Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đạo diễn phim "Ranh giới" Tạ Quỳnh Tư: Có ý kiến cho rằng tôi đã cường điệu hóa

Thứ Năm 09/09/2021 | 20:00 GMT+7

VHO- Với thời lượng hơn 50 phút đồng hồ, chương trình VTV đặc biệt Ranh giới phát sóng vào tối 8.9 vừa qua, đã ngay lập tức thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Lần đầu tiên, khán giả cả nước được nhìn, được nghe, được cảm nhận chân thực nhất những gì đang diễn ra đằng sau cánh cửa một bệnh viện điều trị Covid-19. Nó ám ảnh người xem về hậu quả tàn khốc của dịch bệnh, về sự hy sinh không thể nói bằng lời của các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Đây là bộ phim tài liệu của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với 4 đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam sau chuyến tác nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh cuối tháng 7.2021. Nhóm 5 người gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm 2 ê-kíp sản xuất: một nhóm tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự; đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương. Không kỹ xảo, không lời bình nhưng mỗi giây phút, mỗi khung hình trong phim lại khiến khán giả ám ảnh khôn nguôi.

PV Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư xoay quanh bộ phim này.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Ảnh NVCC

- PV: Thời khắc quyết định đi vào tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh, vào nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 cùng êkip để thực hiện bộ phim cảm xúc của anh ra sao? Tâm trạng của các thành viên trong gia đình anh lúc đó như thế nào?

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Do tôi đã được tiêm 2 mũi vắc xin nên khi quyết định cùng êkip đi vào tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh, vào nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 để thực hiện bộ phim bản thân tôi cũng cũng yên tâm phần nào. Về phía gia đình mọi người luôn động viên và ủng hộ tôi rất nhiều trong chuyến đi lần này, nhất là bà xã, bởi hai vợ chồng là đồng nghiệp.

Điều tôi băn khoăn nhiều nhất ở thời điểm đó chính là khi vào tâm dịch tôi sẽ làm về vấn đề gì, làm như thế nào trong “cuộc chiến” bộn bề và vất vả như thế. Khi vào tác nghiệp thấy đội ngũ các y bác sĩ làm nhiệm vụ vất vả, gian khổ thì như tiếp thêm cho mình cái sức mạnh và nặng lượng làm việc. Từ đó tôi bị cuốn theo nhịp làm việc hối hả vất kể ngày đêm như họ luôn.

- Anh có thể nói rõ hơn về quyết định đặt tên bộ phim của mình là Ranh giới?

Cái tên Ranh giới ra đời sau khi tôi vào Khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương khoảng 2 ngày. Khi vào đây, chứng kiến khu K1 biệt lập với bên ngoài, tất cả mọi người đều phải mặc đồ bảo hộ lao động kín mít, mọi thông tin liên hệ ra bên ngoài chỉ thông qua điện thoại, đấy là ranh giới thứ nhất! Ranh giới thứ hai là các bệnh nhân đã vào đây đều không thể liên hệ hay gặp gỡ được với người nhà. Ranh giới thứ ba là giữa sự sống và cái chết nó bộc lộ rất nhanh, rất khủng khiếp, nhưng ẩn sâu trong đó là cái nghị lực, tình thương sự hy sinh lao động của các đội ngũ y, bác sĩ giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Từ những nguyên do đó, tôi quyết định đặt tên của bộ phim là Ranh giới.

Đội ngũ y tế giành giật sự sống của thai phụ F0 tại bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: ĐPCC

- Trong quá trình tác nghiệp kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

Rất nhiều điều, rất nhiều nhân vật để lại ấn tượng trong tôi. Thật khó có thể kể ra hết nhưng mỗi nhân vật để lại ấn tượng riêng. Về đội ngũ y bác sĩ, có những bác sĩ thì kiên trì, động viên bệnh nhân, cảm giác như những người nhà bệnh nhân, là người thân nhất an ủi bệnh nhân. Họ bảo đây là những lúc người ta cần mình nhất nên mình giúp được gì thì giúp, làm được gì thì làm để bệnh nhân đỡ cô đơn, trống trải và sự động viên tinh thần đấy cảm giác như liều thuốc khó tả trong giây phút sinh tử. Có bác sỹ điềm tĩnh nhưng đầy trí tuệ, đầy sự quyết đoán sáng suốt để giải quyết tình huống vấn đề.

