Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cục Di sản văn hóa lên tiếng về Di sản văn hóa phi vật thể Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Năm 28/04/2022 | 16:00 GMT+7

VHO- Liên quan đến những thông tin về Di sản văn hóa phi vật thể Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền đã có cuộc trao đổi với Báo Văn Hóa.

Màn trình diễn múa hát truyền thống trong phần hội Lễ giỗ Bà Phi Yến, nguồn ảnh: Internet

. PV: Thưa Cục trưởng, trước những thông tin dư luận cho rằng Cục Di sản văn hóa đã có sự tùy tiện, tắc trách trong việc đưa di sản văn hóa phi vật thể Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến , đồng thời đề nghị xem xét hủy quyết định đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bà có ý kiến gì?

Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Ngày 27.10.2021, Cục Di sản văn hóa đã nhận được Tờ trình số 197/TTr-UBND ngày 25. 10. 2021 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về việc đề nghị đưa di sản Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau khi nghiên cứu, xét thấy nội dung và thành phần của Hồ sơ đáp ứng đúng quy định tại Thông tư 04/2010 của Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (Thông tư 04), ngày 21.01.2022, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ trưởng đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo đúng quy trình thẩm định.

Một hoạt cảnh trong lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại An Sơn miếu (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh MINH KHUÊ

Trên cơ sở thẩm định và khuyến nghị của Hội đồng, ngày 26.01.2022, Cục Di sản văn hóa trình Bộ trưởng xem xét, quyết định đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL) với các giá trị:  Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng trong lễ giỗ (với hạt nhân tín ngưỡng là tục thờ Bà Phi Yến, một nhân vật được ghi nhận qua truyền thuyết), cùng không gian văn hóa vật chất liên quan phản ánh quá trình sáng tạo, thực hành, kế thừa, trao truyền văn hóa của cộng đồng cư dân Côn Đảo trong lịch sử khai thác đảo và phát triển cuộc sống trên đảo. Tín ngưỡng thờ Bà Phi Yến trên đảo, cùng các thực hành văn hóa liên quan, cụ thể là Lễ giỗ Bà là nhân tố gắn kết tinh thần cộng đồng, đã được sáng tạo, thực hành, trao truyền qua nhiều thế hệ, tích tụ nhiều lớp văn hóa, vẫn tiếp tục phát huy tác dụng đối với cuộc sống đương đại của cư dân trên đảo. Giá trị nghệ thuật của di sản gắn liền với di tích, cùng các thực hành, sinh hoạt văn hóa phi vật thể là kết quả dung hội và tiếp biến văn hóa của cư dân Côn Đảo trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa với các cộng đồng dân cư khác, phản ánh quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng. Lễ giỗ Bà Phi Yến là một thực hành văn hóa dân gian có sức hút, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và du khách thập phương. Ước tính, trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo đón khoảng 3.036 lượt khách và hằng năm có khoảng hơn 1 triệu khách thập phương đến thăm viếng miếu thờ Bà Phi Yến. Những con số này, phần nào khẳng định được sức hấp dẫn và giá trị của những di sản gắn với Bà Phi Yến tại Côn Đảo. Đây thực sự là một nguồn tài nguyên văn hóa vô giá mà Côn Đảo lập và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững.

Bà Hoàng Phi Yến là một nhân vật dù chỉ được ghi nhận qua truyền thuyết nhưng lại được cộng đồng cư dân ở Côn Đảo thờ phụng từ xa xưa và coi đây là hạt nhân tín ngưỡng (yếu tố thiêng) của Lễ hội tại miếu Miếu An Sơn, mà ngày nay được xác định là Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến. Đây là một biểu đạt văn hoá/thực hành văn hoá đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và tại Luật Di sản văn hoá, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể. Việc đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trên đảo, được pháp luật công nhận và bảo vệ, đồng thời cũng là sự ghi nhận các giá trị, vai trò và ý nghĩa của lễ hội với cộng đồng cư dân, cũng như vai trò của cộng đồng đối với việc sáng tạo và duy trì, trao truyền bản sắc văn hoá của họ để tạo nên sự đa dạng văn hoá của các dân tộc Việt Nam, chứ không mang ý nghĩa ghi danh nhân vật trong truyền thuyết hoặc ghi danh câu chuyện lịch sử hay câu chuyện truyền thuyết có liên quan.

Lễ giỗ bà Phi Yến được huyện Côn Đảo tổ chức trang trọng hàng năm, nguồn ảnh: Internet

P.V: Cụ thể, Hồ sơ di sản Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nào để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 quy định: Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Điều 10, Thông tư 04 quy định: Di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Về trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể  lễ giỗ bà Phi Yến để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã đáp ứng đẩy đủ theo các quy định tại Thông tư 04.

