Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thảo luận về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1: Chậm triển khai 2 năm là mất một nhà ga

Thứ Tư 13/11/2019 | 10:19 GMT+7

VHO- Tại phiên thảo luận của Quốc hội vào sáng 12.11 về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhiều ý kiến đã đồng tình về chủ trương triển khai giai đoạn 1 của sân bay. Tuy nhiên các ý kiến cũng băn khoăn về lựa chọn nhà thầu, phương án huy động vốn, hiệu quả của dự án, kỷ luật tài chính cũng như chống tiêu cực, lãng phí…

 Trước khi vào thảo luận, các đại biểu tham quan sơ đồ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành Ảnh: TRẦN HUẤN

Góp ý cho báo cáo về dự án, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước đây đã đề ra hình bông sen. Riêng việc đấu thầu thi tuyển chọn phương án kiến trúc còn mất 2 năm thì giờ với việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho cảng hàng không có thể mất đến 2 năm nữa, lúc đó có bao nhiêu cơ hội đầu tư sẽ bị bỏ lỡ.

“Do hạn chế của hạ tầng cảng hàng không tại khu vực phía Nam mỗi năm chúng ta bỏ lỡ cơ hội đón thêm không dưới 20 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. 20 triệu lượt khách đem về doanh thu cho hãng hàng không, cho dịch vụ phụ trợ, cho du lịch, thương mại của nước ta hàng nhiều tỉ đồng. Như vậy, việc chậm triển khai dự án 2 năm là chúng ta mất một nhà ga, chậm triển khai 4 năm làm mất nguyên cả một cảng hàng không quốc tế Long Thành ở giai đoạn 1”, đại biểu Hải nói.

Cũng đồng tình với quan điểm cảng hàng không Tân Sơn Nhất bị quá tải, không thể đáp ứng được, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng hiện cảng hàng không này đã quá tải ở nhà ga và cả trên không. Do vậy, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải đảm bảo tiến độ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và hướng đến việc Việt Nam phải có một cảng hàng không đạt cấp cao nhất theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, đáp ứng cho trước mắt và lâu dài theo chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến “chỉ định thầu” đối với Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV). Theo đó, ACV sẽ lo các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; các công trình thiết yếu của Cảng hàng không; các công trình dịch vụ phụ trợ. Việc chỉ định thầu cho ACV được lý giải vì công ty này đang quản lý 21 sân bay, có đủ kinh nghiệm để quản lý; giảm thời gian đầu tư từ 1,5-2 năm (khởi công 2021 và đưa vào sử dụng 2025)…

Tuy nhiên trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã băn khoăn về năng lực của nhà thầu này. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói: “Tại trang 7 của Tờ trình cũng như trong hồ sơ dự án nói rằng “ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền”. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, mặc dù chỉ định cho ACV sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm đấu thầu nhưng việc giao cho ACV cũng chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải đi huy động của các tổ chức tài chính quốc tế. Mặc dù Nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng thủ tục để tiến hành huy động vốn của một doanh nghiệp nhà nước sẽ phức tạp hơn rất nhiều, phải tuân thủ những quy định, hơn nữa nếu xảy ra rủi ro cuối cùng Nhà nước vẫn phải gánh chịu bởi vì đây là một doanh nghiệp nhà nước.

“Thứ hai, cũng chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong việc đầu tư cảng hàng không và các doanh nghiệp tư nhân khác không có khả năng đầu tư về hàng không. ACV là một trong các doanh nghiệp đang có kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, có rất nhiều dự án và tư nhân đã được đầu tư chưa có kinh nghiệm vẫn thành công, điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một minh chứng cho thấy tư nhân đều có thể đầu tư cảng hàng không và đã hoàn thành trong một thời gian thần tốc, chất lượng không còn nghi ngờ gì khi Vân Đồn vừa được bình chọn là 1 trong số 6 sân bay đưa vào trong năm 2019 khai thác sân bay tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương”, đại biểu Cường nói.

Tuy nhiên ý kiến này sau đó đã bị đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phản biện lại: “Đại biểu cũng đặt ra câu hỏi Sungroup làm được sân bay Vân Đồn, tôi đặt ra câu hỏi tại sao ACV không làm được hơn Sungroup, bởi vì chúng ta có nguồn lực, có Quốc hội, có Chính phủ, có sự chỉ đạo, có nguồn lực, tại sao chúng ta không làm được? Làm với tinh thần quyết tâm như thế tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được”.

Góp ý về điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT phải lưu ý, chọn đúng doanh nghiệp, chọn đúng đối tượng, không để thất thoát vốn, không gây lãng phí, phải thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Hiện nay ACV đã có khoảng 25.000 tỉ đồng để tập trung cho sân bay quốc tế Long Thành và khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành. Hiện nay, tình hình tài chính của ACV tương đối tốt, mặc dù quản lý 21 sân bay, chỉ có 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế, ACV có một khoản lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỉ đồng”. 

 THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top