Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tăng tuổi nghỉ hưu thế nào cho “hợp lòng” các bên?

Thứ Hai 20/05/2019 | 10:18 GMT+7

VHO- Dự thảo Bộ luật Lao động dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong tháng 5 này. Một trong nhiều vấn đề được phía doanh nghiệp, người lao động quan tâm là tăng tuổi nghỉ hưu và tăng như thế nào để phù hợp với đặc trưng từng ngành, nghề, lĩnh vực lao động. 

Tại Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã ghi nhận nhiều ý kiến của người lao động và đại diện công đoàn các doanh nghiệp về nỗi lo lắng khi phải làm việc tới 60 tuổi ở nữ và 62 tuổi ở nam giới. 

Lao động ngành Dệt may lo lắng khi phải làm việc đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu 

15 năm chưa thấy giáo viên mầm non về hưu đúng tuổi 
Là người làm việc 15 năm tại Trường Mẫu giáo Việt Triều (Hà Nội), bà Đinh Bích Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng ngày mỗi giáo viên mầm non phải có mặt từ 7h – 7h30 và rời trường lúc 17h30. Mỗi sáng cho các cháu tập múa hát, đến giờ ăn trưa, cho các cháu ngủ, chiều lại cho các cháu ra ngoài hoạt động ngoài trời… Cứ như thế, ngày làm việc của các giáo viên mầm non là rất vất vả. “Từ khi vào làm việc tại trường, tôi chưa thấy giáo viên nào nghỉ hưu đúng tuổi 55, các cô về hưu trước tuổi và có thể về kinh doanh tại gia đình. Vì vậy trước áp lực công việc ngày càng cao, cường độ công việc nhiều thì tăng độ tuổi về hưu đối với giáo viên mầm non là không hợp lý, mà cần có chính sách linh hoạt tuổi nghỉ hưu với từng ngành nghề”, bà Hà nêu ý kiến. 
Không chỉ nghề giáo viên mầm non, nhiều công nhân trong lĩnh vực dệt may, linh kiện điện tử cũng chia sẻ những khó khăn khi làm việc ở tuổi cao. Chị Nguyễn Thị Huyền, đại diện cho hơn 10.000 công nhân may của Công ty TNG (Thái Nguyên) cho biết, chị năm nay 48 tuổi nhưng làm việc không thể nhanh bằng lớp trẻ mới vào, nếu tính theo năng suất lao động thì lương không thể cao bằng, đây cũng là một nghịch lý. Ngoài ra, công nhân dệt may trừ thời gian nghỉ giải lao thì phải ngồi hàng giờ liên tục, mờ mắt nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó cho công nhân. Đại diện lao động ngành linh kiện điện tử, bà Phạm Hải Hà, Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp tại KCN Quang Minh cho hay, ngành điện tử đòi hỏi công nhân phải có đôi mắt tinh, đứng suốt thời gian làm việc, giải lao mới được ngồi. Do đó, người lao động muốn các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quy định đặc thù về tuổi nghỉ hưu cho từng đối tượng. 
Đồng tình với quan điểm của người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng tỏ ra băn khoăn với một số ngành nghề nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 (nữ) và 62 (nam). Ông cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động cho phép người làm công việc đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng công nhân làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lại không thuộc đối tượng này. Thực tế hiện nay không có người lao động trực tiếp về nghỉ hưu đúng tuổi, chủ yếu nghỉ sớm nên hưởng lương hưu rất thấp. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đề nghị bổ sung một số ngành nghề đặc biệt bên cạnh các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vào dự thảo Bộ luật Lao động. 
Có thể không lựa chọn phương án nào? 
Dự thảo luật đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra để lấy ý kiến. Theo đó, phương án 1, kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Phương án 2: kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ. Các chuyên gia cho rằng, với phương án 1, lao động nữ sẽ có độ trễ 15 năm và nam có 8 năm để hoàn chỉnh được tuổi nghỉ hưu là 60 và 62; thị trường lao động có cơ hội điều chỉnh thuận lợi. Nếu thực hiện phương án 2, thời gian để thực hiện hoàn chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nhanh hơn (6 năm đối với nam để tăng 2 tuổi và 10 năm với nữ để tăng 5 tuổi) nhưng lại gây sốc cho người lao động và tác động không tốt tới thị trường việc làm. Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu chậm để đảm bảo tính bền vững và không gây sốc cho các quan hệ lao động, thị trường lao động. 
Hiện Ban soạn thảo đang gấp rút lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ tác động tới nhiều đối tượng trong xã hội, nhưng không thể có một phương án nào hoàn thiện cho tất cả mọi đối tượng. Đây là một bài toán khó và cơ quan soạn thảo đang đứng ở tình thế khó khăn. Vấn đề đặt ra là tư duy của người lao động thường muốn nghỉ làm việc sớm, nếu cho họ quyền được lựa chọn nghỉ việc sớm thì sẽ tác động tới thị trường lao động, không khuyến khích được phát triển doanh nghiệp. Nhưng câu chuyện bàn hôm nay, nếu lựa chọn phương án 1 thì lộ trình tới năm 2036 mới chính thức tăng tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 60 và 62. 
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giải quyết được nhiều vấn đề xã hội như thị trường lao động khi dân số Việt Nam bước sang tuổi dân số già, chính sách an sinh xã hội, người lao động về hưu với mức lương thấp... Đánh giá thực trạng hiện nay, mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu nam 60 và nữ 55 nhưng bình quân tuổi làm việc của cả hai giới đạt 54. Rõ ràng chúng ta đang về hưu không đúng với quy định hiện hành. Quốc hội vẫn đang lắng nghe ý kiến các bên từ doanh nghiệp, người lao động… và chưa nghiêng về phương án nào, có thể là phương án 1, phương án 2 hoặc không phương án nào bằng cách kéo dài hoặc rút ngắn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. 

 QUỲNH HOA 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top