Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lung linh không gian nghệ thuật gốm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Thứ Bảy 30/04/2022 | 17:30 GMT+7

VHO- Sau một thời gian tạm đóng cửa để nâng cấp, đúng dịp kỷ niệm 30.4- 1.5, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã trang trọng mở trở lại không gian nghệ thuật gốm tại tầng hầm nhà B của Bảo tàng. 407 hiện vật gốm (447 đơn vị bảo quản) từ thế kỷ 11- 20 được giới thiệu hấp dẫn  trong 7 phòng trưng bày, phản ánh những đặc trưng rõ nét về các giai đoạn của loại hình gốm không men cũng như gốm có men.

Với công chúng yêu mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lâu nay đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá, thưởng thức nghệ thuật. Thế nhưng, không phải ai cũng biết đến một điểm dừng chân vô cùng cuốn hút tại Bảo tàng. Không gian nghệ thuật gốm đã trở lại một cách giàu sức sống.

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Nhân dịp nghỉ lễ 30.4-1.5, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vui mừng mở cửa trở lại không gian nghệ thuật gốm. Đây sẽ là không gian lý tưởng để công chúng được chiêm ngưỡng nghệ thuật gốm Việt Nam trải dải suốt một thiên niên kỷ, từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 20. Hơn 400 hiện vật gốm đa dạng về tạo hình, đề tài, kỹ thuật trang trí… sẽ giới thiệu tới công chúng những đặc trưng rõ nét nhất về các giai đoạn phát triển của loại hình gốm không men cũng như gốm có men. Hy vọng công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước sẽ có những trải nghiệm thú vị tại không gian trưng bày nghệ thuật gốm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”.

Nhiều tác phẩm gốm ở các loại hình như  gốm men ngọc và men rạn ngà vàng, gốm hoa nâu, gốm hoa lam, gốm hiện đại được trưng bày sẽ không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm các giá trị thẩm mỹ mà còn kể cho công chúng nhiều câu chuyện gắn với sự phát triển của nghệ thuật gốm Việt qua từng giai đoạn lịch sử.

Gốm men ngọc và men rạn ngà vàng là sản phẩm tiêu biểu của thời Lý thế kỷ 11-12. Gốm men ngọc có hình dáng thanh thoát, hoa văn thường khắc chìm, trải kín, phủ men tạo nên vẻ đẹp huyền ảo sâu lắng, vừa hư vừa thực. Gốm men ngà vàng trang trí họa tiết in nổi có phần đơn giản hơn gốm men ngọc. Cùng tồn tại với hai loại gốm nói trên còn có đồ gốm men trắng, men nâu đen, men lục. Sự phong phú này đã làm giàu thêm cho sắc thái gốm thời Lý. Chủ đề trang trí của gốm giai đoạn thế kỷ 16-17, phần lớn là những họa tiết như hoa sen, hoa cúc, hoa phù dung và rùa, cá, tản mây, sóng nước… đã được cách điệu khéo léo, tinh tế.   

Gốm hoa nâu ra đời từ cuối thế kỷ 12, nhưng phải sang đến thế kỷ thứ 13-14 mới ổn định phong cách và trở thành dòng gốm đặc sắc của thời Trần. Xương đất gốm hoa nâu dày và nặng, dáng dấp mập, khỏe vững chãi. Đồ án trang trí thưa thoáng thể hiện bằng bút pháp hết sức phóng khoáng, hoa văn được khắc lõm xuống xương gốm rồi tô màu nâu trên nền men màu vàng nhạt. Đề tài trang trí bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống bao gồm vân mây, hoa lá, chim, cá, hổ, voi… Gốm hoa nâu bộc lộ phẩm chất giản dị, mộc mạc, đồng thời mang tính nghệ thuật cao.   

Chân đèn, gốm vẽ lam thế kỷ 16 (Thời Mạc),  một hiện vật đặc biệt tại không gian trưng bày gốm

Gốm men trắng hoa lam manh nha xuất hiện khoảng cuối thế kỷ thứ 14. Phải sang thế kỷ thứ 15, thời Lê Sơ mới thật sự bùng nổ mạnh mẽ và mau chóng chiếm ưu thế trong suốt 5 thế kỷ Lê Sơ, qua Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn. Gốm hoa lam đa dạng, phong phú về kích cỡ, chủng loại, hình dáng và cả đề tài trang trí. Ngoài dòng gốm hoa lam thuần chủng đứng ở vị thế chủ yếu, ta còn thấy xuất hiện nhiều loại gốm khác: gốm men xanh, men ngà vàng, men nhiều màu, gốm hoa lam kết hợp những mảng in nổi để mộc hoặc vẽ tam thái, đặc biệt loại đồ sành, đất nung dân dã rất duyên dáng và hấp dẫn.  

 Giai đoạn này, Việt Nam đã xuất khẩu hàng gốm sang các nước Đông Nam Á, Châu Á và một số nước Châu Âu. Ở thời Mạc, thế kỷ 16 việc ghi hiệu, để niên đại vào gốm đã phổ biến, hơn nữa còn cung cấp thêm rất nhiều thông tin như họ tên nghệ nhân chế tác, quê quán, người đặt hàng, nơi tiến cúng đồ vật… Có thể coi đây là hiện tượng độc đáo mà ở nơi khác ta chưa gặp loại tương tự.  

  Đầu thế kỷ 20, một số lò gốm dân dụng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam vẫn tiếp tục sản xuất phục vụ đời sống của người tiêu dùng, tuy nhiên ít có mẫu mã mới. Từ giữa thế kỷ 20 về sau, với chủ trương của nhà nước khuyến khích phục hồi các ngành nghề thủ công, trong đó có nghề làm gốm, các nghệ nhân có tay nghề cùng đội ngũ sáng tác gốm được đào tạo chính quy vừa tiếp thu vốn cổ truyền thống, kết hợp tư duy thời đại đã tạo ra hàng loạt tác phẩm có giá trị làm thay đổi bộ mặt các sản phẩm gốm dân dụng và gốm nghệ thuật. Gốm Việt Nam hiện đang được  ưa chuộng tại thị trường trong và ngoài nước. 

 

“Gốm là một phần không thể thiếu trong dòng chảy phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Việc mở cửa trở lại không gian trưng bày nghệ thuật gốm vào đúng dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 sẽ giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm đặc sắc của ông cha từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20. Hy vọng, không gian trưng bày nghệ thuật gốm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ trở thành điểm đến quen thuộc của công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước…”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.

 

HÀ PHƯƠNG

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top