Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Hành trình” tháng Tư

Thứ Bảy 30/04/2022 | 17:39 GMT+7

VHO-  Là trong những cuộc lặng lẽ trở về Quảng Trị, lên đồi mượn gió tỏa khói hương vào giữa mênh mang lau lách, sim mua tới từng nơi bạn bè đồng đội còn nằm lại đâu đó nơi đầu suối cuối rừng. Đến từng bến sông, bờ suối, kết bè hoa gửi những người còn nằm lại đáy sâu nặng nghĩa tử sinh… Là mặc định tháng Tư, tháng Bảy, tôi dành trọn cho hành trình hương hoa.

 

 Và lần này, vào đúng kỷ niệm 50 năm chiến dịch giải phóng Quảng Trị, đặc biệt là dấu ấn 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, tôi lại có cuộc hành trình hương hoa tháng Tư với tâm nguyện của người sống thay đồng đội! Là những cuộc viếng thăm các đồng đội dọc các xã thôn từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình theo tâm nguyện “ai sống thì thăm, ai mất thì viếng”, với một chuỗi những câu chuyện ân tình đồng đội dành cho nhau trong ngân ngấn nước mắt nhớ thương.

Là một buổi chiều tới thăm CCB Dương Văn Lư (quê Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ), nguyên chiến sĩ đại đội hỏa lực trung đoàn 27 Triệu Hải. Trong cái gọi là ngôi nhà cũ kỹ, người đồng đội cùng chiến hào năm xưa bị di chứng da cam, thêm một “trận” tai biến, ngồi gục đầu thẫn thờ bên khung cửa sổ. Khi bạn đến, ông cố ngước đầu lên, nghe hỏi mà đôi mắt ngơ ngẩn, thẫn thờ, cố mấp máy đôi môi thành những tiếng u ơ... Vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngụ, nguyên là một nữ dân công phục vụ chiến trường, nay vào tuổi 76, chỉ còn là một hình hài khẳng khô trong thể sống thực vật. Ở góc nhà đối diện, một hình hài của người con trai (sinh năm 1983) còng queo, ú ớ những tiếng vô nghĩa khi được người chị gái chật vật vần lên cố mặc cho em chiếc áo.

Từng được các anh trong ban liên lạc đồng đội và nữ cán bộ chính sách xã nói về tình cảnh của gia đình ông Lư, một gia đình đang lâm cảnh ngặt nghèo nhất trong số 134 hộ khó khăn của một xã nghèo, nhưng khi tận mắt chứng kiến gia đình đồng đội 4 người, thì 3 người hoàn toàn chỉ là những hình hài biết thở, duy nhất còn người con gái Dương Thị Nga, sinh năm 1978 cam phận không chồng, vừa lận đận ruộng vườn, vừa tần tảo chăm bẵm, rau cháo cho bố, mẹ và em trai cả chục năm nay…, tôi đã phải cố nuốt nước mắt vào trong khi bất lực không thể giúp thêm được gì hơn, những mong đồng đội, bạn bè gần xa chung cùng giúp đỡ.

Là chuyện gia đình liệt sĩ Lê Binh Chủng với di thư của người vợ liệt sĩ là chị Phan Thị Biển Khơi, được tìm thấy cùng hài cốt bị bom vùi và hy sinh trong tình trạng bị chôn sống, phải cầm cự trong đói, khát, thiếu dưỡng khí suốt 5 ngày rồi hy sinh, và mãi đến 30 năm sau mới được tìm thấy trong phần chìm sâu góc thành cổ Quảng Trị. Tình cờ khi tôi hỏi đường về nhà thăm và thu thập thêm thông tin cá nhân chị Phan Thị Biển Khơi, để giúp Nhà xuất bản Trẻ hoàn tất thủ tục gửi tiền nhuận bút thay hương khói cho những chủ nhân tham gia gửi góp những di thư cho cuốn sách Những bức di thư thành cổ mà tôi là người tổ chức bản thảo. Qua điện thoại, chị Khơi báo tin con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Binh Chủng là cháu Lê Quảng An bị bệnh hiểm nghèo, đang trải qua lần phẫu thuật thứ 4. Đang tính chưa biết giúp cháu bằng cách nào, thời may, đại diện nhà xuất bản khi được tôi thông tin, ngay tức khắc quyết định “ứng” gửi trước khoản tiền nhuận bút 2 triệu đồng chuyển đến tận tay gia đình. Và như những điều ân tình luôn được nối nâng. Sau khi trao số tiền ứng nhuận bút của Nhà xuất bản Trẻ cho chị Khơi, nửa ngày sau, chị Minh Tâm, em gái của liệt sĩ Trần Văn Trường, quê ở Quảng Ninh cũng đề nghị và được nhà xuất bản chấp thuận cho ứng trước số tiền 2 triệu đồng nhuận bút di thư của anh trai mình, chuyển thẳng tới gia đình chị Phan Thị Biển Khơi.

Là những ngày ngược xuôi trên đất thiêng Quảng Trị để có thể trọn lòng mình với đồng đội, tôi dành những ngày trước và sau lịch lễ kỷ niệm để lên đồi núi, xuống suối sông và các nghĩa trang, rồi lần lượt hương lễ cho khắp, cho đầy. Ban đầu ngỡ là cuộc độc hành của riêng mình, theo cách của mình. Nhưng khi biết tôi tranh thủ từng ngày trước lễ, tránh những lễ nghi mà lặng lẽ chỉn chu hương lễ, các đồng đội tôi tại Quảng Trị chủ động liên lạc, khâu nối với nhau, không để mình độc hành. Và thế là ngày ngày, anh em đồng đội chúng tôi lại bên nhau lần lượt từ nghĩa trang này, lăng bia kia, bất chấp nắng như úp chảo.

Lụi cụi hương hoa, thoảng những khi nhìn những đồng đội già ở tuổi 70, 80, cùng mình cẩn trọng thắp từng nén hương trên các phần mộ đồng đội, tôi như quên hết những mỏi mệt đường trường khi đồng đội tôi, người hy sinh vẫn nằm đó, đồng đội đang sống vẫn còn đây, tâm nguyện ân nghĩa vun đầy... 

 LÊ BÁ DƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top