Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tiếng sóng... ở Nghĩa trang Hàng Keo

Thứ Hai 16/05/2022 | 10:46 GMT+7

VHO- “Sóng biển hôm nay lạ lắm”, người dân địa phương cứ ghé tai nhau tâm sự như thế suốt buổi lễ. Buổi sáng sớm cuối tuần qua, sóng biển Côn Đảo thật dịu êm như mang thanh âm tiếng đàn dìu dặt vỗ nhè nhẹ vào mạn bờ, nơi diễn ra lễ khánh thành việc chỉnh trang, nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang Hàng Keo, thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.

 Sau buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã nghe nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ôn lại những năm tháng bị giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo

 “Biển sáng nay thật êm chứ không như mấy hôm trước cứ liên tiếp quăng lên từng lớp bọt trắng xóa. Còn nữa, chiều hôm trước trời cứ đổ những trận giông, thi thoảng có trận gió mạnh tạt qua làm se lạnh. Chắc các bậc tiền nhân hiện nằm trong lòng di tích Nghĩa trang Hàng Keo đã chứng cho tấm lòng của thế hệ hôm nay”, bạn trẻ Nguyễn Thùy Duyên, Khu phố 2, thị trấn Côn Đảo chia sẻ.

“Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo”

Có mặt từ sáng sớm hôm 13.5, ngày tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trang trọng tổ chức lễ khánh thành công việc chỉnh trang, nâng cấp, tôn tạo di tích lịch sử Nghĩa trang Hàng Keo, một người phụ nữ trong tà áo dài giản dị chậm rãi men theo từng cụm phù điêu vừa mới được dựng nên nơi đây.

Người phụ nữ đó là nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, cựu tù chính trị Côn Đảo. Khi bà và chồng, cũng là cựu tù chính trị Côn Đảo, dừng lại khá lâu trước cụm phù điêu khắc các tù chính trị chìa những cánh tay gầy guộc đón lấy tấm ảnh chân dung Bác Hồ trong thời điểm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đó cũng là ngày các tù chính trị tại địa ngục trần gian được trở về với cách mạng, với gia đình, tôi thấy nơi khóe mắt của bà rơi lệ.

Đông đảo quan khách, người dân và du khách tham quan bức phù điêu mới dựng lên tại Nghĩa trang Hàng Keo

“Đã bao lần ra Côn Đảo thắp nén tâm hương dâng lên anh linh các bậc lão thành cách mạng, các chí sĩ yêu nước, các đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhưng với lần này tôi mang một niềm xúc động riêng. Di tích lịch sử Nghĩa trang Hàng Keo như câu nói chứa chất đầy sự ai oán của người tù khi tiễn bạn: “Côn Lôn đi dễ khó về /Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo”, nơi an nghỉ của hàng nghìn tù nhân chính trị yêu nước từ đầu thế kỷ XX cho đến giai đoạn khủng bố trắng trong những năm 1940-1941, giờ đã được nâng cấp, chỉnh trang theo hướng là một công viên lịch sử, văn hóa và tâm linh. Đây là ý nguyện của các cựu tù chính trị Côn Đảo và người dân trong suốt bao năm qua”, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ. Trong dịp lễ trọng này, ngoài bà còn có nhiều cựu tù chính trị khác cũng có mặt để chứng kiến lòng ước nguyện của mình nay đã thành hiện thực. Dường như, sau cái bắt tay hay cái choàng ôm trong sự xúc động, họ cứ lặng lẽ bước đi thật nhẹ trên nền cát trắng rồi ngắm nhìn những bức phù điêu mô tả qua những giai đoạn đấu tranh khốc liệt và đi đến ngày hòa bình, thống nhất.

“Đi thật nhẹ thôi nhé”, một cựu tù đã ngoài bảy mươi nhắc nhở đám bạn trẻ đi phía sau, bởi trên mảnh đất Hàng Keo này, dù đã được cất bốc trước đó hàng chục ngôi mộ để quy tập vào Nghĩa trang Hàng Dương gần đó, thì dưới lớp cát mềm này vẫn còn biết bao hài cốt của hàng ngàn tù nhân chính trị yêu nước, mà đến nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy. Trên nền nhạc trầm hùng xen lẫn với sóng biển nhẹ êm cùng với tiếng khẽ reo của rặng phi rao chắn sóng gió, từng đoàn các bạn trẻ kề bên những cựu tù chính trị chậm rãi rảo bước dọc Nghĩa trang Hàng Keo. Bà Phạm Thị Tám, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cho biết, Nghĩa trang Hàng Keo là một trong hai nghĩa trang ở Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng trên khu đất rộng khoảng 97.000m2. Dẫu nơi đây đã được khắc ghi thông tin trên những tấm bia đá nhằm lưu nhớ cho các thế hệ mai sau về một thời đau thương, một thời đấu tranh oanh liệt của các chiến sĩ cách mạng yêu nước, nhưng sẽ không có bia đá nào bền vững hơn chính là các thế hệ ngày nay và mai sau khắc tâm ghi cốt đối với mảnh đất thiêng liêng và cũng thật lãng mạn này.

