Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc "Người thường không ai mặc áo dài đi ngoài đường": Giám đốc Bảo tàng TP.HCM nói gì?

Thứ Sáu 31/12/2021 | 09:28 GMT+7

VHO- Xung quanh thông tin “khách tham quan mặc áo dài bị thu phí cao tại Bảo tàng TP.HCM” đang được dư luận quan tâm, Văn Hóa vừa có cuộc trao đổi với bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TP.HCM. Bà Huyền cho biết, “sự việc có đôi chỗ hiểu lầm, vì câu chuyện có những điểm không đến mức độ và có tính chất như vậy…” .

  Chương trình offline của nhóm thực hiện tại Bảo tàng sáng Chủ nhật 26.12 vừa qua

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý Bảo tàng, bà Huyền cũng nhận lỗi khi đã để xảy ra sự việc rất đáng tiếc này, qua đó khiến công chúng và những người yêu quý bảo tàng, yêu quý áo dài có những bức xúc.

Trang phục như thế nào được gọi là “có đầu tư”?

Trong cuộc trao đổi riêng với Văn Hóa, bà Huyền cho biết Ban giám đốc Bảo tàng TP.HCM đã nắm được sự việc vào sáng ngày 26.12 khi anh Đoàn Thành Lộc gửi qua email cho bảo tàng. Đến ngày 27.12, Ban giám đốc đã nghe báo cáo và nhân viên bảo tàng cũng đã chụp lại nội dung trên facebook của anh Lộc để báo cáo chi tiết.

“Sau đó tôi có trao đổi trong Ban giám đốc và những người có trách nhiệm. Đến ngày 28.12, sau hội nghị CB-CVC, tôi đã họp Ban giám đốc và tất cả các bộ phận nghiệp vụ có liên quan. Nhân viên trực tiếp bán vé mà anh Lộc phản ánh trong email đã làm bản tường trình kể lại toàn bộ sự việc. Tôi cũng đã làm việc với bộ phận bảo vệ của ca trực ngày hôm đó, kể cả bộ phận thuyết minh ở trong khu vực trưng bày khi nhóm anh Lộc tới”, Giám đốc Bảo tàng cho hay, và nhắc lại các thông tin rằng, trong bảng tường trình anh Lộc nói là nhân viên bán vé có nói với khách một số ý rằng: “Người thường không ai mặc áo dài đi ngoài đường”, “Trang phục có đầu tư”, “Các anh chị nói không chụp hình nhưng khi vào mà chụp hình rồi sao?”, và các chi tiết như cô nhân viên liên hệ với kế toán trưởng, đề nghị cả nhóm xếp thành hàng ngang để nhân viên chụp hình…

Bà Huyền cho rằng, thực hiện chủ trương của Sở VHTT cũng như của ngành, từ nhiều năm nay bảo tàng có chính sách dành cho các đối tượng khách tham quan, đặc biệt là khi Nghị quyết HĐND TP.HCM cho phép các bảo tàng thu phí, trong đó có Bảo tàng TP.HCM, thì đơn vị đã thực hiện chủ trương cho các đối tượng miễn vé tham quan như đối với người khuyết tật, các lực lượng vũ trang, trẻ em. Còn đối với học sinh, sinh viên hoặc đoàn viên, người cao tuổi, Bảo tàng có sự kết nối rất chặt chẽ với Thành đoàn cũng như các quận, huyện trên địa bàn để phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua những nội dung trưng bày. Những hoạt động này phần lớn là miễn vé hoặc giảm 50% giá vé để tạo điều kiện cho các đối tượng đến với bảo tàng. Đối với những chương trình của TP, trong kích cầu cũng như hưởng ứng những hoạt động liên quan đến quảng bá di sản văn hóa, trong đó vào ngày Di sản văn hóa thì miễn phí hoàn toàn cho các đối tượng khách tham quan. Còn Tuần lễ Áo dài, đơn vị miễn vé cho tất cả nam nữ mặc áo dài đến với bảo tàng.

Nội dung email của anh Đoàn Thành Lộc gửi Giám đốc Bảo tàng TP.HCM

Hiện nay hưởng ứng Tuần lễ Thành phố tôi yêu, Bảo tàng TP.HCM giảm giá 50%... Đây là những việc làm thường xuyên trong nhiều năm qua. Bảo tàng TP.HCM cũng đang thực hiện hoạt động dịch vụ theo Thông tư 18 của Bộ VHTTDL, trong đó có tổ chức một số hoạt động dịch vụ, lâu đời nhất là chụp hình cưới từ khoảng năm 2000 đến nay, kể cả các đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa – nghệ thuật, tổ chức các show diễn, chương trình thời trang... Tất cả hoạt động này đơn vị đều niêm yết công khai bảng giá. Bảng giá này được xây dựng dựa trên điều kiện thực tế của bảo tàng và đã tham khảo những nơi tương tự để có những điều chỉnh theo tình hình cho phù hợp.

“Trong việc đến chụp hình thời trang thì có nhiều đối tượng nên để thu phí dịch vụ một cách hợp lý, chúng tôi có quy định, nếu nhân viên nhận thấy khách tham quan có đầu tư trang phục thì hỏi kỹ để tư vấn gói giá dịch vụ cho phù hợp. Các bạn nhân viên cũng có đặt vấn đề, đầu tư trang phục là như thế nào? Chúng tôi cũng rất suy nghĩ vấn đề đó, nhưng càng quy định chi tiết khái niệm “đầu tư trang phục” thì càng làm khó, không đủ ý nên bảo tàng chỉ đưa ra quy định “đầu tư trang phục”. Qua đó tạm hiểu rằng, khi khách vào đây thay đồ, chụp một suất như vậy trong thời gian 1-2 tiếng trở lên thì liên quan đến thời trang chứ không chỉ chụp hình lưu niệm nữa. Còn ví dụ vào tham quan bảo tàng, chụp hình không gian lưu niệm thì bảo tàng chỉ thu phí 20.000 đồng/máy”, Giám đốc Bảo tàng TP.HCM giải thích.

“Sự việc ngày hôm đó, giá vé vào tham quan là vé 15.000 đồng/lượt”

Theo lãnh đạo Bảo tàng TP.HCM, nhân viên bán vé hôm đó là nhân viên mới, vào làm việc tại bảo tàng từ đầu năm sau đó vì đại dịch Covid-19 kéo dài nên nghỉ và vừa mới quay lại làm. Sáng hôm đó nhóm anh Đoàn Thành Lộc vào, các bạn tham quan đi vào riêng lẻ chứ không đi chung thành nhóm. Sở dĩ bạn nhân viên có nói “người thường không ai mặc áo dài đi ngoài đường”, ý của bạn nhân viên là các khách mặc áo dài ngũ thân, cổ phục nên thấy lạ, vì áo dài này ít ai mặc đi làm hay sinh hoạt bình thường, nên bạn nghĩ là có sự “đầu tư trang phục”.

Và khi đến, mặc dù là có tổ chức sự kiện nhưng các bạn không báo lại để Bảo tàng có chính sách hỗ trợ. Lúc mua vé các bạn cũng nói không thống nhất, có bạn nói chỉ tham quan, có bạn nói dự sự kiện, thành ra bạn bán vé này cũng hoang mang, không có kinh nghiệm để trao đổi, đã nói ra những câu nghe phản cảm.

Nhóm của anh Đoàn Thành Lộc và các bạn trẻ Ảnh: FB NHÂN VẬT

Cũng theo Bảo tàng TP.HCM, trong hôm xảy ra sự việc, cán bộ trực lãnh đạo có việc đi ra ngoài cho nên không trao đổi, xử lý kịp thời. Còn bạn bán vé theo thói quen, nghĩ đây là dịch vụ nên hỏi kế toán trưởng, và kế toán trưởng tham mưu mức vé… “Kế toán trưởng cũng đang bận rộn cho hội nghị CB-CVC nên có nói nếu khách tham quan thường thì chỉ bán vé tham quan, còn chụp ảnh hay làm sự kiện thì em gửi hình cho chị xem thử. Ý của kế toán là để coi có đầu tư trang phục như thế nào... Bạn bán vé không có kinh nghiệm nên xin đoàn khách xếp hàng ngang chụp hình gửi cho kế toán trưởng xem rõ hơn để góp ý nên bán vé như thế nào…, thành ra có chi tiết như anh Lộc nêu”, bà Huyền giải thích thêm.

Giám đốc Bảo tàng cho biết, do nhân viên chưa có kinh nghiệm, trao đổi không khéo léo chứ thật ra bản chất sự việc không phải đến mức nghiêm trọng như nhiều người nghĩ. “Tôi cũng đã họp, nhắc nhở, phân tích hết những diễn biến câu chuyện. Sau khi họp có chỉ đạo Phòng Hành chính – Tổng hợp trả lời email của anh Đoàn Thành Lộc, mời anh đến bảo tàng để có thể trao đổi rõ ràng hơn. Vấn đề gì bảo tàng sai sót thì xin lỗi và điều chỉnh rút kinh nghiệm, vấn đề gì chưa rõ cần trao đổi để hiểu nhau thêm, cũng như định hướng hoạt động của Bảo tàng rất chú ý đến công tác giáo dục truyền thông, quảng bá di sản văn hóa… Trong email gửi anh Lộc, bảo tàng mời anh lúc 14h ngày 31.12 nhưng trong email trả lời thì anh Lộc cho hay chưa thể sắp xếp được buổi hẹn này”, bà Huyền thông tin.

