khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trong đó có BS Lương, dư luận xã hội, nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đã đưa ra rất nhiều ý kiến xác đáng với nhiều góc độ khác nhau để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội và truy tố đối với BS Lương. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, VKS có quyền đưa ra quan điểm truy tố, Tòa án sẽ nghiên cứu hồ sơ và đưa ra quyết định trả hồ sơ hay đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật. Việc đưa ra xét xử vụ án này bảo đảm theo nguyên tắc tranh tụng, xác định sự thật khách quan, xác định bác sĩ Lương có tội hay không có tội là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai tòa án.

Việc truy tố bác sĩ Lương ở tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã thoả đáng chưa thưa ông?

- Để xác định thỏa đáng hay chưa ta phải xem xét nguyên nhân gây tử vong là do tồn dư hóa chất trong nước RO lọc thận sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thiết bị tại Đơn nguyên thận nhân tạo - Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình). Hậu quả vụ án đã được xác định, còn liên quan trách nhiệm đến những ai thì cần xem xét từ các điều kiện của Hợp đồng giao kết giữa bệnh viện và đơn vị sửa chữa; quy định xét nghiệm bắt buộc về tồn dư hóa chất sau sửa chữa; năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của các nhà thầu, đặc biệt quy định về việc chuyển giao công việc của hợp đồng cho bên thứ ba cũng như trách nhiệm về quản lý vật tư, kỹ thuật của phòng/ban liên quan trong bệnh viện.

Nếu đặt ra việc BS Lương phải chịu trách nhiệm về kết quả sửa chữa của trang thiết bị, chất lượng nước RO sau sửa chữa trong khi anh ấy không được biết về hợp đồng sửa chữa bảo dưỡng, không phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra giám sát đơn vị sửa chữa bởi đây là công việc của phòng vật tư và bộ phận trực tiếp thực hiện hợp đồng hoặc theo dõi thực hiện hợp đồng của bệnh viện thì cần phải được soi xét lại... Sau khi hoàn tất, trang thiết bị được bàn giao cho bộ phận điều dưỡng trong khoa, điều dưỡng viên khởi động hệ thống máy móc đã qua sửa chữa và được hệ thống báo chỉ số an toàn thì thông báo cho bác sĩ điều trị thực hiện nhiệm vụ. Với quy trình như vậy, BS Lương chỉ làm công tác khám, chỉ định chạy thận, điều trị cho người bệnh sau chạy thận nhân tạo. BS Lương không có đầy đủ kiến thức, phương tiện kỹ thuật để kiểm tra chất lượng nước theo hợp đồng sửa chữa và không thể thực hiện bằng mắt thường hay thông qua thủ tục hành chính. Do đó, buộc trách nhiệm đối với BS Lương trong trường hợp này là hết sức khiên cưỡng, không đúng đối tượng.

Trong Cáo trạng của VKSND tỉnh Hoà Bình có điểm nào mà ông không đồng ý?

- Theo tôi, Cáo trạng cũng cho thấy dấu hiệu bất thường. Vì sao lại buộc BS Lương về tội “thiếu trách nhiệm” trong khi bác sĩ chỉ là bác sĩ điều trị bình thường, không phải là người có chức vụ quyền hạn, chịu trách nhiệm trong việc này. Thứ hai là, những tài liệu xác định BS Lương có trách nhiệm hay không để buộc tội “thiếu trách nhiệm” thì chưa thấy thể hiện, chưa được đề cập thuyết phục trong bản Cáo trạng.

Có ý kiến cho rằng, vụ án còn bỏ lọt tội phạm, quan điểm của ông như thế nào?

- Việc mở rộng đối tượng khởi tố để xử lý trách nhiệm hình sự hay không liên quan đến việc xem xét yếu tố nào tác động trực tiếp dẫn đến hậu quả các bệnh nhân chạy thận tử vong. Yếu tố đó liên quan đến trách nhiệm của ai... Điều này Cơ quan công an sẽ phải điều tra làm rõ, VKS cũng phải xem xét hết sức trách nhiệm và thấu đáo về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả của vụ án. Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Công an chỉ đạo điều tra xác định cần mở rộng điều tra vụ án. Tuy vậy việc mở rộng đối tượng điều tra liên quan đến khả năng điều tra, chứng cứ thu thập được, quan điểm đánh giá… để xác định còn có những ai liên quan đến hậu quả vụ án phải chịu trách nhiệm để từ đó mới khởi tố điều tra mở rộng.

 ​“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại”

 Tổng hội Y học Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể động viên gia đình bác sĩ Lương tháng 6.2017

 "Những ngày qua, rất nhiều y, BS đã rất bất bình, hoang mang với tội danh mà VKSND tỉnh Hoà Bình đặt ra cho BS Hoàng Công Lương.

Sự cố y khoa tại Hoà Bình là hết sức nghiêm trọng, gây ra những mất mát đau xót với các gia đình bệnh nhân, vì vậy việc Công an tỉnh Hoà Bình khởi tố vụ án là cần thiết để làm rõ các trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, điều trị bệnh nhân là một chu trình với nhiều đơn vị và cá nhân tham gia. Vai trò của các BS là chịu trách nhiệm về chuyên môn chỉ ở trong quá trình điều trị. Trong trường hợp này, kết luận giám định tử vong của các bệnh nhân từ nguyên nhân tồn dư hoá chất trong nước RO chứ không phải do sai sót chuyên môn của BS trong quá trình điều trị, do đó những người có liên quan đến việc để xảy ra tồn dư hoá chất sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, Ban giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình và lãnh đạo Phòng vật tư cũng phải chịu trách nhiệm trong việc thiếu trách nhiệm trong tổ chức quy trình kiểm soát chất lượng sau bảo dưỡng.

BS Hoàng Công Lương không phải là người có vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng nước sau khi bảo dưỡng, vì vậy không thể quy “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hâu quả nghiêm trọng”. Việc các BS phải chịu trách nhiệm cả về máy móc, thiết bị, vật tư là điều bất khả thi vì họ không thể có cách nào mà kiểm tra hay thẩm định được. Qua tìm hiểu, cơ quan điều tra cho rằng, bác sĩ Lương đã cho vận hành hệ thống lọc thận nhân tạo sau khi bảo dưỡng mà không có biên bản bàn giao mà chỉ thông qua việc gọi điện thoại. Điều này BS Lương cũng có sai sót một phần, nhưng đây không phải là lần đầu tiên mà việc bàn giao qua “điện thoại” cũng được thực hiện từ nhiều lần trước.

Việc truy tố BS Lương với tội danh này e rằng sẽ tạo ra một hệ lụy rất nguy hiểm, vì các BS có thể từ chối cấp cứu, từ chối triển khai dịch vụ khám, điều trị khi chưa có đủ các thủ tục hành chính cho tất cả các trang thiết bị họ sử dụng - mà đúng ra là vai trò quản lý và giám sát là của lãnh đạo bệnh viện và phòng vật tư. Điều này sẽ gây chậm trễ việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, gây nguy hại cho người bệnh. Do đó, việc xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đồng thời xem xét cẩn trọng các yếu tố khách quan, sẽ là yếu tố quyết định cho thái độ của bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước đối với việc tận tâm hay dè dặt để tự bảo vệ mình. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan hành pháp xem xét lại việc này”. (TS. Trương Hồng Sơn, Phó tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam).

Thảo Lam

Quỳnh Hoa(thực hiện)

 

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top