Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Liên thông thư viện số ở Việt Nam: Một số vấn đề về công nghệ

Thứ Hai 28/10/2019 | 10:00 GMT+7

VHO-Thư viện số là một trong những phương thức hoạt động mới so với thư viện truyền thống, đây là một xu thế tất yếu trong việc cung cấp tri thức một cách có hệ thống đến người đọc. Định hướng và danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2017, thư viện số là một trong những lựa chọn ưu tiên để phù hợp với xu thế phát triển của lĩnh vực thư viện trong Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực thư viện như: Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000, Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện, Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL ngày 8 tháng 12 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện, Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu thì chưa có khái niệm về thư viện số và liên thông thư viện.

Phòng đọc điện tử của Thư viện Quân đội. Ảnh: T.L

 Tuy nhiên, theo dự thảo lần 5 của Luật Thư viện trình Quốc hội cho ý kiến, hai khái niệm trên đã được định nghĩa như sau: Thư viện số là thư viện có vốn tài liệu số với chất lượng đảm bảo, được tạo lập, quản lý theo các nguyên tắc quốc tế và có các dịch vụ cần thiết tạo điều kiện cho người sử dụng tìm kiếm và khai thác thông qua máy tính, thiết bị điện tử và không gian mạng. Liên thông thư viện là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả vốn tài liệu, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm của thư viện. Tuy Luật Thư viện chưa được ban hành nhưng việc luật hóa hoạt động thư viện số ở Luật này là một bước tiến phù hợp với xu thế phát triển của khoa học, công nghệ là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư.

Theo thống kê năm 2017, hệ thống thư viện cả nước có 18.097 thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở. Trong đó, có: 1 Thư viện Quốc gia, 63 thư viện tỉnh, thành phố, 663/713 quận, huyện có thư viện cấp huyện đạt tỷ lệ 93%; 2.716/11.164 cấp xã có tổ chức thư viện, đạt tỷ lệ 24,3% và với khoảng 14.606 phòng đọc, tủ sách cơ sở. Thư viện tư nhân: 48 thư viện. Thư viện chuyên ngành có gần 400 thư viện các trường đại học hoặc tương đương; thư viện các trường phổ thông các cấp khoảng 26.000 thư viện; Thư viện của doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác, bao gồm các loại hình kinh tế trên 100 thư viện; hệ thống thư viện khối lực lượng vũ trang nhân dân, riêng khối công an: 110 thư viện; 529 phòng đọc, 3.027 tủ sách.

Như vậy có thể nói rằng, vốn tài liệu thư viện ở hệ thống thư viện Việt Nam là rất đồ sộ, chứa đựng kho tàng tri thức có giá trị đối với người đọc ở trong và ngoài nước. Việc ứng dụng các công nghệ mới để tạo lập từng thư viện số đơn lẻ, kết nối giữa chúng thành một hệ thống liên thư viện để có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách thuận tiện, hợp lý đặt ra các vấn đề cần giải quyết. Trong đó nhiều vấn đề có thể được xử lý bằng các kỹ thuật, quy trình công nghệ. Một số vấn đề chính về công nghệ để có thể liên thông thư viện số như sau:   

1.Phần mềm

Hiện nay, phần lớn các thư viện cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành đã có phần mềm phục vụ công tác quản lý, tùy thuộc vào nhu cầu để các thư viện lựa chọn phần mềm phù hợp. Ví dụ phần mềm CDS/ISIS với hai chức năng chính xử lý tài liệu và tìm kiếm sách có trong thư viện; Libol với 5 phân hệ Quản lý, Bổ sung, Bạn đọc, Mượn trả và tra cứu OPAC; Phần mềm EMicLib gồm 8 phân hệ: Bổ sung, Biên mục, Quản lý Mượn trả, Quản lý Bạn đọc, Tra cứu OPAC, Quản lý Ấn phẩm định kỳ, Mượn liên thư viện, Quản trị hệ thống [1]. Các phần mềm này chủ yếu sử dụng để giải quyết các nghiệp vụ nội bộ cho mỗi thư viện mà chưa có khả năng liên thông các thư viện bằng phần mềm kết nối hoạt động trên môi trường internet. Đây là một trong những vấn đề quan trọng diễn ra trong thời gian dài, khi mỗi doanh nghiệp công nghệ sản xuất phần mềm cố gắng tự khai thác thế mạnh, giải pháp công nghệ của mình và xem đó như một “bí kíp” để tìm kiếm và giữ chân khách hàng. Điều này dẫn đến việc có nhiều phần mềm phục vụ hoạt động thư viện nhưng các phần mềm đó không “nói chuyện” được (liên thông được) với nhau.

2. Phần cứng

Một hệ thống thư viện số, phần cứng chủ yếu gồm: Hệ thống máy chủ lưu trữ và xử lý dữ liệu của vốn tài liệu thư viện dạng số, máy tính phục vụ quản lý và cung cấp dịch vụ của thư viện số, các thiết bị (có dây và không dây) và đường truyền giữa chúng. Hệ thống thư viện số có liên thông sẽ bao gồm các thư viện số thành phần được liên kết với nhau qua hệ thống đường truyền, việc thực hiện các giao tác liên thông thư viện sẽ do phần cứng xử lý theo các phần mềm lập trình sẵn đảm nhận.

