Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lại thổn thức cùng…  Lưu Quang Vũ

Thứ Tư 27/04/2022 | 09:43 GMT+7

VHO- Khán giả đã đến chật kín khán phòng của Nhà hát Tuổi Trẻ trong suất diễn đầu tiên của vở Ông không phải là bố tôi. Đây là điều hiếm sau đợt sân khấu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

 Cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi” Ảnh: THẾ TOÀN

 Người Hà Nội lại có một đêm thao thức, ngẫm ngợi, khóc cười, hả hê và cả dằn vặt với những nhân vật trên sân khấu; và hơn cả là nhớ thương, khâm phục Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch tài hoa đã chuyển tải vấn đề cách đây gần 35 năm, nhưng nay vẫn đang tồn tại trong nhiều gia đình…

Vì sao sân khấu đương đại vẫn tiếp tục dàn dựng những kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ? Có phải vì thiếu chất liệu nên nghệ thuật tìm về nơi trú ẩn là những câu chuyện của một thời đã qua? Tất cả đều không đúng, bởi xem Ông không phải là bố tôi với bản dựng sống động, hấp dẫn của đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, công chúng sẽ có cách nghĩ hoàn toàn khác. Kịch bản Ông không phải là bố tôi được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa. Tác phẩm đã sống “xuyên thời gian”, phản ánh mối quan hệ căn cốt trong gia đình, đặc biệt trong xã hội hôm nay.

Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham và sự ích kỷ. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Con người vì chức tước, lợi lộc mà sẵn sàng ruồng rẫy, chối bỏ đi tình huyết nhục của mình. Người con lợi dụng bố để được lên chức, nhưng cũng sẵn sàng đuổi bố ra đường khi biết bố đã “về vườn” và không còn giá trị. Ngược lại, người bố cũng sẵn sàng bán nhà của con trai mình chỉ vì thú vui “trai gái” nhố nhăng.

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến đã chọn cách kể mới khi dựng lên một tòa án lương tâm để các nhân vật tự đối thoại với nhau, để chính các vị quan tòa, công tố viên cũng khó có thể giải quyết được mâu thuẫn của những gia đình; khi mà chỉ người trong cuộc mới có thể tự tìm ra lời giải. Câu chuyện cạn tình máu mủ chỉ vì nhà cửa đất đai vẫn đang hiện hữu trong đời sống, khi mà thời buổi “tấc đất tấc vàng” và đạo đức, nhân cách, tình cảm gia đình ngày càng xuống cấp. Những người ông, người cha trở nên tha hoá, mờ mắt bởi dục vọng cá nhân và đồng tiền… Đâu rồi những tiêu chí ứng xử căn bản như cha mẹ là tấm gương cho con cái, sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ được đặt lên hàng đầu?!

Có thể thấy sự nhân ái của tác giả và ê kíp sáng tạo, họ đã tạo nên một cái kết ngoạn mục khi chính đứa cháu là nhân tố tích cực và có cách ứng xử đúng đắn để trả lại sự bình yên của gia đình. Quả thực nếu ngoài đời, khi mà ông bà, cha mẹ không thể là tấm gương sáng thì con cháu cũng sẽ khó có thể trở thành người tốt, lương thiện. Có nhiều pha xử lý khá tinh tế từ đạo diễn khi đưa ra các biểu tượng và thông điệp về giá trị tư tưởng, như sự xuất hiện của sợi dây ở mỗi cảnh diễn, có tác dụng liên kết các thế hệ trong gia đình dẫu tình máu mủ bị chối bỏ; ba chiếc ghế trong phiên tòa tượng trưng cho đại diện của ba thế hệ, buộc mỗi nhân vật phải ngồi lại để suy ngẫm.

Một bạn sinh viên trường ĐH KHXH&NV chia sẻ sau khi xem vở diễn: “Chúng em đều đã biết về cố tác giả Lưu Quang Vũ qua sách vở và hôm nay đến rạp xem để kiểm chứng. Vở kịch mang lại cho chúng em rất nhiều cảm xúc. Các nghệ sĩ thật sự tài năng khi lột tả được đầy đủ tâm trạng, tính cách từng nhân vật từ vui - buồn, xấu - tốt... Những lời thoại dễ hiểu mà lại thành triết lý sâu cay. Nếu sân khấu tiếp tục có những vở diễn hay, sâu sắc như của tác giả Lưu Quang Vũ thì chắc chắn sẽ hút người trẻ chúng em đến với sân khấu nhiều hơn”.

Ông không phải là bố tôi là điển hình về mối quan hệ huyết thống trong gia đình mà thời đại nào người ta cũng quan tâm. Cố tác giả Lưu Quang Vũ có biệt tài phát hiện tình huống xung đột, mâu thuẫn đang xảy ra trong hiện thực đời sống. Ông không dừng lại ở việc giải quyết xung đột đơn lẻ mà hướng tới phản ánh căn nguyên tư tưởng triết lý xã hội ẩn sâu dưới những mâu thuẫn, xung đột ấy. Chắc chắn sau khi xem xong, Ông không phải là bố tôi sẽ đem đến bài học nhân văn sâu sắc cho mỗi người, để chúng ta chọn cách giữ gìn nề nếp gia phong, chọn cách nhìn nhân ái yêu thương chứ không quay lưng lại với người thân của mình.

Kịch Lưu Quang Vũ suốt gần nửa thế kỷ qua vẫn luôn là chiếc đồng hồ đánh thức lương tri. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà ông gửi gắm qua từng con chữ vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động trái tim bao thế hệ khán giả. 

 HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top