Được biết, sau khi nhận email phản hồi của Bảo tàng, anh Đoàn Thành Lộc trả lời: “Tôi rất vui khi nhận được phúc đáp nhanh chóng của quý đơn vị cũng như lời mời đến Bảo tàng để trao đổi về vụ việc mà dư luận đang quan tâm. Nhưng vì thời gian làm việc cá nhân sắp xếp trước đó đã kín lịch, nên không thể tham gia buổi gặp mặt vào 14h ngày 31.12. Thiết nghĩ, những nội dung đề cập trong email đều đã rõ ràng. Cá nhân tôi chỉ tường trình vụ việc để ban quản lý bảo tàng nắm rõ, nếu quý bảo tàng cần làm rõ có thể trao đổi qua email…”.

Theo Bảo tàng TP.HCM, sự việc ngày hôm đó, các bạn vẫn vào tham quan với mức vé 15.000 đồng/lượt do trong thời gian này Bảo tàng hưởng ứng Tuần lễ Thành phố tôi yêu (từ ngày 24-31.12), thay vì giá vé ngày thường là 30.000 đồng/lượt. 

 “Nhân viên bán vé đã thốt ra câu nói một cách vô tình”

Tôi cho rằng sự việc này chỉ là sai sót nhỏ của cá nhân người nói câu đó thôi, do bạn ấy không được khéo nên lỡ lời như vậy. Đây không phải là chủ trương của Ban giám đốc, của Bảo tàng TP.HCM, cũng không phải là chủ trương của ngành Văn hóa. Người trong cuộc nghe câu đó sẽ dễ bị tổn thương, nhưng tôi nghĩ rằng người nói câu đó chưa có nghiệp vụ. Bạn ấy đã thốt ra một cách vô tình chứ không phải chê trách gì chiếc áo dài. Hoặc cũng có thể bản thân bạn rất ít mặc áo dài, cho nên bạn bộc phát ra câu nói đó một cách vội vàng.

Lẽ ra bạn ấy chỉ cần nói, “nếu nhóm khách có chụp hình thì đóng bao nhiêu đây tiền, còn không chụp thì đóng bao nhiêu đó tiền”, thì có thể nhóm sẽ nói chỉ tham quan và chụp lưu niệm thôi. Nhưng nhân viên thấy nhóm mặc áo dài long trọng thì sẽ nghĩ chắc phải đầu tư chụp hình… Tôi có thể khẳng định lại là, bạn nói ra câu đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân của bạn, không phải chủ trương chung. Trên thực tế hầu như Bảo tàng nào thấy có đoàn khách tới mà ăn mặc áo dài long trọng thì còn hãnh diện, vui mừng. Mặc dù bên tôi là Bảo tàng Áo dài, khách đến họ mặc áo dài là đương nhiên, ngày nào cũng có, trong thâm tâm mình cũng thấy mừng khi người ta chịu khó mặc áo dài đến, vì mặc như vậy cũng vất vả, công phu. Đây là sơ suất rất nhỏ của một nhân viên, và có thể cũng vì trình độ chưa nhận thức hết hậu quả của câu nói của mình.

Qua sự cố đáng tiếc này ở Bảo tàng TP.HCM, ngay trong nội bộ Bảo tàng Áo dài, các bạn cũng rút kinh nghiệm, tự các em cũng bảo với nhau, đôi khi mình cẩn thận như vậy nhưng cũng có những lúc vô tình nói ra câu gì đó làm cho khách cảm thấy chạm tự ái, thậm chí các em còn kiểm điểm lại mình, xem đã từng nói những câu gì lỡ lời với khách hay không... Nghề này là “làm dâu trăm họ”, cũng gặp biết bao tình huống, nếu khách nào thông cảm mình thì người ta có thể bỏ qua. Hoặc nếu làm gì đó chưa đúng, mình giải thích, xin lỗi thì người ta hiểu được, nhưng cũng có nhiều khách rất khó tính, khi phật ý thì họ chửi bới, gọi điện khắp nơi... Làm ngành bảo tàng gần cả một đời nên tôi biết, thành ra chỉ có cách là dặn nhau cẩn thận lời ăn tiếng nói, cư xử phải phép từng li từng tí, đặc biệt phải hết sức tránh nói những câu châm ngòi cho mâu thuẫn.

(Bà HUỲNH NGỌC VÂN, Giám đốc Bảo tàng Áo dài)

 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top