Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần có “lời thề Hyppocrates” cho nghệ sĩ…

Thứ Hai 09/05/2022 | 11:40 GMT+7

VHO- Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc lời thề Hyppocrates trong lễ tốt nghiệp, trước khi ra trường hành nghề. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nơi đã thay đổi hoặc thay thế 12 điều trong lời thề đó, nhưng nội dung y đức vẫn là điểm chính để những thầy thuốc tương lai phải ghi nhớ và theo “barie” đó mà giữ mình trong suốt cuộc đời làm nghề. Có phải do nghề Y can thiệp trực tiếp vào sinh mệnh con người nên người làm nghề Y cần có “lời thề” để làm tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức?

Còn với nghệ sĩ, phải chăng họ có quyền vô trách nhiệm đối với người khác dù tác động từ những sản phẩm của họ là khôn lường? Họ không cần có “lời thề” và cũng không phải chịu bất cứ quy định pháp luật về hành vi, ứng xử, tác phẩm… của mình?

Từ thời nguyên thủy, con người đã sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật để phục vụ cộng đồng. Lịch sử văn hóa - nghệ thuật cũng đã nhiều lần ghi nhận sức mạnh của những tác phẩm văn, thơ, hội họa, sân khấu, âm nhạc… trong đời sống chính trị - xã hội. Những ảnh hưởng của nghệ thuật đối với đời sống tinh thần con người là không biên giới, không phân biệt thời đại. Bức tranh Cánh chim hòa bình, Tiếng hét… của Picasso, ca khúc La Marseillaise của cuộc cách mạng 1792 (sau này trở thành Quốc ca Pháp), bản giao hưởng số 5 Léningrad của Schostakovich… đều có tác động lớn lao tới lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, cùng với toàn thể nhân dân, văn nghệ sĩ đã trở thành chiến sĩ, nghệ thuật đã trở thành vũ khí và có những đóng góp quan trọng trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của dân tộc.

Với những sáng tạo, cống hiến cho xã hội, tên tuổi của nghệ sĩ, văn nhân được ghi tạc đến hậu thế, tác phẩm họ được vinh danh, nhưng trên hết là những cống hiến của họ đã mang đến cho đời sống vật chất và tinh thần con người những điều tốt đẹp. Họ là chủ thể sáng tạo ra tác phẩm văn hóa - nghệ thuật, nhưng nếu tác phẩm của họ chưa tốt thì tác động - ảnh hưởng của nó đối với con người cũng khôn lường… Vậy họ có phải chịu trách nhiệm không?

Nghệ sĩ có “fan”, có “người hâm mộ” và được nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ đồng thời cũng chịu nhiều áp lực về đạo đức, cách sống, ứng xử… Đến khi trở thành “thần tượng”, ảnh hưởng của người nghệ sĩ còn lớn hơn. Để có vé đến dự buổi diễn của thần tượng âm nhạc, nhiều người trẻ dám cãi cha, mắng mẹ, dí dao vào cổ người thân. Hình ảnh một thiếu nữ cúi người hôn chỗ ngồi của “Idol” đã làm những nhà giáo dục xã hội phải giật mình. Đôi khi, văn nghệ sĩ còn trở thành “hạt nhân” của một phong trào, một trào lưu, một cuộc thay đổi… trong xã hội. Từ cách ăn mặc, đi đứng, quần áo, giầy dép… thần tượng có thể mở đầu cho xu hướng thời trang, cho một ngành hàng “ăn nên làm ra”!

Văn nghệ sĩ nhận thức được ảnh hưởng của họ là hết sức lớn, tác động của những tác phẩm nghệ thuật gần như trực tiếp đến con người, nên một bộ phận trong số họ đã lợi dụng điều đó để mưu cầu tư lợi về tiền tài, danh vọng. Đâu đó cũng có những người không thực tài, không có cống hiến, nhưng “thèm khát” có được “tên tuổi”. Họ tạo những “scandal”, những “cú sốc”, những “sự kiện”… để nổi tiếng. Nhạc sĩ, kiến trúc sư, nhiếp ảnh, họa sĩ… không ngần ngại “copy” một ý tưởng, một motip âm nhạc hay kiến trúc, một biểu tượng, một góc nhìn… để cho ra sản phẩm “đạo”, “nhái”, mà không mang đến cho xã hội một giá trị mới nào. Họ muốn được nhiều người biết đến dù ở phương diện vô đạo đức, bất chấp mọi phương cách. Như vô tình, một số người “vô tư”, từ chính lối sống của bản thân và những tác phẩm (sản phẩm) của họ đã cổ xúy, quảng bá cho lối sống, một cách ứng xử vô lương, thậm chí dẫn dắt người khác đến cái chết.

Với vai trò, ảnh hưởng, tác động xã hội của mình, văn nghệ sĩ cần có trách nhiệm với xã hội. Mỗi người nghệ sĩ có lương tâm, ở mỗi cương vị của mình, cần tự hình thành “Lời thề Hyppocrates” để sống, làm việc, ứng xử… đúng mực, để có thể xứng đáng và tự tin với vị trí của mình, tự hào với nghề nghiệp đã chọn và không phụ lòng yêu thương, ngưỡng mộ của công chúng. Tuy nhiên, lương tâm, đạo đức được hình thành trong giáo dục và điều đó hình như vẫn chưa đủ, cần phải có những quy định mang tính xã hội, đó là luật pháp. Hiện bộ máy quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật biểu diễn tương đối đầy đủ, bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật, và đặc biệt là Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ do Bộ VHTTDL vừa ban hành. Đây sẽ là những công cụ chế tài, định hướng để người nghệ sĩ có ý thức trách nhiệm hơn với sản phẩm nghệ thuật của mình. 

PGS.TS NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top