Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tội phạm công nghệ thông tin, mạng viễn thông ngày càng phức tạp

Thứ Ba 08/11/2022 | 11:48 GMT+7

VHO-Trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 trong phiên họp của Quốc hội vào sáng nay 8.11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp.

Báo cáo cũng cho biết, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp khắc phục các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội trên không gian mạng (lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tội phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử, đánh bạc trên mạng Internet...) để người dân cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022

Yêu cầu facebook, google gỡ bỏ hơn 860 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập hơn 7.200 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc. Tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội.

Tuy nhiên, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh (tăng 143,98% về số vụ) và tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Nổi lên là, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng liên kết chặt chẽ tại nhiều địa phương; biến tướng dưới nhiều hình thức mới.

Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm..., mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt. Đáng chú ý, xuất hiện một số nhóm tội phạm nước ngoài tấn công, xâm nhập hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để thu thập, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản của khách hàng... “Lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19; phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ, đường hàng không, chuyển phát nhanh. Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến trọng điểm; rà soát, triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy góp phần phòng ngừa tội phạm.

Toàn cảnh phiên họp sáng 8.11

Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ... Đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19. Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh... Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%...

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN - QUỐC HỘI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top