 Bà Trương Mỹ Hoa dìu nữ cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Thị Ni lên dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Keo

Nâng niu từng hạt cát…

Thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc trước hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã đấu tranh bất khuất và hy sinh vẻ vang vì độc lập, tự do của Tổ quốc, được sự thẩm định, cho phép của cấp có thẩm quyền, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư nâng cấp, chỉnh trang và hoàn thiện nhiều hạng mục công trình nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Nghĩa trang Hàng Keo.

Đó là những hạng mục với quy mô thật khiêm tốn, nhỏ nhắn để không tác động sâu rộng xuống lòng đất, như bia tưởng niệm, khu hành lễ, sân tập trung, đường nội bộ, lối đi trong khuôn viên, hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời... Và các tác phẩm nghệ thuật được chia thành bốn cụm chủ đề với những nội dung rất ý nghĩa: “Khát vọng hòa bình tự do”; “Địa ngục trần gian”; “Đấu tranh - Chiến thắng - Ngày trở về”; “Tri ân - Biển hát lời quê hương”. Lãnh đạo Sở VHTT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Nghĩa trang Hàng Keo là mảnh đất linh thiêng, là nơi ôm chứa trong lòng mình biết bao tù nhân yêu nước bị thực dân Pháp giết hại, vì thế trong quá trình thi công các đơn vị hết sức cẩn trọng trong từng công việc. Nói một cách khác, những đơn vị có trách nhiệm đối với dự án có quá nhiều ý nghĩa này phải nâng niu từng hạt cát, bởi trong từng hạt cát nơi đây đều có bóng hình của các bậc cha anh đã ngã xuống cho lá cờ Tổ quốc thắm tươi. Ví như để đặt xuống lòng cát một viên đá, các bên liên quan phải hết sức cẩn thận thậm chí là tỉ mỉ.

 Bức phù điêu thể hiện khát vọng hòa bình tự do tại Nghĩa trang Hàng Keo

Di tích Nghĩa trang Hàng Keo đã và đang được điểm tô thêm với những hạng mục công trình mang dấu ấn lịch sử và nghệ thuật, trong tương lai không xa tại không gian linh thiêng này sẽ hình thành nên công viên văn hoá, lịch sử xanh ngát bốn mùa. Ở đây còn là địa chỉ sắt son của các cựu tù chính trị Côn Đảo, các thế hôm nay, mai sau... tìm về để nhớ lại những khó khăn, gian khổ, hy sinh; để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì đất nước. Trong dòng người tiến về khu hành lễ thắp nén hương lòng, người viết được chứng kiến hình ảnh thật đẹp và rất đỗi xúc động, ấy là cựu tù chính trị Côn Đảo Trương Mỹ Hoa đang dìu một đồng đội cũng là một cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Thị Ni (tức cô Tư Ni), nữ cựu tù duy nhất đang sinh sống tại huyện Côn Đảo. Trong ánh nắng chan hòa với những giai điệu sóng vỗ nhịp nhàng, hai người cựu tù dìu dắt nhau thắp lên tấm bia di tích Nghĩa trang Hàng Keo. Được chứng kiến hình ảnh vô cùng xúc động này, nhiều người tại buổi lễ đã không cầm được nước mắt tự hào, bởi những cựu tù đó là nhân chứng lịch sử của những năm tháng khốc liệt trong ngục tù thực dân, đang dâng nén hương thơm lên các bậc anh linh. 

Di tích Nghĩa trang Hàng Keo đã đẹp lên và tôi mong sẽ đẹp lên nữa. Qua sự kiện hôm nay tôi cũng mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hơn nữa để Nghĩa trang Hàng Keo trở thành Công viên lịch sử, văn hoá và tâm linh nhằm nhắc nhớ các thế hệ trẻ về truyền thống vẻ vang của các bậc cha anh đi trước, để họ hiểu hơn về một chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc.

Và hơn nữa sẽ là điểm nhấn về du lịch cách mạng, biển đảo của huyện tiền tiêu Côn Đảo.

(Nguyên Phó Chủ tịch nước TRƯƠNG MỸ HOA)

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top