Tín hiệu khởi sắc cho âm nhạc cổ điển Việt Nam

VHO - Nhiều hoạt động âm nhạc cổ điển chất lượng tầm quốc gia và quốc tế đã và đang được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2024, tạo cơ hội để công chúng được thưởng thức những màn trình diễn đẳng cấp, đồng thời tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp của nhạc cổ điển, hàn lâm.

Tín hiệu khởi sắc cho âm nhạc cổ điển Việt Nam - Anh 1

 Nhiều chương trình hòa nhạc chất lượng được tổ chức đầu năm 2024

Thưởng thức hòa nhạc “xịn”

Ngày 21 và 22.4 tới, chương trình Four Season Concert do Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles, Pháp sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Đây là hòa nhạc mở màn cho chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế Musical Seasons 2024-2025 mang âm nhạc đỉnh cao đến gần hơn với công chúng Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung, thông qua các nghệ sĩ quốc tế danh tiếng trên thế giới.

Trên hành trình 300 năm chinh phục trái tim nhân loại, bản hòa tấu The Four Seasons của Antonio Vivaldi vẫn giữ nguyên sức sống mãnh liệt, đánh thức mọi giác quan và khơi gợi những cảm xúc sâu lắng. Dưới sự dẫn dắt tài ba của Chỉ huy Stefan Plewniak, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles và Soloist Théo Imart sẽ mang đến bức tranh thiên nhiên sống động, được vẽ nên bởi những thanh âm điêu luyện và khả năng diễn cảm tinh tế, dẫn dắt khán giả chiêm ngưỡng cảnh sắc rực rỡ của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông…

Màn trình diễn của các nghệ sĩ không chỉ khiến khán giả chờ đợi, mà chính các nghệ sĩ cũng háo hức trước sự kiện này. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng: Sự xuất hiện của chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế Musical Seasons 2024-2025 là tín hiệu đáng mừng. Việc đưa các tác phẩm kinh điển về Việt Nam biểu diễn là điều rất tốt vì đó là xu thế chung của thế giới. Những nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều đầu tư rất nhiều vào nghệ thuật hàn lâm. Những tác phẩm kinh điển như: Carmen, The Four Seasons, The Nutcracker (Kẹp hạt dẻ), Swan Lake (Hồ Thiên Nga)... được biểu diễn nhiều lần trong năm và khán giả hưởng ứng rất nhiệt tình, gần như không muốn bỏ lỡ bất cứ buổi nào. Ở Việt Nam cũng vậy, các tác phẩm này từng được diễn dù tần suất ít hơn ở các nước bạn, nhưng mỗi lần công diễn đều hết vé.

Bởi vậy, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh cho rằng, thật tuyệt vời khi lần này Việt Nam được đón chào các nghệ sĩ đến từ quốc gia “cha đẻ” của những tác phẩm kinh điển, giúp khán giả không chỉ được xem “hàng xịn” mà còn được kết nối với thế giới, được tương tác và tiếp xúc với chính cái nôi sản sinh ra các tác phẩm kinh điển đó.

“Với tư cách khán giả, tôi rất muốn đi xem các chương trình hòa nhạc này vì đó là cơ hội được tiếp xúc với các tác phẩm nguyên gốc của nước ngoài do các dàn nhạc đỉnh cao trình diễn. Dưới góc độ một người làm nghề, tôi mong muốn ngoài những tác phẩm kinh điển của nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, chúng tôi sẽ được tiếp cận cả với những tác phẩm từ nửa sau thế kỷ XX đến hiện tại”, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh nói.

Lan tỏa vẻ đẹp, sức mạnh của âm nhạc

Dàn nhạc Trẻ thế giới (World Youth Orchestra - WYO) cũng đang có chương trình tập luyện và biểu diễn cùng các thành viên Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAMYO). Đến Việt Nam lần này, Nhạc trưởng Damiano Giuranna và 45 thành viên của WYO từ các nước như Đức, Ba Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Italia, Anh, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc, Pháp, Nga… cùng kết hợp với 25 thành viên được đào tạo từ trung cấp đến đại học của VNAMYO để mang đến những phần biểu diễn ấn tượng.

“Sau khi các sáng kiến được triển khai thành công ở Albania, Iran, Israel, Palestine, Maroc, Lebanon, Hoa Kỳ…, Dàn nhạc Trẻ thế giới đã đến Đông Nam Á, vùng đất có nền văn minh hàng nghìn năm. Trung thành với sứ mệnh của mình, WYO nghiên cứu và nâng cao tính chuyên nghiệp, truyền thống văn hóa của địa phương, mang lại sức sống cho những trải nghiệm nghệ thuật liên kết truyền thống với tính đương đại…”, Chủ tịch Quỹ Dàn nhạc trẻ thế giới Adolfo Vannucci cho biết.

Tại Việt Nam, WYO sẽ có nhiều hoạt động, đáng chú ý là hòa nhạc Đêm Thăng Long diễn ra tối 6.4 tại Phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và chương trình Gala Opera Puccini diễn ra ngày 10.4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển cùng các tiết mục đặc sắc, đỉnh cao của các nhà soạn nhạc lỗi lạc thế giới như P.Tchaikovsky, G.Rossini, G.Puccini... và của các nhà soạn nhạc Việt Nam như Đặng Hữu Phúc, Trần Mạnh Hùng…

Bên cạnh đó, các hoạt động sân khấu Đối thoại âm thanh khám phá và làm phong phú thêm cuộc đối thoại liên văn hóa giữa Italy và Việt Nam; chương trình WYO4CHILDREN hướng tới trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi tại TP Hồ Chí Minh và nhằm thúc đẩy sự phát triển về mặt cảm xúc, cá nhân và xã hội của các em thông qua âm nhạc… cũng được tổ chức.

Trước đó, trong tháng 3, Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Việt Nam (Vietnam Classical Music Festival - VCMF) đã diễn ra tại Đà Lạt với chủ đề Hòa quyện âm thanh. Lễ hội quy tụ hơn 100 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và thế giới, với 17 buổi diễn, 3 hội thảo, masterclass tại 5 địa điểm trải dài trong thành phố, nhằm mở ra không gian thưởng thức nghệ thuật hàn lâm đỉnh cao và đa dạng.

VCMF không chỉ là nơi hội tụ của các nghệ sĩ tài năng đến từ Việt Nam và quốc tế như Tim Allhoff, Kyle Acunicus cùng những tập thể âm nhạc có uy tín như Sông Hồng Ensemble, Schubert in a Mug, Vietnam Youth Music Institute (VYMI), mà còn là bệ phóng cho những tài năng trẻ như Ngũ tấu kèn gỗ The 6th floor, Tứ tấu Beethoven Piano Quartet và Tam tấu Milhaud Trio…

Giám đốc âm nhạc của chương trình, nghệ sĩ Cello Phan Đỗ Phúc chia sẻ: “VCMF 2024 mang đến cơ hội để khán giả và những người làm nghệ thuật khám phá âm nhạc cổ điển qua góc nhìn mới mẻ, với sự kết hợp của những giá trị nghệ thuật truyền thống và các thử nghiệm không gian biểu diễn độc đáo”.

Nhiều chương trình của các dàn nhạc, nghệ sĩ trong nước và quốc tế, ra mắt tác phẩm cũng như các hoạt động cộng đồng về âm nhạc cổ điển… đã và đang được tổ chức ngày càng rộng rãi, mang tới không gian âm nhạc đa dạng, phong phú. Có thể thấy, âm nhạc cổ điển Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, hòa vào dòng chảy chung của âm nhạc thế giới. 

 TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc