Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 2): Chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay

VHO- Đổi mới tư duy nhằm tạo sự phát triển bứt phá trong giai đoạn mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã quán triệt và kiên trì chèo lái con thuyền của ngành VHTTDL vững vàng qua nhiều thử thách, chuyển đổi tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 2): Chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023): Khởi nguồn và động lực phát triển” 

Kiến tạo chính sách phù hợp với bối cảnh mới, trọng trách “chấn hưng văn hóa” mà Đảng, Nhà nước giao phó đã trở thành tinh thần lan toả, là động lực, nguồn lực, góp phần thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc, thay đổi tư duy, đầu tư cho văn hóa xứng tầm với sự phát triển. 
Động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam 
Chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Bộ VHTTDL chủ trì tổ chức đầu năm 2023 đã để lại những dư âm, tiếng vang lớn. Nhìn lại để tiến xa hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, 80 năm qua, Đề cương về Văn hóa Việt Nam như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Bên cạnh những thành tựu, cần nhận thức sâu sắc những thách thức đang đặt ra đối với văn hóa Việt Nam. 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam không chỉ là dịp để nhìn lại, mà còn để tiến xa hơn, là dấu mốc để toàn ngành cùng phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, giữ gìn hồn cốt dân tộc, đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tiếp nối mạch nguồn từ những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ trong suốt nhiệm kỳ 2021-2026 được ngành VHTTDL xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo và trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã bày tỏ tâm tư trước thực trạng văn hóa, đạo đức xã hội đang xuống cấp. Theo Bộ trưởng, trước thực tế này, xây dựng văn hóa, môi trường văn hóa là một trong những giải pháp căn cốt. Bên cạnh đó, mục tiêu mũi nhọn được toàn ngành tập trung là xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực… 
Tinh thần chủ đạo này trong chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” được Bộ VHTTDL phát động từ đầu năm 2022, đến nay đang được nhiều địa phương tích cực triển khai, tạo dấu ấn quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đang được triển khai mạnh mẽ, vấn đề văn hóa liêm chính, văn hóa thực thi công vụ được đảng viên, nhân dân đặt ra như một yêu cầu bức thiết, thì vấn đề xây dựng văn hóa, con người vì sự phát triển bền vững đất nước, khơi dậy khát vọng cống hiến và tạo động lực chấn hưng văn hóa mà toàn ngành VHTTDL đang triển khai mạnh mẽ càng khẳng định dấu ấn, tầm quan trọng hơn bao giờ hết… 
Các địa phương vào cuộc mạnh mẽ 
Ngay từ những bước khởi đầu khi tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ VHTTDL mà trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nêu rõ những mục tiêu, kỳ vọng về sức lan toả, về dư âm của những lời “hiệu triệu Diên Hồng” sẽ được triển khai trong đời sống văn hóa tại các địa phương trong cả nước, tạo bước ngoặt đột phá về tư duy. Nhiều địa phương đã nhanh chóng ban hành những Nghị quyết, chương trình đầu tư xứng tầm cho văn hóa. 
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh với hơn 15.000 đại biểu tham dự; đánh giá kết quả triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về lĩnh vực văn hóa trong 20 năm qua và đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu mới. Hội nghị đã nêu 10 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 10 nhóm giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn mới; tập trung hiến kế phát triển văn hóa trong bối cảnh hội nhập. Trong đó nhấn mạnh, xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; xây dựng và ban hành Nghị quyết mới của BCH Đảng bộ tỉnh về văn hóa trong năm 2023. 
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ VHTTDL về tháo gỡ “điểm nghẽn”, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo động lực phát triển văn hóa qua các Hội nghị, Hội thảo quan trọng đã được nhiều địa phương quán triệt, triển khai mạnh mẽ. Là địa phương thứ hai tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa, Bắc Ninh luôn dành sự quan tâm, đầu tư đặc biệt cho văn hóa. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển nguồn lực văn hóa, con người. Nghị quyết 71 do BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX ban hành ngày 29.8.2022 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã nhấn mạnh quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc, là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Các chính sách về phát triển văn hóa do tỉnh Bắc Ninh ban hành thời gian qua đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành huy động và bố trí nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện. Quan điểm và sự đầu tư quyết liệt của Bắc Ninh nhằm đưa văn hóa có sức bật xứng với tiềm năng thực sự là bước phát triển đột phá về tư duy. Không chỉ dừng ở việc khẩn trương tổ chức một Hội nghị bàn những vấn đề căn cốt về văn hóa, Nghị quyết 71 của BCH Đảng bộ tỉnh khẳng định rõ quan điểm: Văn hóa phải tạo ra giá trị vật chất và của cải cho xã hội, được thể hiện qua mục tiêu chi ngân sách cho văn hóa là 4% nhưng chỉ tiêu đóng góp của văn hóa đạt từ 3-5%. 
Nhận thức về quyết sách tạo phát triển đột phá, trong thời gian qua và đặc biệt kể từ sau khi được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” vào năm 2019, Hà Nội đã ban hành và triển khai hàng loạt chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo. Nối tiếp Hội thảo Văn hóa năm 2022, Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”. Đồng thời, những nội dung quan trọng tại Hội thảo là sự tiếp nối triển khai các nội dung tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và Hội thảo khoa học 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. 

