Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn thích ứng di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội: Để sự trống vắng ngày một giảm đi

Thứ Hai 09/05/2022 | 11:16 GMT+7

VHO- Trong những di sản tạo nên sức cuốn hút khó cưỡng cho Hà Nội, nhiều công trình kiến trúc Pháp vẫn luôn mang giá trị đặc biệt. Sự tồn tại đan xen giữa những công trình kiến trúc hiện đại và các công trình kiến trúc có từ trăm năm qua đã cùng tạo nên dáng vóc lịch sử độc đáo, riêng biệt trên đất Hà thành.

 Khởi công dự án bảo tồn ngôi biệt thự tại 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Thế nhưng, trong guồng quay đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội đang dần mất đi vẻ đẹp của những giá trị di sản kiến trúc thời Pháp. Sự trống vắng của những giá trị kiến trúc cũ, mang phong cách cổ điển châu Âu ngày càng thênh thang hơn giữa lòng thành phố.

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản đô thị

Dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp ngôi biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài vừa được UBND quận Hoàn Kiếm khởi công tu bổ đã mở ra hướng bảo tồn lâu dài đối với những di sản kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp ngôi biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài là dự án kiểu mẫu cho các dự án tương tự trên địa bàn. Dự kiến sau khi hoàn thành công việc bảo tồn, sửa chữa và chống xuống cấp, ngôi biệt thự sẽ được khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội. Định hướng khai thác công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng là minh chứng cho một chiến lược đồng bộ, bao gồm cả hai khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối với một yếu tố di sản đô thị.

Theo nhiều chuyên gia kiến trúc và quy hoạch đô thị, dự án này cũng sẽ là nơi giới thiệu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi tiến hành một dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đối với một công trình kiến trúc Pháp cổ. Công trình sau bảo tồn trở thành một điểm đến văn hóa mới, những người yêu di sản Hà Nội sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt không chỉ về mặt kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Các công trình kiến trúc thời Pháp là một tài sản đô thị đặc biệt của Hà Nội. Từ những năm 1920, các kiến trúc sư người Pháp đã đưa vào Việt Nam những kỹ thuật mới, những loại hình kiến trúc mà chúng ta chưa có như nhà thương, nhà ga, thư viện, bảo tàng, nhà hát, khách sạn… Đây cũng là cuộc hội nhập đầu tiên của xây dựng và kiến trúc dân tộc với thế giới.

Cái đẹp ở kiến trúc Pháp không phải ở sự độc đáo, mà là từ sự tinh tế. Điểm chung là các công trình nhà Pháp cổ đều không được xây dựng quá bề thế mà rất gần gũi, hòa quyện với cảnh quan kiến trúc Hà Nội. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, nét độc đáo của kiến trúc Pháp giữa lòng đô thị Hà Nội đã tạo nên một mối lương duyên vô cùng hòa hợp, gần gũi và quyến rũ, rất hiếm có đô thị nào trên thế giới có được sự hài hòa kim - cổ như thế. Trải qua nhiều năm tháng, cho đến nay, những giá trị của di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội cho đến nay vẫn chưa bao giờ cũ kỹ. Chính bởi những giá trị độc đáo đó, du khách đến Hà Nội luôn bị cuốn hút bởi những công trình kiến trúc tuyệt đẹp được xây dựng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội phong phú về phong cách, nhưng hài hòa trong tổng thể kiến trúc của quy hoạch vỉa hè, cây xanh và gắn với khung cảnh thiên nhiên, con người.

Hà Nội hiện có 1.216 biệt thự xây dựng trước năm 1954

Bên cạnh những công trình kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng văn hóa của Thủ đô Hà Nội như cầu Long Biên hay hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp bề thế trong nội thành, thì những biệt thự Pháp cũ luôn được đánh giá là những di sản không thể thiếu vắng trong tiềm thức của người Hà Nội. Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp đều mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định. Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội đầu thế kỷ XX vốn được ca tụng ngang với những thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp được đánh giá đều có thể trở thành những địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Bởi thế, những mất mát, trống vắng dần những công trình biệt thự trong hành trình hiện đại hóa của Thủ đô đang mang đến nhiều tiếc nuối. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, tốc độ đô thị hóa chóng mặt của Hà Nội trong vài thập niên qua đã khiến cho Thủ đô dần mất đi vẻ đẹp của những giá trị di sản, nghệ thuật trong lòng thành phố. Điều không thể phủ nhận là Hà Nội không thể thiếu những công trình kiến trúc hiện đại, những cao ốc tráng lệ, nhưng cũng phải thấy rằng, sự hoành tráng đã không ít lần đụng chạm tới những giá trị của di sản.