Phần cứng của hệ thống thư viện liên thông sẽ bao gồm tổng thể phần cứng các thư viện số thành phần tham gia liên thông, ví dụ thư viện cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành. Quy mô hệ thống này tùy thuộc vào mô hình liên kết các thư viện số thành phần và hình thức thông tin dữ liệu cần xử lý liên thông. Đây là vấn đề lớn khi đặt ra mục tiêu xây dựng thư viện liên thông. Do đó, để tiết kiệm chi phí và tận dụng tối đa tài nguyên phần cứng của các thư viện thành phần trên cơ sở kết nối mạng (hoặc/và liên mạng) các giải pháp kỹ thuật kết nối bằng phần mềm đã được đặt ra.

3. Về kỹ thuật công nghệ kết nối liên thư viện

Hiện nay, khi công nghệ phần mềm phát triển mạnh, nhiều thuật toán, giải pháp tối ưu trong xử lý dữ liệu lớn (big data) như trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), máy học (machine learning), xử lý chuỗi khối (blockchain),... để phân tích dữ liệu liên quan đến vốn tài liệu thư viện như miêu tả dữ liệu (descriptive), chuẩn đoán dữ liệu (diagnostic), tiên đoán (predictive), quy luật dữ liệu (prescriptive)... Nhờ vậy mà các tiện ích dịch vụ của thư viện liên thông rất thuận lợi, phong phú, hiệu quả.

Mạng của hệ thống thư viện liên thông sẽ bao gồm nhiều nút mạng (trong trường hợp này là thư viện thành phần), các đường truyền kết nối và truyền dữ liệu dạng gói (package) theo giao thức TCP/IP. Hiện nay có hai loại mô hình xử lý dữ liệu đó là xử lý tập trung và xử lý phân tán. Mỗi mô hình đều có ưu nhược điểm và lợi thế riêng. Tuy nhiên, để tận dụng tài nguyên và đề cao tính làm việc độc lập của các nút mạng thì nên lựa chọn giải pháp xử lý phân tán cho thư viện có liên thông.

Các thư viện thành phần có thể vẫn sử dụng các phần mềm độc lập (ví dụ như CDS/ISIS, Libol, EMicLib...) nhưng phải có một modul sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về công nghệ phần mềm để có thể “giao tiếp” với các nút mạng (là các thư viện thành phần) khác tạo nên hình thức liên thông về giao thức để phần mềm có thể trao đổi trong suốt giữa các nút mạng. 

4. Tạo lập, lưu trữ và công bố vốn tài liệu thư viện trên môi trường số 

Hiện nay, vốn tài liệu tại các thư viện là rất đồ sộ, có thể lên đến hàng chục triệu đơn vị tư liệu, do đó nhu cầu tạo lập dữ liệu số là rất lớn.

Chỉ riêng Thư viện quốc gia Việt Nam đã có có hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và bộ sưu tập số trên 5 triệu trang tài liệu. Trong vốn di sản văn hiến to lớn đó, có sự góp mặt của các bộ sưu tập tư liệu quý giá từ thế kỷ 17 đến nay, như: 5.280 bản Hán Nôm viết tay; 68.500 bản tư liệu Đông Dương (trong đó có 1.700 tên báo-tạp chí); 3.996 tư liệu thời kỳ kháng chiến từ 1946-1954; Gần 1.580.000 bản sách, đây là bộ sưu tập các xuất bản phẩm Việt Nam, về Việt Nam được nộp lưu chiểu từ 1922 đến nay; 29.200 bộ luận án tiến sĩ của người Việt Nam bảo vệ trong nước và nước ngoài, của người nước ngoài bảo vệ tại Việt Nam; 500.000 đơn vị tư liệu nước ngoài thông qua trao đổi, nhận biếu tặng từ các thư viện, các cơ quan thông tin, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và ở Việt Nam; 9.000 tên báo, tạp chí trong nước và nước ngoài (tương đương với hơn 1.300.000 số báo, tạp chí).

Tuy nhiên, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng mới chỉ số hóa được trên 5 triệu trang tài liệu số về Luận án Tiến sĩ (4.500.000 trang), Sách Hán Nôm (147.955 trang), Sách Đông Dương (759.372 trang), Báo, tạp chí Đông Dương (283.841 trang), Sách tiếng Anh viết về Việt Nam (92.520 trang ); Bộ sưu tập Đĩa CD/DVD (3.500 đĩa).

Tùy thuộc hình thức tư liệu gốc (dạng giấy, dạng gỗ, văn bản viết trên lá cây, trên da, trên đất sét...) và mục đích sử dụng khi công bố/phổ biến chúng trên môi trường mạng để lựa chọn hình thức số hóa tạo lập, lưu trữ dữ liệu một cách phù hợp, đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

Trong bối cảnh môi trường internet có tính "xuyên biên giới" như hiện nay, việc liên thông thư viện số chủ yếu vẫn phụ thuộc phần lớn vào cơ chế hành chính và các chuẩn kết nối chung phù hợp với mô hình liên thông. Bởi vì khi cơ chế này được khơi thông thì việc tin học hóa theo chuẩn chung kết nối để đảm bảo tính liên thông sẽ được công nghệ phần mềm xử lý triệt để. Sự vướng mắc về cơ chế này có thể là: các quy định về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; các thủ tục hành chính để xác nhận sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; cơ chế quản lý mượn liên thư viện có thể phát sinh vấn đề chi phí để kiểm soát và cung cấp dịch vụ...

TS DƯƠNG VIẾT HUY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top