Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Giảm giá một số dịch vụ y tế để cân đối Quỹ BHYT

Thứ Tư 11/04/2018 | 10:27 GMT+7

VH- Tại sao các nước phát triển chỉ có 2.000 - 3.000 dịch vụ y tế, trong khi Việt Nam có tới 18.000 dịch vụ y tế? Một số giá dịch vụ y tế tăng quá cao so với chất lượng chung và không phù hợp với thực tế. Điều này gây khó khăn, phức tạp, bội chi trong việc thanh toán chi phí BHYT, vì vậy cần phải nhanh chóng điều chỉnh.

Chưa tăng tỷ lệ đóng BHYT đến năm 2020

Đây là những nội dung mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt ra trong buổi làm việc ngày 9.4 với BộY tế, BHXH Việt Nam vàmột sốBộ, ngành liên quan về việc sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ- CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế, sửa đổi Thông tư liên tịch số 37/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ y tế, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018-2020.

Trong thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố bội chi Quỹ BHYT, Bộ Y tế cho rằng, một phần là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí khám chữa bệnh, vì mức đóng trước đây là 3% lương phù hợp với mức thu một phần viện phí; mức đóng 4,5% lương phù hợp với mức giá chỉ tính chi phí trực tiếp chưa có tiền lương. Khi xây dựng và ban hành Luật BHYT cũng đã tính toán và dự báo mức đóng phải là 6% lương thì mới phù hợp với mức giá tính đủ chi phí nên đã quy định mức đóng tối đa là 6% lương (nhiều nước có thu nhập rất cao nhưng mức đóng BHYT cũng từ 9 - 13%).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, Chính phủ chưa có chủ trương điều chỉnh tăng mức đóng BHYT cho tới năm 2020. Do đó, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cần phải tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT; đảm bảo sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả và giảm tiền túi cho người dân.

Theo Bộ Y tế, quý I/2018, có 14 tỉnh thực hiện giá khám chữa bệnh có tiền lương đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT. Dự kiến từ ngày 1.7.2018, sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ; trong năm 2018 sẽ xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng) và chi phí quản lý. Do đó mức giá có thể sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5 - 8%, tác động đến việc tăng chi của Quỹ BHYT khoảng 3.000 - 4.000 tỉ đồng/năm. “Nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày, giường bệnh… Số dư năm 2018 chuyển sang năm 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng thì Quỹ vẫn có khả năng cân đối đến năm 2020”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Sẽ điều chỉnh từ 18.000 xuống còn 2.000- 3.000 dịch vụ y tế

Phó Thủ tướng cho rằng, đến nay sau gần hai năm thực hiện Nghị định 105 mà Bộ Y tế chưa trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định này là chưa được trong khi lộ trình xã hội hoá dịch vụ công đang đến gần. “Thông tư 37 đánh dấu sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho bằng với thực tế, nhưng có một số dịch vụ lại tăng quá đà, tăng quá cao so với chất lượng chung. Các nước phát triển chỉ có 2.000 – 3.000 dịch vụ y tế trong khi Việt Nam có tới 18.000 dịch vụ y tế. Vì vậy, chúng ta cần phải nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan phải thực hiện việc triển khai đấu thầu tập trung thuốc, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược không cần thiết, tiến tới đấu thầu vật tư y tế..., giảm giá một số danh mục khám chữa bệnh ở Thông tư 37 không phù hợp với chất lượng nhằm giảm chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo cân đối Quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những bất hợp lý về giá DVYT tại Thông tư 37 đã dẫn tới chi phí KCB BHYT tăng cao. Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã có nhiều cuộc họp bàn về việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh lại giá trong Thông tư 37. Theo đó, quá trình sửa đổi Thông tư được đềxuất tiến hành theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽhoàn tất trong tháng 5.2018, hướng dẫn thanh toán chi phí KCB của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng) đối với các đơn vịcó số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá. Khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ như: X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm. Giai đoạn 2, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện có, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ. Về việc xác định số ngày điều trị nội trú sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng theo hướng: các trường hợp nặng phải chuyển tuyến hoặc chuyển tuyến dưới, chuyển sang cơ sở khác, thì số ngày điều trị = ngày ra - ngày vào + 1; còn các trường hợp khác thì số ngày điều trị = ngày ra – ngày vào thay vì cách tính ngày như hiện nay làm đội số ngày và trùng hợp ngày thanh toán giữa các bệnh viện.

Đồng ý với đề xuất này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải hoàn tất giai đoạn một của việc sửa đổi Thông tư 37 trước ngày 15.5.2018. 

 QUỲNH HOA

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top