Làm gì khi quỹ di sản đô thị đang dần mai một?

Đồng hành với sự phát triển, việc bảo tồn những giá trị di sản Pháp cổ tại Hà Nội, đặc biệt là những công trình biệt thự được xây dựng từ thời Pháp đang đứng trước nhiều thách thức. Theo KTS Nguyễn Quốc Thông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc Pháp ở Hà Nội hiện nay được đánh giá là một quỹ di sản kiến trúc đô thị, một bộ phận quan trọng cấu thành nên hình ảnh kiến trúc đô thị đặc trưng của Hà Nội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay chính là tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các công trình di sản đó.

Nhiều năm qua, các công trình văn hóa - kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… đều đã tổ chức những tour tham quan trải nghiệm để giới thiệu về vẻ đẹp kiến trúc, giá trị lịch sử của công trình. Tuy nhiên, so với tiềm năng và giá trị thì rõ ràng việc phát huy thế mạnh của các công trình văn hóa- kiến trúc Pháp tại Hà Nội chưa thực hiện được nhiều. Những xung đột giữa bảo tồn và phát triển vẫn luôn hiện hữu, sự giằng xé giữa chuyện giữ - bỏ đối với các công trình kiến trúc cổ, đặc biệt là các ngôi biệt thự Pháp cổ đã xảy ra thường xuyên. Không ít công trình cổ kính đã phải nhường chỗ cho những tòa cao ốc, công trình hiện đại. Mặt khác, có rất nhiều công trình thuộc sở hữu bởi nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức, tư nhân… khác nhau; trong khi những chủ sở hữu này chưa hiểu hết về những giá trị của di sản. Ngoài ra, có rất nhiều công trình kiến trúc chưa được xếp hạng. Bởi vậy, theo thời gian dài sử dụng, nhiều công trình đều bị biển đổi, thậm chí có những công trình đã bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Nhiều công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội đã bị xuống cấp Ảnh: DOÃN THÀNH

Thế hệ hôm nay cần luôn nhớ rằng, Hà Nội đẹp và quyến rũ chính bởi những công trình kiến trúc. Sự đan xen, hòa quyện giữa các đường nét kiến trúc cổ với nghệ thuật kiến trúc Pháp đã tạo nên một không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại, tồn tại mãi với thời gian. Nói như KTS Hoàng Đạo Kính, người Pháp đã hiện đại hóa TP Hà Nội, đặt Hà Nội vào kênh của đô thị hiện đại. Chúng ta thấy ở Hà Nội hiện nay sự hiện hữu của di sản kiến trúc Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, tạo ra những công trình kiến trúc nhiệt đới hóa và sau đó là nền kiến trúc phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Vậy, làm gì khi quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một? Nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch đô thị đều cho rằng, vấn đề cấp thiết là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá huỷ, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, các tuyến phố có giá trị. Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân, Đại học Xây dựng, để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp cổ, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình ấy, chúng ta nên học tập theo mô hình “bảo tồn thích ứng”. Các chuyên gia cũng nhận định, ở một số quốc gia, những công trình thậm chí chưa được công nhận là di sản nhưng trong vùng được bảo tồn, bảo vệ thì được quản lý khá tốt, ý thức chấp hành của người dân cũng rất cao. Họ có những ràng buộc bởi luật, pháp luật rõ ràng, chi tiết. Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc. Đó là mô hình “bảo tồn thích ứng”, nhằm gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội.

Theo các chuyên gia, đây là mô hình mà Việt Nam nên học tập, bởi nó là vấn đề quyết định đến việc gìn giữ một kho tàng công trình kiến trúc khổng lồ, độc đáo giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống phát triển. 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top