Căn cứ những tiêu chí, quy định, Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến xứng đáng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa quốc gia bởi những lý do sau: Di sản đáp ứng đầy đủ tiêu chí lựa chọn để lập hồ sơ khoa học trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét, quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản được thực hiện đúng quy định; Hồ sơ đầy đủ thành phần. Ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể cũng đã khẳng định: Di sản hiện diện tại vùng biển đảo, có giá trị bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hình tượng bà Thứ phi nêu tấm gương đạo đức. Thống nhất thông qua, đưa di sản vào Danh mục quốc gia.

P.V: So với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể khó nhận diện và không dễ tiếp cận. Do đó, nhận thức chung về di sản văn hóa phi vật thể còn chưa thực sự thống nhất. Từ trường hợp cụ thể này, bà có ý kiến gì?

Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Di sản văn hóa phi vật thể gắn với nhân vật truyền thuyết tương tự như trường hợp nhân vật truyền thuyết Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, ở nước ta, nhiều tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của một số cộng đồng khác gắn với nhân vật truyền thuyết đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia. Có thể kể đến như Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Lễ hội Phủ Giầy, Lễ hội đình Chèm...

Trên phạm vi toàn quốc, hiện có 65.900 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó, mới chỉ có 431 di sản được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với 171 di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống. Hầu hết các lễ hội này đều có những yếu tố “thiêng”, gắn với các thần tích, truyền thuyết liên quan đến các nhân vật được phụng thờ, như thánh, thần được lịch sử hoá (các vị thần/thánh do dân gian sáng tạo được bồi đắp thêm yếu tố lịch sử - như Thánh Gióng) hoặc nhân vật có thật trong lịch sử lại được huyền thoại hoá (người thật được bồi đắp thêm yếu tố huyền thoại, được “thánh hoá” - như Trần Hưng Đạo) để có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy văn hoá dân gian và trong tâm thức cộng đồng. Đó chính là một trong những yếu tố cấu thành di sản văn hoá phi vật thể.

So với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể khó nhận diện và không dễ tiếp cận. Trong khi khái niệm cũng như hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị loại hình di sản này còn tương đối mới (chính thức được luật hóa từ năm 2001); việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học để đưa di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể chỉ là bước đầu của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, nhận thức chung về di sản văn hóa phi vật thể trong giới quản lý, nghiên cứu, truyền thông và trong xã hội chưa thực sự thống nhất và đồng đều... Như thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức và địa phương đề xuất việc đưa Áo dài Việt Nam vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng xét từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể thì Áo dài lại là chỉ một sản phẩm vật chất cụ thể. Do đó, biểu hiện văn hóa này (Áo dài) chỉ có thể được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể thông qua những thực hành của nhiều nhóm người liên quan tới mọi khía cạnh của Áo dài, từ tri thức dân gian làng nghề, tới kỹ thuật thủ công và ý thức tái tạo nghệ thuật truyền thống cũng như thói quen sử dụng trang phục Áo dài, đã góp phần hình thành nên một mỹ tục mang tính bản sắc cộng đồng của người Việt, tạo nên Tập quán về trang phục truyền thống Áo dài Việt Nam. Khi đó, không phải Áo dài mà Tập quán về trang phục truyền thống Áo dài Việt Nam mới được nhận diện là di sản văn hóa phi vật thể.

 Mặt khác, việc áp đặt quan điểm và cách nhìn nhận của cộng đồng này để soi xét, đánh giá thực hành tín ngưỡng và biểu đạt văn hoá của cộng đồng khác là không phù hợp với quyền văn hoá, gồm quyền được sáng tạo, thực hành và hưởng thụ văn hoá của cộng đồng, theo tinh thần của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO mà Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên

Để tránh những cách hiểu, cách suy diễn không đúng tinh thần của Công ước 2003, Luật Di sản văn hoá về di sản văn hoá phi vật thể và việc đưa di sản văn hóa phi vật thể vào các danh sách, trong thời gian tới, Cục Di sản văn hóa sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là cơ quan truyền thông nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức xã hội về di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

 P.V: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

MINH NGỌC (thực hiện)

PGS.TS Đặng Văn Bài: Cần nhìn nhận, đánh giá sự cần thiết của di sản với cộng đồng như thế nào

"Chúng ta cần nhìn nhận  rằng di sản đó đang được thực hành trong đời sống cộng đồng đó như thế nào; có đóng góp quan trọng cho cộng đồng hay không.  Nếu người dân vẫn mong muốn và thực hành di sản, không căn cứ vào nhân vật là truyền thuyết, có thật trong lịch sử hay không thì cần phải xem đó là tiêu chí đánh giá, thẩm định. Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia căn cứ trên việc thực hành tín ngưỡng của cộng đồng, theo quan điểm những giá trị tồn tại từ quá khứ, có lợi ích cho cộng đồng, được cộng đồng tôn trọng và duy trì thì cần tôn trọng, ủng hộ.  Bởi, giá trị di sản xuất phát từ tín ngưỡng, niềm tin của cộng đồng; được thực hành và trao truyền qua các thế hệ; góp phần liên kết cộng đồng và tạo sức mạnh tinh thần cho cộng đồng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đối với di sản lễ giỗ Bà Phi Yến, giá trị quan trọng còn là góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo...".

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top