Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu Việt: Đường tới công nghiệp văn hóa có còn xa?

Thứ Hai 16/05/2022 | 10:41 GMT+7

VHO- Có lẽ, nhiều người trong giới sân khấu hiện vẫn còn mơ hồ khi nhắc tới khái niệm “công nghiệp văn hóa”. Bởi vậy, cũng dễ hiểu vì sao sân khấu cứ mãi loay hoay giậm chân tại chỗ trong khi các lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ từng ngày.

 Trước khi nói tới CNVH đối với sân khấu thì phải nói tới việc dàn dựng những tác phẩm chất lượng (ảnh: Vở “Làng song sinh” của Nhà hát Kịch Hà Nội, HCV LH Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021) Ảnh: TRUNG KIÊN

 Mơ hồ và loay hoay ngay từ khái niệm

Tại Hội thảo Sân khấu Thủ đô với công nghiệp văn hóa do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vừa qua, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, NSND Nguyễn Quốc Chiêm cho rằng, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Thủ đô khó có thể trả lời câu hỏi: “Làm sao để thực hiện thành công công nghiệp văn hóa?”. Bởi lẽ, phần nhiều họ vẫn đang ngày ngày “biện lên mâm” những thực đơn nhàm chán, sân khấu thưa vắng khán giả, nghệ sĩ phải làm 2-3 việc một lúc để mưu sinh... Không chỉ ông mà nhiều người trong giới nghề đều cho rằng, ngành công nghiệp văn hóa nói chung, nghệ thuật biểu diễn nói riêng của Việt Nam đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên đến từ vấn đề pháp lý do thể chế chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá sâu, ảnh hưởng đến sức sáng tạo. Những khoảng trống pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ cũng dẫn đến sự yếu kém trong bảo vệ thành quả lao động nghệ thuật. Mặt khác, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của ngành chưa cao, thiếu sản phẩm văn hóa thương hiệu quốc gia có chất lượng ở cấp độ khu vực và quốc tế...

Nhận diện về vấn đề này, TS Trần Thị Minh Thu trăn trở, công nghiệp sân khấu đang bước đầu phát triển ở Hà Nội, tuy nhiên, mới chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ của tư nhân chứ chưa có ở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập. Lĩnh vực sân khấu hoạt động yếu ớt, không có khán giả, kịch bản cũ, dàn dựng thiếu đổi mới, sáng tạo, dẫn đến doanh thu thấp, vì vậy khó có thể thực hiện công nghiệp văn hóa đối với sân khấu. Các nguyên nhân là: Cơ chế chính sách còn chưa phù hợp; Thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao về kỹ năng quản trị nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh; Cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, cũ kỹ; Thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng; Thiếu vốn đầu tư...

Nhìn vào thực trạng “chợ chiều” của ngành sân khấu, PGS.TS Trần Trí Trắc khẳng định: “Công nghiệp văn hóa, nói cho cùng là khoa học - kỹ thuật đưa văn hóa thành hàng hóa và gắn với kinh tế. Nhiều lĩnh vực của văn hóa đã đạt được mục tiêu công nghiệp như Ẩm thực, Điện ảnh, Quảng cáo, Triển lãm… Còn nghệ thuật sân khấu thì cần phải suy tính, bởi lẽ đây không phải là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt. Vì vậy không thể có cái gọi là công nghiệp văn hóa trong sân khấu được!”.

Vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được trao huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 được đánh giá cao về nỗ lực tìm tòi của đạo diễn

Cốt lõi vẫn là xây dựng tác phẩm chất lượng

NSND Thanh Trầm nêu ý kiến, trước khi tiến hành công nghiệp sân khấu thì chính những người trong ngành cần phải có sự cải tổ ngay từ tư duy cho tới cách thức lựa chọn xây dựng tác phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị có trách nhiệm quản lý về nghệ thuật cần rà soát lại quy chế đánh giá chất lượng các cuộc liên hoan nghệ thuật, tránh loạn chuẩn vì bệnh “thành tích”. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ tác giả, thành phần sáng tạo bằng cơ chế đặc thù nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của đời sống xã hội. Với những kịch bản có chất lượng, được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu dàn dựng. Cần đào tạo khán giả bằng các biện pháp như giới thiệu sân khấu vào trường học, tổ chức các câu lạc bộ yêu sân khấu... Đẩy mạnh đầu tư cho đội ngũ lý luận phê bình; có cơ chế, chính sách để tránh tình trạng khen chê thiếu tính chuyên nghiệp cũng là điều vô cùng cần thiết. Các nghệ sĩ sân khấu cần được gửi đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối các thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật.

Nhằm tạo điều kiện cho công nghiệp sân khấu Hà Nội nói riêng, sân khấu cả nước nói chung phát triển, TS Trần Thị Minh Thu cho rằng, bản thân các cơ quan quản lý ngành cũng cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, khó khăn, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý mang tính đặc thù cho nghệ thuật sân khấu hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách thuận lợi, với tinh thần: Tác phẩm là “hàng hóa đặc biệt”, các đơn vị là “cơ sở sản xuất kinh doanh” và nghệ sĩ là “doanh nhân”.

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi nghệ thuật sân khấu phải đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, phương thức hoạt động để trở thành ngành công nghiệp đem lại nguồn lợi nhuận cao. Trong đó, bên cạnh khâu sáng tạo và sản xuất, việc tiếp cận công chúng cũng đòi hỏi những người làm nghệ thuật sân khấu phải thay đổi. Để cạnh tranh, tự chủ được trên thị trường, các đơn vị không thể không làm tốt công tác marketing và xây dựng cho mình thương hiệu - một tài sản vô hình trong cơ chế thị trường và cũng là tài sản quốc gia trong hội nhập quốc tế. Thương hiệu có thể coi là linh hồn, sức sống cho sản phẩm nghệ thuật biểu diễn. Thương hiệu càng mạnh, càng gây được ấn tượng trong tâm thức của người tiêu dùng, thì sản phẩm nghệ thuật biểu diễn càng được nhiều người xem bỏ tiền ra mua để thưởng thức.

Đều là những trụ cột, đạo diễn sáng giá của ngành sân khấu, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng; Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam, TS.NSND Thanh Ngoan; Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, TS.NSND Triệu Trung Kiên; Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng; Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến... khi chia sẻ những khó khăn trong công tác dàn dựng biểu diễn đều cho rằng, để thu hút khán giả hôm nay thì nghệ thuật biểu diễn nói chung, đặc biệt là sân khấu phải được nâng cấp hiệu quả về công nghệ, đây là yêu cầu vô cùng cấp bách, đòi hỏi phải có đầu tư lớn về chiều sâu. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam tâm sự, Nhà hát nhận được rất nhiều lời đề nghị phối hợp tổ chức tham gia các cuộc thi nghệ thuật Múa rối quốc tế, nhưng để quay các chương trình, tiết mục có áp dụng công nghệ là điều vô cùng nan giải, bởi không có phòng thu, không có trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, Nhà hát rất khó để dàn dựng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu...

Nhà hát, rạp biểu diễn đều đã có tuổi đời cả trăm năm, trang thiết bị kỹ thuật từ thời “ơ kìa” khó có thể thích ứng với thời cuộc… và khái niệm “công nghiệp văn hóa” dẫu còn mơ hồ, nhưng cốt lõi vấn đề đặt ra ngay lúc này là mỗi đơn vị cần xây dựng cho mình một đội ngũ nghệ sĩ tài năng và những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng để theo kịp “gu” thưởng thức công chúng đương đại. Bởi vậy, việc tuyển lựa, đào tạo, phát huy tài năng, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất nghệ thuật - nghệ sĩ là vô cùng quan trọng đối với sự sinh tồn của các đơn vị nghệ thuật sân khấu. 

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top