“Giữ mình toàn mạng” trong thế giới AI Driven

VHO- Sáng ngày 10.6, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, đã diễn ra buổi Talkshow “Giữ mình toàn mạng, Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thế giới AI - Driven”, do Dear Our Community phối hợp cùng Trung tâm phát triển thương hiệu và kết nối cộng đồng ( U-SciHub) của trường tổ chức.

“Giữ mình toàn mạng” trong thế giới AI Driven - Anh 1

Các diễn giả chia sẻ tại chương trình

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu chia sẻ thông tin và kết nối với nhau giữa người trẻ bỗng trở thành nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân tạo ra những hệ lụy nguy hiểm từ lừa đảo tài chính, lừa đảo tình cảm đến rủi ro pháp luật. Sự kiện lần này nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Giữ mình toàn mạng” của Dear Our Community hướng đến vị thành niên và thanh niên giúp các bạn phân biệt những nội dung không an toàn và có dấu hiệu lừa đảo và giải pháp để đảm bảo sự riêng tư và an toàn của dữ liệu cá nhân. 

Các bạn trẻ ngày nay sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau, nhưng không phải ai cũng biết cách làm sao để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình thật tốt để tránh rủi ro cho bản thân. Tại sự kiện anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), đồng sáng lập Công ty Chống lừa đảo, đã chia sẻ một số cách để các bạn trẻ có thể bảo vệ bản thân trong không gian mạng hiện nay. “Nên đặt mật khẩu có độ khó cao hơn trên các nền tảng online của mình, ví dụ như là trên 10 ký tự bao gồm chữ số, chữ hoa, chữ thường, các ký tự đặc biệt, đặt chế độ bảo mật 2 bước và thường xuyên đổi mật khẩu ít nhất là 3 tháng 1 lần”, Minh Hiếu cho hay. Ngoài ra anh cũng cho biết, hiện nay, Bộ TT&TT đã kết hợp với Google tạo ra trang web “Dấu hiệu lừa đảo”, các bạn có thể lên trang web để thực hiện những bài tập nâng cao nhận thức, những cách tránh bị lộ thông tin, lừa đảo trên không gian mạng.

Cũng tại sự kiện, chị Võ Ngọc Tuyền, nhà sáng lập, Giám đốc Đđiều hành Dear Our Community đã đúc kết 3 từ khóa muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ, đó là hiểu biết, chủ động, thận trọng. “Ba từ khóa này mình cứ lặp đi lặp lại trong câu chuyện bảo vệ dữ liệu. Bởi vì công nghệ dữ liệu nó sẽ thay đổi liên tục, không có Chat GPT thì cũng có một cái Chat khác xuất hiện và không có AI thì nó cũng sẽ có công nghệ khác xuất hiện. Vấn đề ở đây không phải mình dừng công nghệ đó, tại vì công nghệ nó sẽ xuất hiện và liên tục hay đổi để làm cuộc sống con người tiện dụng, tiện lợi hơn. Nhưng nếu cá nhân không biết cách bảo vệ bản thân tốt, không chủ động, không hiểu biết thì các bạn sẽ là người dễ rơi vào tình trạng trở thành nạn nhân”.

Tham gia sự kiện, sinh viên đã được lắng nghe những chia sẻ về bảo mật dữ liệu nhiều góc độ như chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và pháp lý để hiểu thêm về những quyền dữ liệu cá nhân và những điều cần lưu ý khi sử dụng internet. Bên cạnh đó, chương trình còn có các trò chơi nhỏ về những tình huống liên quan đến bảo mật dữ liệu để nâng cao hiểu biết, cũng như biết cách xử lý nhanh nhất. Bạn Dương Thúy An, sinh viên Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng chia sẻ: “Sự kiện ngày hôm nay vô cùng ý nghĩa đối với em, nó giúp em có thêm những kiến thức cũng như những cách bảo vệ mình trong không gian mạng và tạo cơ hội cho em được gặp gỡ các diễn giả là những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này”.

Sự kiện lần này đã giúp nâng cao nhận thức của giới trẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng, thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức tham gia bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng một cách tốt nhất.

MỘNG THÚY

Ý kiến bạn đọc