Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trưng bày "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”: Những hiện vật đơn sơ và cảm động

Thứ Sáu 17/05/2019 | 09:59 GMT+7

VHO- Từ ngày 17.5 đến hết tháng 8.2019, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, giới thiệu gần 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh giá trị. Đây là hoạt động kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2019); 50 năm thực hiện Di chúc của Người và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 Tượng “Chân dung Bác Hồ”, tác phẩm của bà Nguyễn Thị Kim, nữ họa sĩ điêu khắc đầu tiên của Việt Nam được trực tiếp nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946

 Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, gần 200 tài liệu, hiện vật, ảnh tiêu biểu được lựa chọn trưng bày thể hiện hai nội dung: Hồ Chí Minh - trọn đời vì nước vì dân và Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại. Trưng bày thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và sau khi đất nước giành được độc lập. Tại trưng bày, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử vô giá, tiêu biểu như bản thảo, bút tích, các bài báo, tác phẩm... do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hoặc đánh máy trên nhiều loại giấy khác nhau. Trong đó có một số hiện vật là Bảo vật quốc gia như sách “Đường Kách mệnh”, tác phẩm “Ngục trung nhật ký”, bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”...

Những dấu mốc trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người cũng được tái hiện lại một cách hệ thống, nhiều hình ảnh lịch sử giá trị được trưng bày như Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng nhà Rồng (Sài Gòn) đi tìm đường cứu nước, ngày 5.6.1911 (ảnh chụp tranh vẽ); Bản chụp yêu sách tám điểm của Nguyễn Ái Quốc và một nhóm người Việt Nam yêu nước; Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, thành phố Tua, tháng 12.1920; Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3.2.1930 (ảnh chụp tranh vẽ); Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2.9.1945. Tượng “Chân dung Bác Hồ”, tác phẩm của bà Nguyễn Thị Kim, nữ họa sĩ điêu khắc đầu tiên của Việt Nam được trực tiếp nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1946 cũng là một hiện vật điểm nhấn được trưng bày.

Cũng theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày sẽ mang đến nhiều cảm xúc đối với đông đảo người xem về cuộc sống giản dị mà gần gũi của Bác Hồ, thông qua những hiện vật như đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của Người gồm vali, bát đũa, nồi cơm, hòn đá, quần áo, máy chữ... Sưu tập đồ dùng sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Người là một trong những nội dung được thể hiện ấn tượng tại trưng bày. Chiếc va li mây, nồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh mang từ Trung Quốc về, được Người sử dụng trong thời gian sống và hoạt động ở hang Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, năm 1941; chiếc lọ, đôi đũa Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng đựng nước và ăn cơm trong hang Pắc Bó năm 1941... là những hiện vật đơn sơ, mộc mạc nhưng đã khắc họa sinh động cuộc sống giản dị mà vĩ đại của Người.

Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu những hiện vật đặc biệt, thể hiện tình cảm và sự gắn bó của Bác Hồ với nhân dân như chiếc khăn quàng, Bác đã dùng và tặng lại cho ông Thủy Bách (cần vụ của Người khi ở Pắc Bó); quần áo Bác đã mặc ở Việt Bắc, sau đó Người tặng cho ông Mã Sơn ở xã Hồng Việt, huyện Hòa An, Cao Bằng. Triển lãm cũng trưng bày những món quà tặng, những hiện vật thể hiện tình cảm kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với Người như chiếc túi đồng bào dân tộc ở chiến khu Việt Bắc tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động ở đây, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; ấm sắc thuốc của bà Hoàng Thị Đậu ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dùng sắc thuốc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị ốm, tháng 5.1945; bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí tù nhân ở Côn Đảo kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1954; khăn của Chi hội Đồng Tiến, Đồng Hỷ, Thái Nguyên tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1955; khăn của đồng bào Thái kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1955; cờ của đồng bào Gia Rai kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1955; bức thêu của phụ nữ xóm Nầm Sất, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1955...

Quà tặng của Chính phủ, nhân dân thế giới như lục bình, tượng gỗ, bộ đồ ăn bằng bạc, bình đựng rượu, mô hình tháp Eiffel... cũng là nội dung được khắc họa ấn tượng, thể hiện tình cảm ngưỡng mộ của thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về cuộc sống giản dị, chí công vô tư của một người cộng sản. Qua đó, nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay, góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”. 

HOÀNG NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top