Khai mạc Triển lãm tranh thủy mặc “Thái mặc chú tình”

VHO- Sáng 18.3, Hội Mỹ thuật TP.HCM phối hợp cùng CLB Mỹ thuật người Hoa đã khai mạc triển lãm tranh thủy mặc năm 2022 với tên gọi "Thái mặc chú tình" tại số 218A Pasteur, quận 3, TP.HCM.

Khai mạc Triển lãm tranh thủy mặc “Thái mặc chú tình” - ảnh 1

Các họa sĩ tại buổi khai mạc triển lãm

Triển lãm tranh của CLB Mỹ thuật người Hoa là một hoạt động thường niên, nơi cuộc hội ngộ của các họa sĩ thủy mặc nhiều thế hệ, nòng cốt là các họa sĩ người Hoa tại Chợ Lớn. Triển lãm lần này có sự tham gia của 7 tác giả gồm: Nghệ nhân nhân dân, họa sĩ Trương Lộ, họa sĩ Lục Kim Hà, Trịnh Huy, Lý Bỉnh Toàn, Lư Hồng Phúc, Trần Vũ Bằng, Trương Gia Tuấn với gần 100 tác phẩm đặc sắc. Đây là một loại hình nghệ thuật truyền thống của quốc họa Trung Quốc mang tính đương đại làm nên loại hình nghệ thuật riêng biệt của họa sĩ người Hoa sinh sống và làm việc tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Khai mạc Triển lãm tranh thủy mặc “Thái mặc chú tình” - ảnh 2

Họa sĩ Lục Hà Kim bên tác phẩm Tết Nguyên Tiêu của mình

Mang đến triển lãm 15 bức tranh đầy tâm huyết, họa sĩ Lục Hà Kim chia sẻ: “Tranh Thủy mặc và hội họa phương Tây đều giống nhau về mục tiêu nghệ thuật, đều là môn nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp thông qua biểu tượng của vật. Tuy nhiên, tranh Thủy mặc tạo hình theo đường nét, lột tả tinh thần của vật, chú trọng hơn cái duyên và ý tứ bút mực. Không những phác thảo ngoại hình của vật, mà còn tìm tòi và tôn tạo cái hồn cho vật, yêu cầu không chỉ có hình dạng tương tự, mà truyền cảm hứng đầy đủ ý nghĩa bức tranh. Ý tứ huyền ảo trong bức tranh sơn thủy, giúp củng cố cảm giác đặc biệt, mới lạ của tác phẩm và cảm giác đó sẽ ngăn tác phẩm trở nên tầm thường, từ đó đạt được định hướng thẩm mỹ cá tính cho tác phẩm. Việc nâng cao ý tứ huyền ảo cũng làm cho bức tranh sơn thủy trở nên huyền bí hơn. Ví như bức “Tết Nguyên Tiêu”, bản thân tôi phải hòa mình trong không khí rộn ràng của lễ hội suốt một khoảng thời gian dài, thì mới có thể mang đến sự sinh động, hấp dẫn và chân thật cho tác phẩm này”.

Khai mạc Triển lãm tranh thủy mặc “Thái mặc chú tình” - ảnh 3

Tác phẩm tại triển lãm của họa sĩ Lục Hà Kim

Có thể thấy, đề tài tác phẩm năm nay phản ánh đa dạng nhiều nội dung, từ chân dung, phong cảnh quê hương đất nước đến đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, đời sống ngư dân, biển đảo quê hương, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, các họa sĩ đã mô tả về đời sống sinh hoạt của người dân, những con hẻm Sài Gòn… Cùng với đó là những địa danh nổi tiếng của Sài Gòn được lưu giữ qua bao nhiêu thế hệ hoặc hình ảnh hàng loạt cao ốc đang vươn lên thể hiện sự đổi mới của thành phố, hướng đến một đô thị thông minh. Hay sự kết hợp nhuần nhuyễn bằng những hình ảnh sinh hoạt cuộc sống đương đại qua nghệ thuật quốc hoa Trung Quốc bên cạnh những phong cảnh, chim, hoa thể hiện mang tính truyền thống. Thủ pháp truyền thống và đề tài mang hơi thở cuộc sống đương đại đã tạo nên sức hấp dẫn cho triển lãm Thủy mặc lần này.

Khai mạc Triển lãm tranh thủy mặc “Thái mặc chú tình” - ảnh 4

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức

Trong buổi đầu tiên mở cửa, triển lãm đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của công chúng. Triển lãm sẽ mở cửa miễn phí từ nay đến hết ngày 24.3.2022.

BÀI, ẢNH: HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc