Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đừng đánh đổi nữa, Hà Giang ơi!

Thứ Hai 28/10/2019 | 11:18 GMT+7

VHO- Cậu tôi hè vừa rồi ở quê ra Hà Nội chơi, cả nhà có nhã ý mời cậu tham quan vịnh Hạ Long nhân dịp diễn ra một chương trình nghệ thuật lớn ở đây, cậu từ chối: “Thôi, cho cậu đi chùa Hương, Hạ Long cậu đi một lần rồi”. Khi thắc mắc cậu đã đi chùa Hương nhiều lần, hơn nữa đây không phải thời điểm lễ hội chùa Hương, không ngờ cậu bảo: “Chơi là phụ, đến chùa thắp hương là chính”.

Nghiệm ra tâm thế du lịch của cậu tôi cũng là xu hướng của phần lớn du khách hiện nay. Cho dù điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng thường tham quan một vài lần trong đời. Trái lại, với những điểm du lịch tâm linh có thể đi đều đặn, nhất là vào thời điểm đầu năm.

 Việc tổ chức nhiều tour du lịch tâm linh, nhất là gần đây xây dựng nhiều khu du lịch tâm linh đã phần nào đáp ứng nhu cầu của du khách. Thế nhưng không ít doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để trục lợi thì không thể chấp nhận được.

Chúng tôi đang muốn nói đến công trình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh ở Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Trả lời báo chí, đại diện Tập đoàn Phúc Lộc Hà Giang (chủ đầu tư dự án) lớn tiếng cho rằng: “Thành ý của doanh nghiệp muốn xây dựng một công trình cột mốc văn hóa để giữ chủ quyền đất nước” (?!).

Thành ý “làm công quả” nhiệm vụ chính trị và văn hóa của chủ công trình sao mà lớn lao, vĩ đại.

Chủ quyền ư? Dư luận đang lo lắng và đặt dấu hỏi liệu cột mốc chủ quyền thực thụ của Tổ quốc là Cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi Rồng kia có bị ảnh hưởng bởi công trình phá núi nằm sát đó hay không?

Văn hóa ư? Văn hóa hay phản văn hóa khi công trình trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh, “ăn” một phần vào khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng lại “phớt lờ” khuyến cáo của Bộ VHTTDL?

Tâm linh ư? Sao không khai thác chính tín ngưỡng, tâm linh của chính người dân bản địa mà lại đưa tín ngưỡng, tâm linh ở nơi khác đến?

Sinh thái ư? Chẳng lẽ một dự án khoét núi, phá nát cảnh quan môi trường, phá vỡ môi trường và làm đảo lộn cuộc sống của người dân bản địa lại dễ dàng gắn cho hai chữ “sinh thái” như thế sao?

Còn nhớ, những người cho nổ mìn xây hàng chục chùa giả, động rởm ở chùa Hương (HàTây cũ) trước đây hay những doanh nghiệp tự ý lấp biển Danh lam thắng cảnh quốc gia vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), phá núi Cái Hạ ở Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) gần đây chẳng đã từng hùng hồn với những tuyên ngôn xanh rờn như thế.

Thôi xin đừng đao to búa lớn nữa một khi đã không tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng, không thượng tôn pháp luật. Nếu cứ mang danh “văn hóa”, “tâm linh” mà bạt núi, lấp biển, xâm phạm di sản, danh lam thắng cảnh quốc gia thì đó là xây dựng hay trục lợi? Lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy họa cho đất nước.

Trách doanh nghiệp, nhưng trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở đâu? Không biết, dung túng hay phớt lờ ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng trung ương? Hà Giang đã lập kỷ lục Guinness khi chỉ trong vòng vài ba năm trở lại đây có đến ba công trình phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến di tích quốc gia, không được người dân ủng hộ: Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, thang máy lên núi ở Đồng Văn, công trình phá núi xây chùa ở Lũng Cú và còn công trình nào chưa bị phát hiện? Cả ba “kỷ lục” đều có điểm chung: Chưa tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng và bị Bộ VHTTDL “tuýt còi” nhiều lần.

Cuộc sống nơi phên dậu của Tổ quốc còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc lập các dự án kêu gọi đầu tư vào Hà Giang là hướng đi đúng, cần được khuyến khích. Nhưng trước hết và trên hết, các dự án đó phải tiến hành đúng trình tự thủ tục, tuân thủ pháp luật và được người dân bản địa đồng thuận, ủng hộ. Thế nhưng…

Trả lời Văn Hóa ở số báo này về dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo VN khẳng định: “Chúng ta không đánh đổi di sản, những giá trị thiêng liêng cho những lợi ích trước mắt. Nếu không bảo vệ di sản thì làm sao chúng ta có thể giữ gìn được những tài nguyên vô giá cho các thế hệ sau”.

Vậy đó. Đừng đánh đổi nữa, Hà Giang ơi!

PHAN THANH NAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top