Ở cuối bộ phim có cả hình ảnh nữ hộ sinh khu K1 bị nhiễm Covid-19 và phải đi cách ly. Sau này, tôi có đến thăm cô ấy ở bệnh viện dã chiến thì mới biết được con trai của cô ấy cũng bị nhiệm bệnh và đang điều trị chung với mẹ. Điều đặc biệt là nữ hộ sinh ấy rất lạc quan và không hề lo lắng. Bản thân nữ hộ sinh đó còn động viên mọi người rằng: “Em đi an dưỡng ấy mà". Cô áy náy vì trong viện lúc này quá tải và muốn được hỗ trợ các bác sỹ cứu chữa bệnh nhân.

Rồi cả câu chuyện về người cha không thể gặp con gái lần cuối, bối rối, hoảng loạn rồi  khóc nấc lên khi nghe bác sỹ thông báo tình hình con trước khi mất, nhìn những hình ảnh cuối cùng của con trong điện thoại bác sỹ. Đó là những giây phút sự đau xót tưởng như cùng cực!

- Quá trình tác nghiệp đã khi nào hiểm nguy khiến anh chùn bước chưa?

Chưa! Từ thời điểm bắt đầu tác nghiệp tại Bệnh viện Hùng Vương chưa mảy may một giây phút nào khiến mình chùn bước cả! Dù trong khoảng thời gian mình ở đó có những ngày ghi nhận 20 ca nhiễm bệnh.

Đội ngũ y tế tranh thủ ngủ bất cứ khi nào có thể (Hình ảnh trong phim Ranh giới)

- Trước chuyến đi anh cảm nhận thế nào về tâm dịch, về đội ngũ các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây và khi có mặt cũng như làm việc tại thực địa thì suy nghĩ của anh ra sao? Cảm nhận thực tế tại “chiến trường” như thế nào?

 

Trước đây, trong suy nghĩ của chính bản thân tôi khi xem hình ảnh, phim về Covid-19 cũng chỉ thấy bệnh nhân nằm cắm ống thở trên giường bệnh, xung quanh là những trang thiết bị, máy móc y tế. Khi đó tôi cũng không mường tượng ra được Covid-19 làm cho người ta khổ sở như thế nào, sao nó khốc liệt đến thế. Và ngay trong ngày đầu tiên tác nghiệp tại khu K1 tôi đã được chứng kiến cảnh các thai phụ mắc Covid-19 thật sự ám ảnh. Những giây phút bệnh nhân muốn thở mà không thở được là cảm giác khiến người chứng kiến cũng rất ngột ngạt, khó chịu khủng khiếp. Người bình thường thở đã khó, thai phụ thở cho hai người còn khó gấp đôi.

Tôi có phần bàng hoàng khi nhìn tận mắt những người bệnh nhân mà ít phút trước đó mình còn nói chuyện, còn động viên thì chỉ sau tích tắc toàn bộ các y, bác sĩ đã phải dồn lực ép tim nhằm cứu bệnh nhân đó. Từ đó tôi mới thấy cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong đại dịch này.

Trong khoảnh khắc y, bác sĩ lựa chọn cứu mẹ hay cứu con, họ đã phải bàn bạc rất kỹ, rất dằn vặt bởi thực tế đặt ra chỉ có thể lựa chọn cứu một trong hai. Từ đó tôi thấy có những việc ta được lựa chọn nhưng có những cái ta không được lựa chọn. Chính như nhân viên y tế trong phim trải lòng: “Ngày xưa nếu cứu chữa bệnh nhân theo phác đồ đấy, quy trình đấy phương thức đấy thì tự tin sẽ cứu được bệnh nhân nhưng đối với bệnh nhân thai phụ mắc Covid-19 thì niềm tin đấy không còn nữa, bản thân các bác sỹ nói nó cũng mong manh quá, không còn cho mình quyền quyết định cứu được hay không”.

Sức mạnh của bộ trong phim đó là sự hy sinh hết mình của đội ngũ y bác sĩ trong điều kiện thiếu thốn chật hẹp như thế... Chứng kiến trước cái chết ra đi trống vắng nhưng cũng không làm họ nhụt trí. Và chứng kiến cái ranh giới sống chết nó mong manh thì con người ta càng cần phải sống tử tế và mạnh mẽ hơn.

Bộ phim Ranh giới không có bất kỳ lời bình nào nhưng vẫn chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem bởi những hình ảnh chân thực. (Ảnh chụp màn hình)

- Chưa đầy 24h sau khi phát sóng, bộ phim đã tạo được sức lan tỏa rất lớn trong dư luận anh nghĩ sao về điều này?

Thông qua bộ phim tôi và êkíp muốn người xem hiểu được Covid-19 là gì, sự khắc nghiệt của dịch bệnh ra sao, sự hy sinh gian khổ của y bác sĩ như thế nào. Từ những nhận thức chân thực đó mọi người sẽ “biết” sợ và có ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh.  Tuy nhiên, sáng nay tôi có nhận được ý kiến cho rằng mình sử dụng những cảnh quay cận mặt là sai hay phim cường điệu hóa... nhưng trong quá trình làm phim với những nhân vật vẫn có đủ ý thức nói chuyện với y bác sĩ, nhân viên y tế, tôi đều trò chuyện và nhận được sự đồng ý, cho phép của họ thì mới quay. Những ai nằm bất động trên giường thì êkip chỉ sử dụng cảnh quay qua lưng, qua vai bác sĩ chăm sóc chứ không quay cận mặt. Ở chi tiết một người cha được gọi đến thông tin con gái mình đã mất, muốn gặp con lần cuối  nhưng vì dịch nên không gặp được... Đó lại là khoảnh khắc rất nhân văn mà chúng tôi hy vọng có thể san sẻ nỗi đau ấy với người nhà bệnh nhân.

Giữa dịch bệnh khốc liệt sự sống vẫn "nảy mầm" thắp lên hi vọng cho tương lai

- Được biết ngoài Ranh giới anh còn thực hiện "Ngày con chào đời" sẽ được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam ngày 22.9 tới đây. Xin anh chia sẻ thêm thông tin về tập phim này?

Chúng tôi đã thực hiện hai bộ phim tài liệu Ranh giớiNgày con chào đời cùng một thời điểm và sẽ được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong đó, Ngày con chào đời dự kiến được phát sóng vào ngày 22.9.

Ý tưởng cho Ngày con chào đời ban đầu cũng có trong phim Ranh giới, sau đó tôi tách ra thành một phim nữa, làm riêng về các em bé cất tiếng khóc chào đời nơi tâm dịch. Ra đời trong hoàn cảnh mẹ bị nhiễm Covid-19, các em bé chịu đủ mọi sự thiệt thòi. Những tưởng khi sinh ra sẽ được bình an, nhưng những tuần tiếp theo, các em buộc phải xa mẹ, sống trong những khu cách ly, cũng bị nhiễm Covid-19 rồi cũng trải qua nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra. Khoảnh khắc mẹ con không được gặp nhau rất xót xa. Và dù dịch bệnh rất khắc nghiệt, ngặt nghèo nhưng ở trong đó là tình yêu thương của mọi người trong gia đình và nỗi niềm của người mẹ người cha đang phải đi cách ly vẫn hướng về con mình.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Thực hiện: VŨ MỪNG

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top