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 2): Chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay - Anh 2

 Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” với sự tham dự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã góp phần nhận diện những điểm nghẽn, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều biện phát phát triển văn hóa 

Đột phá về thể chế, chính sách, đầu tư cho văn hóa xứng tầm 
Những câu chuyện thực tế tại các địa phương sớm triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về lĩnh vực Văn hóa, chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cùng các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL tiếp tục khẳng định quan điểm mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là tầm quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nguồn lực cho văn hóa nhằm tạo sự phát triển đột phá. 
Trên “cỗ xe tam mã” của ngành VHTTDL, sợi “dây cương” văn hóa, theo cách gọi của “Tư lệnh” ngành chỉ có thể phát huy hiệu quả khi sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực này phải thực sự xứng tầm. Có thể nói, với những quan điểm chỉ đạo, định hướng xuyên suốt đó, một trong những khâu đột phá tạo “cú hích” cho sự phát triển của ngành VHTTDL nói chung và tại các địa phương nói riêng chính là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, Bộ VHTTDL đã chủ trì tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 hành lang pháp lý quan trọng là Luật Điện ảnh 2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đồng thời, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan để cùng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi); Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)… Trước những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, Bộ VHTTDL cũng đã tích cực tham mưu và tháng 12.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết trong đó thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa… 
Đặc biệt, tại Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trực tiếp đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nội dung sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Lãnh đạo ngành trăn trở, cùng với những kết quả đạt được, ngành VHTTDL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn lực cho phát triển văn hóa, một trong số đó là sự gián đoạn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa đã và đang được khẳng định là một trong những trọng trách của Nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Tuy nhiên, để có được sự đầu tư hiệu quả, nhất thiết phải có những giải pháp đồng bộ mà Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là một giải pháp quan trọng. Đề xuất của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc tiếp tục quan tâm, ủng hộ để sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao. Tại cuộc làm việc với Bộ VHTTDL cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục nỗ lực cao nhất để có thể sớm trình ban hành Chương trình quan trọng này, tạo nguồn lực cho văn hóa phát triển. 
Nhằm tạo thêm điều kiện và lực đẩy cho phát triển văn hóa, thời gian qua, cùng với các Chương trình, Chiến lược về văn hóa đã được ban hành, Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu, đề nghị Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023- 2025. Chương trình đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định ban hành, với 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung vào các lĩnh vực di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,... Có thể nói, Chương trình là một dấu ấn vô cùng quan trọng, tiếp tục hoàn thiện hệthống chính sách, pháp luật vềvăn hóa, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bộ VHTTDL, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của Chương trình; hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả; sơ kết hằng năm, tổng kết việc thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Tại Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trực tiếp đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nội dung sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Lãnh đạo ngành trăn trở, cùng với những kết quả đạt được, ngành VHTTDL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn lực cho phát triển văn hóa, một trong số đó là sự gián đoạn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. 
Đầu tư cho văn hóa đã và đang được khẳng định là một trong những trọng trách của Nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Tuy nhiên, để có được sự đầu tư hiệu quả, nhất thiết phải có những giải pháp đồng bộ mà Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là một giải pháp quan trọng. 

 BẢO ANH; ảnh: TRẦN HUẤN 
(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc