“Trận đánh lớn" của các chiến sĩ áo trắng

VH- Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng thời thực hiện cùng lúc các ca lấy và ghép đa tạng với sự tham gia của ba chuyên gia đến từ nước ngoài và khoảng 60 y, bác sĩ, kỹ thuật viên. Ca ghép đa tạng xuyên Việt này được các bác sĩ ví như “trận đánh lớn" của các chiến sĩ áo trắng, mở ra triển vọng mới cho ngành ghép tạng Việt Nam. Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi.

“Trận đánh lớn

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mai Xuân Lịch thăm bệnh nhân ghép phổi Trần Ngọc Hanh - Ảnh: Thu Lan

Chia sẻ về ca ghép tạng lịch sử này, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108  - tổng chỉ huy điều hành tổ chức thực hiện ca ghép đa tạng này cho biết: Trong kỹ thuật ghép tạng thì ghép phổi là khó nhất và ghép phổi từ người cho còn sống đã khó, mà ghép phổi từ người cho chết não còn khó hơn nhiều. “Khi nhận được thông tin có người hiến tạng vào ngày 26.2.2018, ngay lập tức chúng tôi phải tìm ngay người nhận phổi. Bởi vì nếu ghép phổi từ người hiến còn sống tất cả các bộ phận đều khoẻ mạnh nên có kế hoạch để chuẩn bị; còn người cho chết não thì các bộ phận hoạt động được nhờ máy và thuốc, nếu để lâu thì các bộ phận sẽ không còn nguyên vẹn, và không thể tiến hành ghép được”, Giám đốc Bệnh viện 108 nói.

Cho đến nay, chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam đã trải qua 25 năm, thực hiện được nhiều ca ghép tạng như tim, gan, thận, giác mạc và một số bộ phận khác, nhưng ghép phổi vẫn là một thách thức vì tính chất phức tạp, khẩn trương điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều trị, chăm sóc sau mổ… Người được ghép phổi lần này là anh Trần Ngọc Hanh (sinh năm 1964, Nam Định), bị suy hô hấp do mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Ca ghép kéo dài gần 8 giờ với sự hỗ trợ từ hai chuyên gia từ Bệnh viện Foch (Cộng hòa Pháp) gồm một bác sĩ gây mê, và một bác sĩ chuyên gia về phẫu thuật ghép phôi; chuyên gia đến từ Bỉ và hơn 20 bác sĩ, phẫu thuật viên… của Bệnh viện 108.

 “Gây mê trong ghép phổi từ bệnh nhân chết não cũng rất phức tạp, đòi hỏi sự nhịp nhàng, chính xác và khó khăn rất nhiều. Vì phổi của người cho do chết não nên đã trải qua một thời gian hồi sức, thở máy thở sẽ dễ bị tổn thương, dễ nhiễm trùng dẫn tới tình trạng không cung cấp đủ oxy cho người ghép, rối loạn hô hấp. Quá trình lấy phổi từ người đã chết não diễn ra trong tình huống cấp cứu chứ không thể chủ động như khi lấy phổi từ người hiến còn sống. Vì vậy đòi hỏi kỹ thuật viên lấy tạng phải rất nhanh chóng và chính xác”, TS. Ngô Vi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện 108 người trực tiếp tham gia vào ca phẫu thuật chia sẻ.

Đến nay, sau gần một tháng ghép phổi, anh Hanh đã có thể đi lại được, tự thở, tự ăn uống nhẹ và đang được các bác sĩ hỗ trợ phục hồi chức năng, chống thải ghép… Chị Trần Thị Huê, vợ bệnh nhân cho hay, anh Hanh bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ nhỏ, lao động kém, những năm gần đây rất khó thở, sinh hoạt khó khăn và thường xuyên phải vào bệnh viện cấp cứu để thở mày. Việc chồng chị được ghép phổi là một niềm hy vọng lớn cho gia đình, để anh có thể cải thiện cuộc sống.

“Trận đánh lớn

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân Trần Ngọc Hanh - Ảnh: Thu Lan

Sự chuần bị kỹ càng cho “trận đánh”

 Không chỉ anh Trần Văn Hanh mà năm bệnh nhân khác cũng được ghép tạng cùng một thời điểm, gồm một bệnh nhân ghép một quả thận cũng được tiến hành  tại Bệnh viện 108, hai bệnh nhân ghép  giác mạc tại Viện Mắt Trung ương; đồng thời phối hợp với Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và hãng hàng không Việt Nam tiến hành vận chuyển tạng xuyên Việt vào TP.HCM để ghép tim,  và một quả thận cho hai bệnh nhân khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

GS.TS Mai Hồng Bàng chia sẻ, người hiến tạng là một quân nhân – thiếu tá Lê Hải Ninh chết não do tai nạn và gia đình đã tự nguyện hiến đa tạng của người thân để cứu sống những bệnh nhân khác. Toàn bộ quá trình khi xác định người hiến đến ca phẫu thuật chỉ trong vòng 40 giờ, từ lúc khởi động hội chẩn tất cả ê kíp ghép tạng hội chẩn liên viện cùng với các chuyên gia, đồng thời tiến hành hội chẩn quốc tế với các chuyên gia của Pháp. Sau khi khẳng định có thể tiến hành ghép được, qua một buổi chiều, sáng ngày hôm sau hai bác sĩ của Bệnh viện Foch đã có mặt tại Bệnh viện 108 để hỗ trợ thực hiện ca ghép phổi. Toàn bộ các y, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật cho các ca ghép tạng lên đến hơn 60 người, trong đó, hai ca lấy và ghép tạng tại BV 108 đã hơn 40 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện.

TS.Ngô Vi Hải được cử đi đào tạo ở Bệnh viện Foch – cơ sở hàng đầu của Pháp và châu Âu về ghép tạng cho biết, 4 ê kíp của Bệnh viện được cử đi học tất cả các khâu từ kỹ thuật gây mê, hồi sức, hô hấp, hội chẩn điều trị trước mổ và các kỹ thuật điều trị chăm sóc sau mổ. Trong thời gian này, các ê kíp cũng đồng thời tham khảo để xây dựng hoàn thiện các quy trình kỹ thuật của mình để đáp ứng phù hợp với điều kiện của Bệnh viện 108. Đến đầu năm 2018, các chuyên gia của Pháp đã sang để đánh giá thực nghiệm, tư vấn giúp đỡ Bệnh viên 108 hoàn thiện quá trình chuẩn bị và kết luận là cơ sở vật chất tại Bệnh viện  hoàn toàn có thể đáp ứng để triển khai các ca phẫu thuật ghép phổi từ người chết não.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện 108, ghép phổi là một trong những nội dung của đề án do Thủ tướng Chính phủ giao là phát triển  kỹ thuật ghép mô trên cơ thể người để trong thời gian từ 2016 đến 2021 với 11 tạng, trong đó có ghép tủy, tế bào gốc, thận, gan phổi tim ghép khối tim phổi, tử cung, chi thể. “Cho đến nay, chúng tôi đã tiến hành thường quy ghép tủy, ghép tế bào gốc, giác mạc, thận, gan; lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não. Sắp tới, chúng tôi sẽ cử cán bộ đi đào tạo tại các nước tiên tiến về ghép tim, ghép các khối tim, phổi, ghép tụy, ruột, chi thể, tử cung. Đồng thời cử các bác sĩ tiếp tục sang Pháp để học về chẩn đoán thải ghép; và trong những năm tiếp theo chúng tôi sẽ tiến hành các ca phẫu thuật trên”, GS.TS Mai Hồng Bàng nói.

Quỳnh Hoa

 

Ý kiến bạn đọc