Ngày Xuân đi lễ chùa

VHO- Sau Tết âm lịch, dân ta thường đi vãn cảnh chùa. Hợp với câu ca xưa: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, thì đi chùa chiền là cái nếp vốn lâu đời của ta.

Ngày Xuân đi lễ chùa - Anh 1

Chùa Quán Sứ, Hà Nội

Tôi nhớ thuở nhỏ thường được mợ tôi dẫn tới các ngôi chùa quanh Hà Nội như Hai Bà, Quán Thánh hay Quán Sứ… Trong tâm thức ngây thơ của tôi hồi ấy thì mợ tôi thường cầu bình an, khỏe mạnh; còn với tôi, bà dẫn đến chùa Quán Sứ - nơi có hình ảnh vẽ địa ngục và dọa “những trẻ hư, người ác sẽ bị đọa xuống đây”. Cậu tôi thì lại khác, là trí thức Tây học, ông cũng nghiên cứu đạo Phật nên quan niệm “Phật tại tâm”.

Ông suốt đời hiền lành, nổi tiếng là người hiền từ thời học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nên có biệt danh là Thiệu Hiền, Thiệu Kỹ. Tôi lớn lên và cũng ít nhiều tham cứu vài pho sách Phật, theo hiểu biết của tôi thì chùa chiền không chỉ là nơi Phật ngự mà còn là chốn các bậc sư tăng tu tập và bầy đặt một hình thức nhất định để thiện nam tín nữ lấy chốn đó mà an tịnh để phạt ngộ, tức là, dành cho những người không chủ động giác ngộ mà phải nương nhờ vào một hình thức nhất định để tỉnh thức.

Bằng những kinh nghiệm tâm lý nhất định và bằng sự thẩm thấu văn hóa lâu đời, các nhà kiến trúc dân gian Việt Nam - mà tinh túy tập trung trong các tri thức cổ nằm trong nhân dân - đã tạo ra hệ thống từ kiến trúc nhà cửa đến cảnh quan, tượng đài và họ cũng đã tạo nên không khí trang nghiêm trong các ngôi chùa. Những điều ấy cộng với sự thanh tịnh của hương nhang vô hình chung tác động vào tâm lý, tạo sự an yên cho người đi lễ chùa. Thực chất, Phật không có gì để cho ai, với triết lý sống thiện căn, đạo Phật chỉ cho người ta tìm sự bằng an, hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, Phật cũng không sở hữu gì thuộc về yếu tố vật chất để ban bố, trao tặng…

Nhà nước ta bấy nay tự do tôn giáo, vì thế, không ngăn cản nhân dân đến với đạo Phật. Nhưng do hiểu biết về Phật giáo còn hạn chế, người ta thường lầm lẫn Phật giáo với Đạo giáo du nhập từ Trung Hoa nên thành ra mê tín. Rất nhiều hiện tượng dở khóc dở cười khi chứng kiến “ngàn lẻ một” kiểu hành lễ nơi cửa Phật: Nào là nhét tiền vào tay Phật thay vì cung tiến tấm lòng hay chút ít dầu đèn để có tiền xây dựng, sửa chữa, trùng tu chùa, hoặc để nhà chùa có tiền làm thêm điều thiện nguyện; nào là trăm ngàn lời cầu xin buôn may bán đắt, quan tước, bổng lộc, thậm chí cả buôn gian bán lận các mặt hàng quốc cấm… Tất cả những điều ấy trái với phong tục tốt đẹp đã có từ lâu trong mùa xuân của văn hóa truyền thống Việt về vãn cảnh chùa.

Mùa xuân năm Nhâm Dần đã tới, đi vãn cảnh chùa, lễ chùa là một hành vi tốt đẹp và nó chỉ tốt đẹp khi tới nơi đấy thấy lòng ta an tĩnh, ta cầu mong một năm an lành tốt đẹp đến với chính mình và với muôn nhà. Ta thắp nén hương lên cầu cho ta diệt bớt tham sân si và chiến thắng những sự tiêu cực trong cái ngã của chính mình. 

Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

Ý kiến bạn đọc