Khẩn trương trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Thành Hoàng Đế

VHO- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long vừa có ý kiến chỉ đạo Sở VHTT phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thị xã An Nhơn, chậm nhất đến tháng 3.2022 phải hoàn thành việc cắm mốc toàn bộ Khu di tích Thành Hoàng Đế.

Khẩn trương trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Thành Hoàng Đế - Anh 1

 Tỉnh Bình Định sẽ quy hoạch trồng cây xanh, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trong khu vực di tích

Theo ông Long, Khu di tích Thành Hoàng Đế có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng của tỉnh Bình Định, do đó cần phải tập trung bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Khi tiến hành đầu tư, xây dựng, trùng tu, tôn tạo tại di tích cần phải dựa trên những cứ liệu cơ sở khoa học vững chắc, vừa bảo vệ, giữ gìn tối đa được yếu tố gốc; đồng thời, nâng cao tính bền vững, sự tồn tại lâu dài của di tích.

“Trong năm 2022, phải đẩy nhanh khởi công xây dựng Đền thờ Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc; nghiên cứu thiết kế xây dựng công trình Đàn Nam Giao theo quy hoạch cũng như mở rộng, thảm nhựa đường lên di tích và lập phương án di dời toàn bộ các hộ dân đang sống trong khu vực thành Nội. Về lâu dài, các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp trong việc thực hiện thêm các hạng mục đầu tư từng bước tôn tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, quy hoạch trồng cây xanh, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trong khu vực di tích để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan”, ông Long nhấn mạnh.

Thành Hoàng Đế trong lịch sử từng là kinh đô của Vương quốc Chămpa với tên gọi thành Đồ Bàn. Dưới Vương triều Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc có tên gọi là Thành Hoàng Đế (nay thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn). Năm 1982, Thành Hoàng Đế được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trước đó, vào tháng 6.2021, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực lân cận các di tích gốc Thành Hoàng Đế. Theo đó, quy mô lập quy hoạch rộng 480,5 ha, trong đó, khu vực đất có di tích gốc rộng 85,6 ha được thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc