Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Làm cho Việt Bắc tưng bừng thêm vui từ du lịch

Thứ Sáu 26/08/2022 | 13:18 GMT+7

VHO- Ngày 26.8, tại Hà Giang đã diễn ra Hội thảo Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch và Công bố sản phẩm du lịch trong liên kết 6 tỉnh Việt Bắc do Bộ VHTTDL phối hợp với Tỉnh ủy, UBND 6 tỉnh Việt Bắc tổ chức.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo 

Tham dự sự kiện có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VHTTDL các địa phương 6 tỉnh Việt Bắc, hơn 80 doanh nghiệp tham gia 3 đoàn khảo sát sản phẩm 6 tỉnh Việt Bắc (từ ngày 23-28.8) và đại biểu trong và ngoài tỉnh Hà Giang.

Định vị lại vị trí thương hiệu của du lịch Việt Bắc

Các tỉnh Việt Bắc (Hà Giang- Tuyên Quang- Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn - Thái Nguyên) với lịch sử văn hóa lâu đời, sự tương đồng và khác biệt về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đã tạo cho bức tranh du lịch vùng Việt Bắc đa dạng mà thống nhất. Các tỉnh đều mong muốn và quyết tâm phát triển du lịch, tuy nhiên, đến nay mới chủ yếu dựa vào những tài nguyên sẵn có, chưa tương xứng với tiềm năng.

Năm nay là lần đầu tiên sau 13 năm tổ chức Chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Bí thư tỉnh ủy tham dự và có bài phát biểu quan trọng. Đây là sự quan tâm, động viên rất lớn của người đứng đầu ngành VHTTDL và đứng đầu địa phương đăng cai để ngành Du lịch các tỉnh lĩnh hội các ý kiến trao đổi, tăng cường hợp tác.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt từ sau dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, nhiệm vụ đặt ra là nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có phục hồi du lịch, bởi lẽ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Sau khi du lịch bước vào giai đoạn bình thường mới, từ 15.3, Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, toàn ngành đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội.

Hội thảo Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch và Công bố sản phẩm du lịch trong liên kết 6 tỉnh Việt Bắc do Bộ VHTTDL phối hợp với Tỉnh ủy, UBND 6 tỉnh Việt Bắc tổ chức

Bộ trưởng nhắc lại một số hoạt động chính, trong đó có Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 - Quảng Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra cuối tháng 3.2022, sau đó là các hoạt động liên kết của các đầu tàu du lịch chính của TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, liên kết hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum, Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội 2022... Tới đây, tại TP.HCM diễn ra Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM (ITE) 2022, với khoảng 250 gian hàng, 161 người mua (buyer) cho thấy du lịch Việt Nam đã khởi sắc, bức tranh du lịch có nhiều điểm sáng màu. Đồng thời, qua sự hồi phục của du lịch Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng, doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương để đưa du lịch phát triển xanh, bền vững.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là cụ thể hóa nhanh chóng Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có các tỉnh Việt Bắc, tại Hội nghị này, các địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội... sẽ cùng bàn với nhau về những giải pháp về phát triển du lịch. “Không chỉ nhận diện mà còn cụ thể hóa chủ trương của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, của Bộ VHTTDL là mỗi địa phương phải có một sản phẩm độc đáo, đặc sắc và phải kết nối được các sản phẩm này. Bộ VHTTDL đánh giá cao sáng kiến liên kết, hợp tác của các tỉnh Việt Bắc, lần này do Hà Giang đăng cai”, Bộ trưởng nói.

Với tất cả trách nhiệm, tình cảm và sự trân trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thay mặt lãnh đạo Bộ, thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia về Du lịch chia vui với các địa phương, doanh nghiệp về tinh thần vượt khó và những kết quả phục hồi du lịch sau Covid-19 vừa qua, chúc Hội thảo đạt yêu cầu đề ra. Bộ trưởng cho biết, Hội thảo cũng là diễn đàn để Bộ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia du lịch, cộng đồng doanh nghiệp, của những người đang thực hành quản lý nhà nước về du lịch trong khảo sát, xây dựng, kết nối sản phẩm. Bộ cũng đã phân công Tổng cục Du lịch trực tiếp theo dõi, tham dự các hoạt động, báo cáo lãnh đạo Bộ để có những chỉ đạo sát sao, định hướng đúng và trúng.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo

“Với tiềm năng thế mạnh của 6 tỉnh Việt Bắc, qua việc doanh nghiệp trao đổi về những sản phẩm thành công, định hướng khai thác sắp tới, tôi cho rằng cần định vị lại vị trí thương hiệu của du lịch Việt Bắc trong cách tiếp cận và mối liên hệ với các tỉnh trên toàn quốc, nhìn rộng ra tầm quốc tế và khu vực”, Bộ trưởng lưu ý.

