Tranh cãi quyết liệt về trách nhiệm bồi thường

VH- Phiên xử sáng 29.5.2018 lại nóng lên khi luật sư Nguyễn Tiến Thủy, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn đưa ra các luận cứ nhằm làm rõ hợp đồng lao động của Trần Văn Sơn là giả hay thật.

Tranh cãi quyết liệt về trách nhiệm bồi thường - Anh 1

Luật sư Hoàng Trung trong phiên tranh tụng sáng 29.5.2018

Xuất hiện nghi vấn làm giả giấy tờ

Trong phiên xử ngày 26.5.2018, khi  nói về tư cách của bị cáo Trần Văn Sơn trong vụ án này, luật sư Thủy cho rằng việc phân công công tác Sơn trong bệnh viện thời gian xảy ra sự cố là không hợp pháp bởi vì suốt mấy năm trời, Trần Văn Sơn không có một văn bản pháp lý nào chứng minh là nhân viên của Bệnh viện.

Luật sư Thủy chứng minh, năm 2013, sau khi được ủy quyền của Giám đốc Sở Y tế thì ông Trương Quý Dương  - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng lao động có thời hạn với Trần Văn Sơn từ ngày 01/8/2013 đến ngày 31/7/2015. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng này kết thúc, từ ngày đó đến nay không có hợp đồng nào được Bệnh viện ký tiếp theo với Trần Văn Sơn. Như vậy, Trần Văn Sơn không có bất cứ tư cách gì ở Bệnh viện Đa khoa  tỉnh Hòa Bình. Không có hợp đồng làm việc, về mặt pháp lý là Trần Văn Sơn không phải là người của bệnh viện quản lý.

Sau khi vấn đề Trần Văn Sơn có phải là nhân viên của Bệnh viện được đặt ra, luật sư Thủy đã được ông Đỗ Đình Vận – phó giám đốc Bệnh viện cung cấp cho một bản phô tô hợp đồng lao động giữa Trần Văn Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đồng thời ông Vận cũng cho luật sư Thủy xem bản chính của hợp đồng này (có dấu đỏ).

Trong phiên xử sáng nay, luật sư Thủy đã đề nghị  ông Đỗ Đình Vận xác nhận lại những văn bản này. Ông Vận cho biết, sau phiên xử 26.5, ông đã yêu cầu phòng Hành chính tổ chức của Bệnh viện xác minh  xem có hợp đồng lao động cùa Trần Văn Sơn không, và hai nhân viên của phòng Hành chính tổ chức là chị Vân Anh và anh Thái đã cung cấp cho ông bản hợp đồng này.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Danh Huế - đại diện cho Bệnh viện khẳng định là không có bản hợp đồng này.

Nghi ngờ bản hợp đồng được cung cấp là hợp đồng giả mạo, luật sư Thủy đã đề nghị bà Tới - trưởng phòng Hành chính tổ chức của Bệnh viện xác nhận ba con dấu đóng tại ba văn bản là: bản hợp đồng lao động của Trần Văn Sơn do ông Vận cung cấp; bản hợp đồng lao động giữa anh Trần Thanh Kiếm và Bệnh viện; bản hợp đồng do Bệnh viện ký với đơn vị khác. Bà Tới cho biết không thể xác nhận được bằng mắt thường, nhưng thừa nhận về kích thước thì con dấu đóng tại hợp đồng giữa bệnh viện và Trần Văn Sơn có khác so với con dấu đóng tại hai hợp đồng còn lại. Luật sư Thủy đề nghị làm rõ tính pháp lý của hợp đồng này.

Tranh luận xung quanh trách nhiệm bồi thường

Tranh luận về xác định trách nhiệm bồi thường, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại nêu quan điểm: Khi các bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để khám, chữa bệnh, tức là hai bên đã phát sinh hợp đồng dân sự. Bệnh nhân có nghĩa vụ chấp hành đúng mọi quy định của bệnh viện, ngược lại bệnh viện cũng phải thực hiện đúng nghĩa vụ với bệnh nhân và phải chịu trách nhiệm về những sự cố xảy ra tại bệnh viện. Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì Bệnh viện này phải chịu trách nhiệm bồi thường. Luật sư Trung đưa ra hai căn cứ: thứ nhất, căn cứ Điều 64 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quay định bị đơn dân sự là các cá nhân, cơ quan, tổ chức pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong vụ án này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là bị đơn dân sự duy  nhất nên phải có trách nhiệm bồi thường. Thứ hai, theo Điều 76 Luật Khám chữa bệnh quy định trường hợp cơ sở khám chữa bẹnh chưa mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thì phải tự bồi thường cho nạn nhân. 

Còn việc giữa Bệnh viện và Công ty Thiên Sơn là mối quan hệ khác. Do đó, luật sư Trung khẳng định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường cho các bị hại. Việc xác định Bệnh viện là nguyên đơn duy nhất phải bồi thường sẽ giúp cho việc bồi thường được nhanh chóng thực hiện, không kéo dài khiến quyền lợi của các bị hại không được bảo đảm.

Đồng ý quan điểm với luật sư Trung, đại diện Công ty Thiên Sơn cũng cho rằng công ty Thiên sơn không có trách nhiệm gì trong việc bồi thường vì sự cố xảy ra tại Bệnh viện và lỗi của bị cáo Quốc không liên quan gì đến công ty Thiên Sơn.

Tranh luận với quan điểm của đại diện bị hại và đại diện công ty Thiên Sơn, đại diện Bệnh viện là Luật sư Huế cho rằng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng là do lỗi của công ty Thiên Sơn như chúng tôi đã trình bày ở các phiên xử trước.

Theo quan điểm của Luật sư Huế, sự cố xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là do tồn dư hóa chất trong nguồn nước chạy thận, mà để tôn dư là do người của Công ty Thiên Sơn (bị cáo Quốc) chứ không phải do việc khám chữa bệnh gây nên, do đó Công ty Thiên Sơn phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Về trách nhiệm liên đới bồi thường, đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, buộc công ty Thiên Sơn phải liên đới trách nhiệm bồi thường. Viện kiểm sát xác định rằng đây là quan hệ dân sự nên các bên phải tôn trọng thỏa thuận. Tại phiên tòa này thì cả hai bên đều thừa nhận rằng có ký hợp đồng, có quan hệ giao dịch và Quốc đã thực hiện công việc với danh nghĩa Công ty Thiên Sơn. Do vậy, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm là công ty Thiên sơn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Hoàng Hương

Ý kiến bạn đọc