Còn hơn 50% di tích chưa được lập hồ sơ xếp hạng di tích ở Hà Nội

VH- UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học lịch sử VN vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Thủ đô Hà Nội. Dẫn đầu cả nước về số lượng di tích nhưng vẫn còn đó gần 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích…

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Vài năm trở lại đây, thủ đô Hà Nội đã được mệnh danh là Thành phố di sản”. Theo kết quả kiểm kê gần nhất là năm 2016, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có 13 di tích, cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích quốc gia, 1.202 di tích được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố. Trong số các di sản được UNESCO ghi danh ở VN, Hà Nội có 1 di sản văn hóa thế giới, có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 1 di sản tư liệu thế giới… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có 12 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là địa phương có số lượng di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, lập phiếu kiểm kê lớn nhất nước. Cụ thể, Sở VHTT Hà Nội đã xuất bản cuốn Atlas Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể năm 2016. Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện, lập phiếu kiểm kê, trải rộng trên 300 xã, phường, thị trấn với đầy đủ 6 loại hình di sản được UNESCO phân loại, nhận diện kiểm kê, Hà Nội đã có bước đi đầy chắc chắn, làm cơ sở ban đầu cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhìn nhận: “1.793 di sản này sẽ góp phần to lớn, là nền tảng văn hóa đảm bảo một nền giáo dục có chất lượng của xã hội phát triển toàn diện, đảm bảo mọi người đi học đều đạt được kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát huy, phát triển bền vững”.

Thực tế, hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng của Hà Nội đã và đang trở thành nguồn nội lực to lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội thủ đô. Chỉ tính riêng năm 2017, khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Hà Nội tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ du lịch như Đền Ngọc Sơn đón khoảng 925 nghìn lượt khách, thu vé đạt khoảng 27 tỉ đồng; khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 1,9 triệu lượt khách, thu vé đạt khoảng 46 tỉ đồng… Với 1.264 làng nghề, Hà Nội cũng là nơi tập trung làng nghề đông đúc nhất nước. GS.TS Trương Quốc Bình khẳng định: “Nhiều làng nghề thủ công truyền thống chẳng những được phục hồi mà còn đã và đang phát triển mạnh mẽ. Không ít lễ hội dân gian được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc…”.

Tuy vậy, với số lượng di sản văn hóa đồ sộ cũng đặt ra cho Hà Nội không ít khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, đầu tư, bảo tồn và phát huy di sản. Trong các năm từ 2010 đến 2012, tổng mức đầu tư cho tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia và di tích được thành phố Hà Nội xếp hạng có tổng mức đầu tư là 2.950 tỉ cho 675 di tích. Riêng năm 2015, ngân sách của Hà Nội và nguồn xã hội hóa cũng đã đầu tư khoảng 445 tỉ cho công tác tu bổ, tôn tạo hơn 100 di tích. Hiện trên địa bàn thủ đô ước tính có khoảng 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ, 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình và 166 di tích hiện có hộ dân sinh sống trong khuôn viên di tích, lấn chiếm di tích…

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: “Số lượng di tích đồ sộ, nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng di tích còn chưa tương xứng, còn trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa…”. 

 Bài, ảnh: PHÚC NGHỆ

Ý kiến bạn đọc