Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phiên tòa xét xử vụ án chạy thận, luật sư của bác sĩ Hoàng Công Lương: Bộ Y tế đã “biên tập” câu hỏi của cơ quan điều tra

Thứ Hai 28/05/2018 | 15:00 GMT+7

VH- Trong phiên xử sáng 28.5, luật sư Trần Hồng Phúc - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Hoàng Công Lương đã có phần bào chữa dài hơn một tiếng đồng hồ. Trong đó, luật sư Phúc đã chỉ ra lỗi nghiêm trọng của Bộ Y tế trong công văn trả lời cơ quan điều tra công an tỉnh Hòa Bình. Từ lỗi này dẫn đến kết luận điều tra khẳng định bác sĩ Hoàng Công Lương có hành vi thiếu trách  nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đã truy tố bác sĩ Lương về tội danh này.

Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho bị cáo tại Tòa

“Chính Bộ Y tế đã buộc tội các bị cáo”

Luật sư Phúc đã nêu luận cứ tại Tòa: Để làm sáng tỏ vấn đề bác sĩ Lương có lỗi hay không, cơ quan điều tra đã có văn bản gửi Bộ Y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã không trả lời đúng những câu hỏi tham vấn của cơ quan điều tra mà tự ý biên tập lại câu hỏi và trả lời theo ý của mình.

Cụ thể, trong 6 câu hỏi thì câu hỏi thứ 4 có nội dung là: "Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2, có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?". Thế nhưng, khi đối chiếu văn bản của cơ quan điều tra với Công văn số 4342 của Bộ Y tế, luật sư Phúc nhận thấy đã xuất hiện thêm thuật ngữ AAMI ở phần câu hỏi. Cụ thể, câu hỏi đã được chỉnh sửa thể hiện trong công văn số 4342 của Bộ Y tế là: "có nhất thiết phải xét nghiệm, kiểm tra chất lượng nước phù hợp với tiêu chuẩn AAMI hay không?".

Sau khi tự ý thay đổi nội dung câu hỏi, tại Công văn này, Bộ Y tế đã khẳng định: “Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, để bảo đảm chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng chạy thận nhân tạo cho người bệnh nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra xem chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI trên đây hay không”.

Đối với câu hỏi thứ 5 của cơ quan điều tra là: "Việc sửa chữa, bảo dưỡng đối với hệ thống lọc nước RO có quy định cụ thể và quy trình không và quy định bằng văn bàn nào?"  thì trong văn bản trả lời của Bộ Y tế không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi. Điều dễ hiểu ở đây là sau khi sự cố nghiêm trọng do chạy thận nhân tạo xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình được gần 1 năm thì tháng 4.2018, Bộ Y tế mới quyết định ban hành 52 quy trình, trong đó có 7 quy trình liên quan lọc nước RO.

Bức xúc về công văn trả lời của Bộ Y tế, luật sư Trần Hồng Phúc đã khẳng định: Chính Bộ Y tế đã buộc tội các bị cáo đang ngồi đây bởi vì Bộ Y tế đã tự ý biên tập lại các câu hỏi của cơ quan điều tra và trên cơ sở đưa vào những nội dung không đúng với vấn đề được hỏi. Điều này khiến công văn của Bộ Y tế trở thành văn bản được sử dụng để "định tội" cho 3 bị cáo gồm: Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn. 

Tiêu chuẩn AAMI là gì và có cần xét nghiệm AAMI trong trường hợp này không?

Trình bày trước Tòa, luật sư Phúc cho biết, AAMI không phải là cái xét nghiệm mà là bộ tiêu  chuẩn của Hiệp hội Vì sự phát triển thiết bị y tế của Mỹ. Bộ tiêu chuẩn này hơn 60 trang bằng tiếng Anh, không chỉ đề cập đến xét nghiệm AAMI mà để đạt chuẩn AAMI thì còn cần rất nhiều tiêu chuẩn khác, từ khâu thiết kế của hệ thống RO, than hoạt tính, độ to, nhỏ của thạch anh, của cát, sỏi đến các vấn đề về lõi lọc, đường ống... Do vậy, nếu coi AAMI là tiêu chuẩn để xét nghiệm và kiểm tra các chỉ số lý hóa và vi sinh là chúng ta đang có sự nhầm lẫn và chỉ nhìn nhận phần ngọn mà chưa nhìn nhận phần gốc.

Luật sư Phúc cũng khẳng định, trong suốt quá trình xét xử, bác sĩ Hoàng Công Tình, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho rằng, sau khi sửa chữa hệ thống RO thì việc xét nghiệm AAMI là không cần thiết. Tương tự, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và ông Đô  Đình Vận, Phó giám đốc Bệnh viện cũng khẳng định, từ trước đến nay, Đơn nguyên thận nhân tạo chưa ngừng chạy thận ngày nào, trong khi đó thời gian để có kết quả xét nghiệm AAMI là 14 -15 ngày. Trong thời gian chờ đợi đó sẽ phát sinh vi khuẩn trên hệ thống và lại phải xét nghiệm tiếp. Do đó, chỉ cần xét nghiệm tồn dư hóa chất ngay tại chỗ.

Một trong những căn cứ để Viện Kiểm sát luận tội bác sĩ Hoàng Công Lương là do chủ quan, không kiểm tra xem đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước hay chưa nhưng đã ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân (xét nghiệm ở đây là xét nghiệm để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI). Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra các chết cho 9 bệnh nhân và làm tổn hại sức khỏe của 9 bệnh nhân khác là do tồn dư hóa chất trong nước. Theo luật sư Phúc, xét nghiệm tồn dư hóa chất là xét nghiệm độc lập với AAMI sau sửa chữa, nhưng chỉ đơn giản bằng que thử và chỉ mất vài phút.

Chính vì vậy, luật sư Phúc khẳng định, việc kết tội bị cáo Hoàng Công Lương là không có căn cứ pháp lý.

 Hoàng Hương

 

 

 

 

 

 

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top