Bao giờ Văn chỉ An Bình được công nhận di tích?

VHO- Đó là nỗi niềm trăn trở của chính quyền và người dân địa phương khi hiện trạng của Văn chỉ An Bình ngày càng xuống cấp, đáng nói hơn, di tích đang bị người dân lấn chiếm để làm nhà kho chứa vật liệu, cây trồng...

Bao giờ Văn chỉ An Bình được công nhận di tích? - Anh 1

 Xây dựng cách đây hơn 80 năm, giờ đây gần như nhiều hạng mục của Văn chỉ An Bình có dấu hiệu sụp đổ vì mục nát

Mặc dù UBND xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn (Bình Định) đã có tờ trình cách đây gần 4 năm đề nghị lập hồ sơ công nhận Văn chỉ An Bình là di tích cấp tỉnh để bảo tồn và gìn giữ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy câu trả lời từ phía các ngành chức năng

Được biết, Văn chỉ An Bình được xây dựng vào năm 1939 để thờ Đức Khổng Tử và là nơi tập hợp các khoa bảng đã thành đạt, có trách nhiệm chăm sóc, khuyến khích, dìu dắt, bồi đắp thế hệ tiếp theo nhằm phát huy truyền thống hiếu học; đồng thời tôn vinh những người có thành tích học tập. Theo UBND xã Nhơn Phúc, Văn chỉ An Bình nằm ở thôn Mỹ Thạnh có diện tích 140 m2, thuộc bản đồ số 2, thửa đất 316. Qua thời gian đến nay văn chỉ đã xuống cấp và hư hỏng. Để bảo tồn và giữ gìn các công trình lịch sử văn hóa trên địa bàn xã, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần học tập trong nhân dân, vì thế UBND xã đã lập tờ trình đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét và công nhận Văn chỉ An Bình là di tích văn hóa cấp tỉnh, để từ đó có trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị về di tích.

Ông Tô Hồng Phương, Trưởng phòng VHTT thị xã An Nhơn xác nhận: “Cách đây gần 4 năm, đơn vị đã nhận được tờ trình của UBND xã Nhơn Phúc về việc đề nghị công nhận di tích nhà văn hóa tưởng niệm Văn chỉ An Bình, nhưng hiện nay đơn vị vẫn chưa trình cho cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh để đề nghị lập hồ sơ công nhận. Đơn vị đã trao đổi “bằng miệng” với Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng tỉnh hứa, sẽ thành lập đoàn xuống xã Nhơn Phúc để khảo sát Văn chỉ An Bình”. Chúng tôi đặt câu hỏi, một thời gian dài mà sao đơn vị chưa trình cho cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh để đề nghị lập hồ sơ công nhận, ông Phương chỉ nói: “Qua phản ánh của báo chí, giờ đơn vị sẽ trình văn bản đề nghị cho Bảo tàng tỉnh Bình định thành lập đoàn khảo sát, tiến hành làm hồ sơ công nhận”. Trong khi đó, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị chưa nhận công văn đề nghị nào từ UBND thị xã cũng như Phòng VHTT thị xã An Nhơn về việc đề nghị thành lập đoàn đến khảo sát Văn chỉ An Bình, từ đó tiến hành lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh. Tuy chưa công nhận di tích cấp tỉnh nhưng hiện nay cách tốt nhất để bảo vệ, giữ gìn Văn chỉ An Bình thì chính quyền địa phương nên quan tâm về cảnh quan, không để người dân lấn chiếm đất văn chỉ. Làm vậy, chúng ta sẽ ít nhiều giữ được hiện trạng di tích, làm cơ sở cho các ngành chức năng dễ dàng khảo sát, tiến hành làm hồ sơ công nhận di tích.

Từ câu trả lời của các ngành chức năng, chúng tôi trở lại địa phương và được ông Nguyễn Thanh Tư, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Phúc cho biết: Trước mắt, các ngành đoàn thể của địa phương sẽ vận động người dân không lấy chiếm đất Văn chỉ An Bình, xác định lại mốc giới văn chỉ cũng như bảo vệ các hiện vật và hiện trạng còn lại của văn chỉ; đồng thời, thông báo cho người dân sớm di dời các vật liệu đang để trong Văn chỉ An Bình. Có như vậy, sau này nếu được công nhận di tích cấp tỉnh thì việc trùng tu Văn chỉ An Bình sẽ dễ dàng hơn cho các ngành và địa phương.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc