Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Một gia tộc hiến đất mở rộng không gian kết nối di tích

Thứ Hai 03/01/2022 | 08:27 GMT+7

VHO- Những ngày đầu năm mới 2022, câu chuyện gia tộc Trần Đức ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) hiến tặng đất, công trình kiến trúc tại Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa cho Nhà nước sử dụng, quản lý vào giữa tháng 12.2021 đã lan tỏa hình ảnh đẹp, đúng chủ trương vận động xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích...

 Vì có công lớn nên Cống quận công Trần Đức Hòa được các vua triều Lê - Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong

 Việc hiến tặng đất của gia tộc Trần Đức với mục đích mong muốn sẽ phục dựng, tôn tạo quần thể di tích đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa. Có lẽ đây là lần đầu tiên một gia tộc tại địa phương giàu tâm huyết, đồng lòng cùng Nhà nước chung sức mở thêm không gian để phát huy giá trị di tích, đặc biệt góp phần tôn tạo, bảo vệ các giá trị di tích trên địa bàn.

Theo hồ sơ di tích, Cống quận công Trần Đức Hòa là người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn). Ông vốn là con của nhà tướng nên buổi đầu được làm chức Hoằng tín đại phu, sau đổi làm Đô Chỉ huy sứ quyền nhiếp vệ cẩm y. Nhờ có công trạng lớn nên được chúa Nguyễn phong giữ chức Khám lý phủ Quy Nhơn, tước phong Cống quận công. Ông là người có tài không những biết vỗ an dân chúng, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo hậu phương của phía Nam mà còn mưu tính đại sự cho nghiệp bá vương, kinh bang tế thế nên được chúa Nguyễn ở Đàng Trong rất trọng dụng. Cuộc đời và sự nghiệp của Cống quận công Trần Đức Hòa gắn liền với sự nghiệp mở nước của cha ông thuở trước, là người có công lao to lớn đối với vùng đất Hoài Nhơn, Bình Định. Ông xứng đáng được tôn vinh như một danh nhân của đất Việt, và một trong những minh chứng đó được thể hiện ở 10 đạo sắc của các vua triều Lê - Nguyễn ban tặng.

Ông là người có công rất lớn, khi phát hiện và tiến cử Đào Duy Từ lên triều đình cho chúa Nguyễn, người sau này đứng vào hàng đại công thần triều Nguyễn, có nhiều đóng góp vào văn hóa Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, văn hóa... Theo đánh giá của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ diễn ra năm 2016, thì chữ Quốc ngữ xuất hiện rất sớm ở phủ Quy Nhơn là nhờ có vai trò đóng góp rất lớn của Cống quận công Trần Đức Hòa. Hiện nay, mộ của ông nằm ở khu vực Hoài Sơn đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2005.

 Gia tộc Trần Đức hiến tặng đất, công trình khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa cho UBND thị xã Hoài Nhơn quản lý, sử dụng

Ông Trần Đức Khải, hậu duệ thứ 12 của gia tộc Trần Đức phấn khởi chia sẻ: “Trong số 1.800m2 đất mà gia tộc chúng tôi thống nhất hiến tặng cho Nhà nước có 500m2 đất ở, hơn 1.300m2 đất vườn cùng các công trình đã tôn tạo với giá trị trên 3 tỉ đồng. Chúng tôi trao toàn bộ quyền sử dụng khối tài sản cho Nhà nước quản lý mà đơn vị tiếp nhận việc hiến tặng này là UBND thị xã Hoài Nhơn, với mong muốn sẽ phục dựng, tôn tạo quần thể di tích đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa, qua đó nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với cha ông, tạo điểm nhấn giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân”. Ông Khải cũng thông tin thêm, giữa gia tộc Trần Đức và Đào Duy có quan hệ thân thiết với nhau, bởi Đào Duy Từ lấy con gái (bà Trần Thị Chế, có sách viết là Trần Thị Chính) của Cống quận công Trần Đức Hòa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VHTTTT thị xã Hoài Nhơn nhìn nhận: Trên cơ sở đất, kiến trúc của gia tộc Trần Đức hiến tặng, UBND thị xã Hoài Nhơn sẽ đầu tư hạ tầng giao thông hình thành tuyến tham quan quần thể các di tích lịch sử, văn hóa gồm: Khu lưu niệm Trần Đức Hòa - đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ - lăng Lê Đại Lang - chùa Bà - mộ Đào Duy Từ - mộ Trần Đức Hòa - di tích Cây số 7 Tài Lương và các di tích được xếp hạng trên địa bàn trở thành những địa chỉ về nguồn của hậu thế, tạo điểm nhấn phát triển du lịch theo định hướng phát triển của thị xã Hoài Nhơn.

Ông Cầu còn chia sẻ, phường Hoài Thanh Tây hiện có 2 di tích cấp quốc gia là đền thờ Đào Duy Từ và Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương. Trong quy hoạch đô thị Hoài Nhơn theo hướng “Một trục, Hai cánh, Bốn trung tâm” thì Hoài Thanh Tây là trung tâm vùng đô thị văn hóa, lịch sử. Việc quy hoạch, xây dựng, tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa địa phương.

 Trong số 1.800m2 đất mà gia tộc chúng tôi thống nhất hiến tặng cho Nhà nước có 500m2 đất ở, hơn 1.300m2 đất vườn cùng các công trình đã tôn tạo với giá trị trên 3 tỉ đồng.

Chúng tôi trao toàn bộ quyền sử dụng khối tài sản cho Nhà nước quản lý mà đơn vị tiếp nhận việc hiến tặng này là UBND thị xã Hoài Nhơn, với mong muốn sẽ phục dựng, tôn tạo quần thể di tích đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa, qua đó nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với cha ông, tạo điểm nhấn giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.

(Ông TRẦN ĐỨC KHẢI)

 

PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top