Ông cho rằng, Hội thảo cần nhìn lại và khẳng định những tiềm năng, thế mạnh vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Việt Bắc, về những giá trị vô giá mà các thế hệ cách mạng cùng với nhân dân các dân tộc vùng Việt Bắc, nhân dân cả nước dày công vun đắp và xây dựng, gìn giữ, để lại cho hậu thế; về một nền văn hóa phong phú, đặc sắc, đa dạng của cộng đồng dân tộc đang sinh sống ở 6 tỉnh Việt Bắc. “Phải chăng, đây sẽ là những yếu tố, tạo động lực, cảm hứng để những người làm du lịch nghĩ đến cách làm mới và đi sâu hơn, hiểu rõ hơn về các địa danh cách mạng, về những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng này, về những giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch một cách bền vững”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, đưa ra những giải pháp, kết nối giao thông khi trong vùng chưa có sân bay, giao thông đường thủy chưa phải thế mạnh, thời gian từ Hà Nội lên các tỉnh trong vùng và giữa các tỉnh với nhau còn xa, địa hình hiểm trở, trạm dừng chân còn thiếu,... Điểm nghẽn về hạ tầng du lịch cũng chưa được tháo gỡ, cơ sở lưu trú trong vùng cũng thiếu, chưa đủ để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, ví dụ như: du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Bộ trưởng lưu ý, cần đa dạng hóa trong cơ sở lưu trú, đáp ứng được các phân khúc thị trường. Phát triển du lịch cộng đồng nếu không chú ý và định hướng tốt sẽ na ná giống nhau, không đầy đủ về dịch vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Hà Giang

Cách tiếp cận mới, tư duy mới để liên kết hiệu quả

Với chủ trương mỗi địa phương có một sản phẩm tiêu biểu, Hội thảo phải đặt ra và trả lời được câu hỏi, sản phẩm đó là sản phẩm gì? Sản phẩm đó mang dấu ấn di sản thế giới, thiên nhiên hùng vĩ hay văn hóa độc đáo của các dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn; di tích lịch sử cách mạng của thủ đô gió ngàn hay những địa danh khác trong vùng... Cách làm để tạo ra sản phẩm, ai là người tạo ra sản phẩm, quản lý sản phẩm như thế nào, đánh giá sản phẩm dưới góc độ kinh tế- xã hội ra sao?

Qua đó, xác định sản phẩm nào tiêu biểu cho các địa phương trong vùng, sản phẩm nào có thể liên kết được. Hiện nay, ở Hà Giang có rất nhiều cách làm. Ví dụ Khu nghỉ dưỡng Hmong Village ở Hà Giang xây dựng phòng nghỉ hình cái gùi của đồng bào Mông nhưng nếu mô hình này đưa sang Tuyên Quang có hợp không? Ví dụ nhỏ đó cho thấy, địa phương này làm được, địa phương khác chưa chắc đã làm được. Vì thế, cần phải có sự phân vai, phân nhiệm rõ ràng.

“Vì sao phải thúc đẩy phát triển liên kết vùng trong du lịch?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi. Ông cho rằng, thể chế của chúng ta chưa có liên kết vùng nhưng chúng ta có thể liên kết trong du lịch. Muốn phát triển du lịch bắt buộc phải có liên kết. Liên kết gì ở đây? Ai giữ vai trò liên kết? 13 năm qua các tỉnh Việt Bắc thực hiện Chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc nhưng chủ yếu liên kết ở các cấp quản lý nhà nước. Trong thực tiễn, để liên kết tạo sản phẩm thì vai trò của doanh nghiệp phải là số 1, nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo, tạo lập cơ chế chính sách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Khi và chỉ khi doanh nghiệp nhìn thấy lợi thế và tiềm năng, lợi nhuận trong liên kết, minh bạch  và công khai, gắn liền với lợi ích của cộng đồng địa phương thì liên kết mới thành công. Vì thế, cần phải đặt ra vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương, doanh nghiệp trong các liên kết này để tạo ra sản phẩm, tạo ra sức mạnh của ngành. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu nghe giới thiệu về các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Hà Giang

Bộ trưởng hoan nghênh ý tưởng về việc xây dựng sản phẩm du lịch vùng Việt Bắc dựa vào yếu tố văn hóa, bởi lẽ, du lịch phải bắt đầu từ văn hóa và sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Tài nguyên văn hóa của Việt Nam phong phú, đặc sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp đã dần biết tạo ra sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng. Các doanh nghiệp đều hiểu, trong kinh tế thị trường, không phải bán sản phẩm địa phương, doanh nghiệp có mà là bán sản phẩm mà khách yêu cầu. Vì thế, sản phẩm của Hà Giang phải khác Tuyên Quang, khác Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và ngược lại; đồng thời đáp ứng được thị hiếu, xu hướng du lịch mới của du khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm, tour, tuyến du lịch của 6 tỉnh này cũng phải được kết nối với các địa phương khác trên cả nước.

Công tác chuyển đổi số cũng cần được đẩy mạnh hơn, xây dựng được các app du lịch của 6 tỉnh, liên thông, kết nối với app chung của Tổng cục Du lịch, việc truy cập phải nhanh gọn, tiện ích, đầy đủ thông tin, theo kịp với xu thế phát triển khoa học công nghệ trong phát triển du lịch.

Theo Bộ trưởng, ngoài việc xây dựng sản phẩm du lịch, quản lý nhà nước về du lịch cũng phải tính đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, điểm đến. Mặc dù cả nước đang trong bối cảnh đang tinh giản biên chế nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng với một ngành giàu tiềm năng, có nhiều thế mạnh phát triển như du lịch, đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, muốn phát triển du lịch một cách bài bản, mạnh mẽ phải có Sở Du lịch để làm nhiệm vụ chuyên sâu về công tác quản lý du lịch. Cần nghiên cứu mô hình của 14 tỉnh/ thành có Sở Du lịch để học tập vì Hiện nay, có những địa phương Phòng Quản lý Du lịch trong Sở VHTTDL rất yếu chưa đủ sức tham mưu, hoạch định chính sách. Phòng chỉ có 2 người mà lại ở nơi khác chuyển đến, công tác xúc tiến du lịch cũng nơi mạnh, nơi yếu. Trung tâm xúc tiến nơi có, nơi không hoặc nhập vào Trung tâm xúc tiến chung của tỉnh/ thành....

Bộ trưởng tham quan không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Hà Giang

Bộ trưởng cho rằng, để phát triển du lịch phải có lực lượng đủ sức, đủ lực, đủ điều kiện nghiên cứu, cùng với Bộ VHTTDL xây dựng, hoàn thiện công cụ pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Dẫn ra ví dụ, trong các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP) không có du lịch, Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Lỗi ở đâu? Ở Bộ VHTTDL hay các Sở VHTTDL, Sở Du lịch? Trong khi đầu tư trong lĩnh vực du lịch rất tốn kém, 10 năm sau mới có mang lại, chu kỳ dự án phải 30-50 năm. Khó khăn như vậy càng cần phải có chính sách khuyến khích thì lại không có. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng với Bộ kiến nghị Nhà nước tháo gỡ, điều chỉnh luật cho phù hợp.

Các doanh nghiệp làm du lịch, thương mại, dịch vụ ở các địa phương không nhiều, vì thế, cần phải có sự kết nối ngay từ từng tỉnh. Vai trò của Hiệp hội Du lịch các địa phương cần được tính toán, tham mưu, hiến kế. Nếu không, sau một Hội nghị lớn như thế này, rồi lại như cũ.

Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của người dân, cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch. Chỉ có dựa vào dân, chỉ có người dân mới làm được điều này. Níu giữ chân du khách có khi không phải là khách sạn nguy nga mà là thái độ phục vụ của người lễ tân; sức hút của khu du lịch cộng đồng là nụ cười tỏa nắng của những sơn nữ, những chàng trai vùng Việt Bắc chân tình, thẳng thắn, khẳng khái... Vì thế, muốn phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn, thực hành văn hóa....

“Sức mạnh của ngành Du lịch phải bắt đầu từ sự kiến tạo của Đảng, nhà nước, tháo gỡ điểm nghẽn trong Luật, mô hình tổ chức quản lý, hỗ trợ và phát huy vai trò của doanh nghiệp”, Bộ trưởng khái quát.

Bộ trưởng khẳng định 6 tỉnh Việt Bắc có tiềm năng rất lớn để phát triển, có ý chí tự lực tự cường, thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân thân thiện, Đảng và nhà nước đang rất quan tâm phát triển vùng cách mạng xưa.... Dẫn 2 câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà  Tố Hữu: Mình đi ta hỏi thăm chừng/ Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui? Bộ trưởng cho rằng đây chính là câu hỏi mà những người làm du lịch cần giải đáp: Làm cho Việt Bắc tưng bừng thêm vui từ du lịch.

THÚY HÀ; ảnh: TRƯỜNG XUÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top